
Thành phố Đà Nẵng cùng với cả nước đang triển khai tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) nhằm tạo động lực phát triển bền vững trong thời gian tới. Qua quá trình hình thành và phát triển hệ thống quỹ TDND, bên cạnh những thành quả nổi bật cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục.
Kênh dẫn vốn hiệu quả ở nông thôn
Hệ thống quỹ TDND được thành lập từ năm 1993 với mục tiêu huy động nguồn lực từ cộng đồng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để phát triển kinh tế, đặc biệt là các vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống quỹ TDND cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng được mở rộng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân...
Hộ ông Trương Văn Cường (thôn Cẩm Phú, xã Gò Nổi) vay 400 triệu đồng của Quỹ TDND Gò Nổi từ năm 2024 để đầu tư nuôi 50 con bò 3B. Đến nay, ông Cường đã xuất bán một lứa bò 3B và chuẩn bị bán thêm lứa bò 3B nữa. Mỗi con bò 3B giống được ông mua với giá 20 triệu đồng, sau 10 tháng nuôi nhốt chuồng thì xuất bán trung bình 40 triệu đồng/con.
“Tôi nuôi bò 3B ở vùng ven sông Gò Nổi có nhiều thuận lợi về thức ăn, không khí trong lành và ra sức chăm sóc bò nuôi nên lớn nhanh, hầu như không xảy ra dịch bệnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi con bò 3B khi xuất bán đem lại lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp của Quỹ TDND Gò Nổi để đầu tư nuôi bò 3B”, ông Cường nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Quỹ TDND Gò Nổi cho biết, quỹ hiện có 2.120 thành viên tham gia góp vốn, cho nông dân trên địa bàn Gò Nổi vay vốn tối đa 600 triệu đồng, thấp nhất 10 triệu đồng để mua vật tư nông nghiệp phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và đầu tư các mô hình kinh tế. Lãi suất cho vay của Quỹ TDND Gò Nổi là 5,5%/năm (thấp hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của ngân hàng chính sách là 6,6%/năm). Hiện tại, Quỹ TDND Gò Nổi có dư nợ 42 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Tính, Phòng Kế hoạch - kiểm tra (Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng) cho hay, thời gian qua các quỹ TDND trên địa bàn đã linh hoạt vận động phát triển thành viên, tăng vốn điều lệ và tăng nguồn vốn huy động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho nhân dân. Các quỹ đã đảm bảo cho vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, hạn chế tình trạng tín dụng đen, giúp người dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Tạo động lực phát triển mới
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ TDND và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho rằng, qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống quỹ TDND bên cạnh những thành quả nổi bật cũng bộc lộ những hạn chế.
Cụ thể là liên kết giữa các quỹ TDND với Ngân hàng Hợp tác xã chưa chặt chẽ; tăng trưởng dư nợ còn hạn chế, thậm chí có Quỹ TDND tăng trưởng âm. Từ thực tế này cần sớm nhìn nhận, đánh giá để tái cơ cấu, hoàn thiện hoạt động hệ thống quỹ TDND, tạo cú hích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, định hướng hoạt động của hệ thống quỹ TDND thời gian tới tiếp tục giữ vững tôn chỉ “tương trợ lẫn nhau”, tập trung phục vụ các hộ nông dân, hộ sản xuất nhỏ, nhất là các hộ gia đình yếu thế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động của các quỹ TDND là lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Phạm Trọng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 cho rằng, cơ cấu lại hệ thống quỹ TDND trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là rất cấp thiết để khắc phục các hạn chế, phát huy các thành quả, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững của hệ thống quỹ TDND.
Điều quan trọng là có thể thành lập thêm các quỹ TDND mới làm đòn bẩy cho phát triển khu vực nông thôn, vùng xa, vùng sâu. Theo đó, điều cốt yếu là các quỹ TDND trên địa bàn cần chú trọng điều tiết vốn, hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát rủi ro, cung cấp dịch vụ công nghệ và đào tạo nhân lực.
“Các quỹ TDND trên địa bàn cần khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn, qua đó đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại là chủ trương lớn của thành phố Đà Nẵng”, ông Trọng nói.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3 quỹ TDND hoạt động; ngoài Quỹ TDND Gò Nổi có Quỹ TDND Tây Điện Bàn và Quỹ TDND Điện Dương. Đến nay, tổng vốn hoạt động của 3 quỹ TDND hơn 525 tỷ đồng, thu hút 13.428 thành viên tham gia. Thời gian qua, cả 3 quỹ TDND đều kinh doanh có lãi, thực hiện vượt kế hoạch hằng năm, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn và cho vay hiệu quả ở những vùng nông thôn.
Nguồn: https://baodanang.vn/luc-day-cho-cac-quy-tin-dung-nhan-dan-3265356.html
Bình luận (0)