Ông Trực khoe chú gà rừng trống trưởng thành - Ảnh: P.P
Vương quốc của gà rừng
Trong trí nhớ của lão nông Phạm Văn Trực (74 tuổi), trên dãy núi Hoành Sơn có rất nhiều loài thú rừng sinh sống, trong đó gà rừng có nhiều vô kể. Những quả núi đất, đá điệp trùng dài chừng 50km từ dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển Đông với nhiều cây rừng rậm rạp, chính là vương quốc của loài gà rừng. Không chỉ sống trên rừng, loài gà rừng còn tràn về gần nhà của người dân, “thi gáy” cùng với những con gà trống nhà vào mỗi buổi sáng.
Gà rừng (hay còn gọi là gà rừng tai trắng) là một loài chim hoang dã, cũng chính là tổ tiên của loài gà nhà mà chúng ta nuôi hiện nay. Trong khi gà rừng mái có dáng thon gọn, cân nặng từ 0,7-1,1kg, toàn thân chỉ có màu nâu xám hoặc nâu xỉn, thì gà trống rừng thường nặng hơn một chút, sở hữu bộ lông sặc sỡ với đủ 5 màu sắc nên thường gọi là “kê ngũ sắc”.
Theo lời lão nông Phạm Văn Trực, vì sở hữu bộ lông đẹp nên giới chơi chim, gà cảnh thường săn lùng gà rừng về nuôi làm cảnh, tham gia các cuộc thi “gà đẹp”. Chính vì vậy, gà rừng, đặc biệt là con trống được bán với giá lên đến tiền triệu. Có một thời gian, nhiều thanh niên bên dãy Hoành Sơn lấy việc đặt bẫy gà rừng bán cho các “đại gia” làm nghề mưu sinh chính. Gà rừng vì thế bị săn bắt ngày càng nhiều và vắng dần bên dãy Hoành Sơn...
Gà rừng là loài có bộ lông đẹp, đặc biệt là gà trống, vì vậy không chỉ nuôi gà rừng để lấy thịt, nhiều người còn nuôi gà rừng để làm cảnh với giá trị lên đến hàng triệu đồng/con. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện gà rừng đã được phép lai tạo, nuôi thương phẩm, tuy nhiên cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã và quản lý chăn nuôi. |
Cơ duyên với gà rừng...
Lão nông Phạm Văn Trực bảo rằng, con gà rừng gắn chặt với tuổi thơ thế hệ của ông, của con ông nhưng đến thời của cháu ông thì chắc gì còn nhìn thấy nó. Thương nhớ “ký ức” xưa, nhiều lần ông “lén” để dành một ít tiền từ số tiền bán lợn, bán bò để tìm mua những con gà rừng mà thanh niên trong làng bẫy được để về nuôi.
Sau khi gà mẹ ấp trứng nở, ông Trực đã tách gà con ra đưa đến khu vực nuôi nhốt cho cứng cáp - Ảnh: P.P
Nhưng việc nuôi gà rừng đâu có dễ, vì đó là loài hoang dã, lại bị đánh bẫy nên 10 lần nuôi thì 9 lần bị chết. Lần còn lại mặc dù sống nhưng chỉ được một con, hai con nhưng lại cùng giới tính, không sinh sản được. Dù vậy, ông Trực đã không bỏ cuộc. Nghĩ rằng, không thể nhân giống thành công từ những con gà rừng mua từ người đặt bẫy, ông Trực một mình lặn lội đi các địa phương, từ Tây Bắc, lên Tây Nguyên để tìm hiểu và mua giống gà rừng về nuôi.
Hễ nghe tin ở đâu có giống gà rừng là ông Trực lại tìm đến mua bằng được. Nhưng việc đi mua giống gà rừng từ nơi khác về nuôi cũng không thể “ăn ngay”. Nhiều chuyến đi như vậy, ông Trực đều “mất trắng” khi đàn gà lớn lên, đủ lông, đủ cánh là bay mất vào rừng...
Bí quyết thuần hóa gà rừng
Hành trình cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần nhưng ông Trực vẫn không nản, không bỏ cuộc. Dần dà, những con gà rừng trong vườn nhà ông đã không phụ lòng người kiên trì, yêu thương chúng mà ở lại và sinh sôi. Nhưng theo ông Trực, để con gà rừng ở lại trong vườn nhà của gia đình, ông đã có được bí quyết của riêng mình.
Qua nhiều lần lai tạo, trong vườn nhà ông Trực xuất hiện những chú gà rừng màu trắng - Ảnh: P.P
“Kỹ nghệ” đó ông đã rút ra được sau nhiều lần nuôi gà rừng thất bại. Ông bảo, để gà không bay mất, trong những lần cho gà ăn, ông đã thêm vào thức ăn một ít muối. Việc tập cho gà rừng ăn thức ăn có muối là để chúng quen dần và nhớ vị muối mà quay về.
Cùng với đó, ông Trực trồng thêm rau xanh, cây cối trong vườn để gà chủ động nguồn thức ăn, đậu và ngủ trên cây như trong môi trường tự nhiên. Đặc biệt, lúc cho đàn gà ăn, mặc dù rất nhẹ nhàng, nhưng ông cũng thường xuyên, tiếp xúc, vuốt ve để gà quen dần với người.
Khi những con gà rừng mái có dấu hiệu nhảy ổ, sinh sản, căn cứ theo đặc tính tự nhiên của chúng, ông Trực chu đáo treo mấy cái sọt nhựa lót rơm lên cây để chúng lên đẻ và ấp trứng. “Gà rừng vẫn mang tập tính của loài chim hoang dã. Trứng trong ổ phải để nguyên cho đến khi gà nhảy lên ấp. Nếu mình chỉ lấy đi một quả là gà mái bỏ ổ luôn, không vào đó đẻ nữa”, ông Trực chia sẻ.
Cũng có một số gà mái không nhảy lên ổ mà chui vào bụi rậm, cào đáy, bới rác xây ổ để đẻ. Những khi đó, ông lại cặm cụi làm một cái mái nhỏ phía trên để che cho ổ trứng và gà mẹ khi ấp không bị ướt.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi gà rừng, đến hiện tại, ông Trực cũng đã “thuần hóa” được một số đặc tính của đàn gà rừng như nuôi gà nhà. Sau khi trứng gà rừng nở, ông tách gà con đưa đến khu vực nuôi nhốt riêng để tiện theo dõi, chăm sóc đến khi mọc đuôi tôm, cứng cáp mới đưa trở lại vườn nuôi. Gà rừng nuôi theo cách như vậy, chúng cũng ít bay xa, hoặc bay thẳng vào rừng.
Sau nhiều năm thuần hóa và nhân giống thành công, hiện trong mảnh vườn rộng hơn 2.000m2, gia đình ông Trực đang duy trì đàn gà rừng hàng trăm con. Ông cho biết, gia đình chỉ bán gà trưởng thành để nhân giống hoặc làm cảnh, với giá thành dao động từ 1-2 triệu đồng/con. Ngoài nuôi gà rừng, ông còn mạnh dạn vay mượn thêm tiền đầu tư nuôi 4 con hươu sao, 10 con dê và 30 con lợn. Ước tính thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Trạch Phan Thị Lệ Hằng cho biết, mô hình chăn nuôi gà, lợn, hươu của hộ gia đình ông Phạm Văn Trực là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đây là mô hình được ngành nông nghiệp huyện Quảng Trạch (cũ) hỗ trợ, đến thời điểm này, có thể đánh giá mô hình đã bước đầu thành công và mang lại hiệu quả cao. Chính quyền xã Phú Trạch sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình ông Trực tiếp tục phát triển mô hình, để bà con nông dân trong xã học tập, nhân rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Phan Phương
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ky-nghe-thuan-hoa-ga-rung-cua-lao-nong-ben-day-hoanh-son-195800.htm
Bình luận (0)