Tuổi trẻ dày chiến công

Sinh năm 1946 tại xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Xuân Thư nhập ngũ năm 1964 khi vừa tròn 18 tuổi. Trong suốt chặng đường 8 năm chiến đấu, anh từng chỉ huy nhiều trận đánh lớn, trực tiếp tham gia xung phong trong điều kiện chiến sự khốc liệt, từ Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk... đến miền Tây Nam Bộ...

Tháng 2-1970, anh được bổ nhiệm giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 10, khi mới 24 tuổi. Bước sang mùa khô 1971, Trung đoàn 10 tiếp tục được giao nhiệm vụ then chốt trên mặt trận Cà Mau. Tại mặt trận miền Tây, anh trực tiếp chỉ huy hàng loạt trận tấn công từ chi khu Giá Ngựa, Vàm Đình, Thị Tường, Cái Nước đến Bà Thầy, Nổng Cạn... Anh và đồng đội đã vận dụng sáng tạo chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”, một hình thức đặc công độc đáo vừa bí mật, vừa chớp nhoáng, vừa hiệu quả.

Ảnh chân dung liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư (1946-1973). 

Chỉ trong vòng 2 năm, 2 tháng sau khi đặt chân đến chiến trường Cà Mau, Nguyễn Xuân Thư đã chỉ huy hơn 40 trận đánh lớn nhỏ khác nhau, trong đó nhiều trận tiêu diệt cả tiểu đoàn địch, thu được nhiều vũ khí, bắn rơi 1 trực thăng... Trong đó nổi bật với 2 trận thắng Bà Thầy và Nổng Cạn trở thành “cơn địa chấn” quân sự ở U Minh, được báo chí địa phương ca ngợi là “sáng ngời thiên sử”. Kể từ khi được cấp trên đề bạt giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, với cương vị chỉ huy, Nguyễn Xuân Thư đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, cùng tập thể xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, trở thành lực lượng chủ công tinh nhuệ của Trung đoàn 10.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tháng 6-1972, Nguyễn Xuân Thư được bổ nhiệm giữ chức Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 khi mới 26 tuổi. Cùng năm đó, anh được bầu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Trung đoàn. Tại đây, Tiểu đoàn 7 được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba, bản thân Nguyễn Xuân Thư cũng được trao tặng Huân chương Chiến công. 

Trận đánh cuối cùng của người chỉ huy trẻ

Đêm 26 rạng sáng ngày 27-1-1973, ngay trước thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực, Quân khu 9 chỉ đạo Trung đoàn 10 tổ chức trận tiến công tiêu diệt chi khu Long Mỹ, tỉnh Thiện Chương (nay là TP Cần Thơ). Hai Tiểu đoàn 7 và 8 của Trung đoàn 10 được huy động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tá Nguyễn Xuân Thư, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 10, cùng đồng chí Nguyễn Thừa, Phó chính ủy Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Nguyễn Đức Nhiệm.

Suốt đêm 26-1, Tiểu đoàn 7 đã đánh thiệt hại nặng chi khu Long Mỹ. Đến sáng 27-1, từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, địch huy động 2 tiểu đoàn bộ binh với xe thiết giáp M113 và 3 tốp máy bay F105 phản kích dữ dội. Vị trí chỉ huy bị trúng đạn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Nhiệm hy sinh, Phó chính ủy Nguyễn Thừa bị thương nặng. Trọng trách chỉ huy trận đánh được giao lại cho Nguyễn Xuân Thư.

Dưới hỏa lực dày đặc của xe thiết giáp và bom đạn, anh dũng cảm vượt qua các làn đạn để tiếp cận các đại đội, động viên bộ đội. Nguyễn Xuân Thư đã dũng cảm di chuyển dưới làn hỏa lực địch, tiếp cận các đại đội, vừa nắm tình hình, vừa chỉ huy, vừa khích lệ, động viên cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 7.  Đến 16 giờ, địch không xuyên phá được phòng tuyến của ta, liền điều máy bay F105 tiếp tục ném bom xuống trận địa. Một loạt bom đã đánh trúng vị trí chỉ huy của Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thư, anh hy sinh tại chỗ khi mới 27 tuổi, để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng đội và nhân dân.

Sau trận đánh vào đêm 27-1-1973 của Tiểu đoàn 7 tại Long Mỹ, thi hài liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư không tìm thấy. Đến năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử, vẻn vẹn với thông tin anh hy sinh tại mặt trận phía Nam. Từ ngày khoác ba lô ra trận khi mới 18 tuổi đến lúc ngã xuống giữa chiến trường miền Tây Nam Bộ, gần 10 năm trời, anh chỉ kịp gửi về nhà vài bức thư ngắn ngủi, ngay cả một tấm ảnh chân dung làm ảnh thờ cho liệt sĩ cũng không có.

 Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư (đứng thứ hai, từ trái sang) cùng chỉ huy Trung đoàn 10. Ảnh do cựu chiến binh Dương Xuân Quang cung cấp

35 năm sau, vào năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của cựu chiến binh Dương Xuân Quang, thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 10, gia đình mới có được tấm ảnh đầu tiên của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư để thờ phụng. Đến năm 2011, dưới sự hỗ trợ của Ban Liên lạc Trung đoàn 10 và các đồng đội năm xưa, nơi anh ngã xuống trong trận đánh cuối cùng đã được xác định. Không tìm thấy hài cốt, người thân và đồng đội đành lặng lẽ mang một nắm đất thiêng liêng nơi anh hy sinh đem về đặt trong mộ của liệt sĩ tại nghĩa trang quê nhà, cạnh mộ bố mẹ.

“Anh Nguyễn Xuân Thư là người chỉ huy mưu trí, quyết đoán, đầy tâm huyết. Dưới sự dẫn dắt của anh, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 10 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có tập thể Tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với những đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, với đơn vị và nhân dân, chúng tôi mong anh Thư sẽ sớm được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xứng đáng với những cống hiến to lớn mà anh đã dành trọn cho Tổ quốc”, cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đình Kiền (xã Cát Ngạn, tỉnh Nghệ An), đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư, chia sẻ.

VÂN HÀ

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/khuc-trang-ca-tuoi-27-cua-liet-si-nguyen-xuan-thu-838879