GS-TS Costin Badica, Giám đốc Trường đào tạo tiến sĩ "Constantin Belea" thuộc ĐH Craiova (Romania), trình bày tham luận tại hội thảo
ẢNH: NGỌC LONG
Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại P.Tân Hưng (Q.7 cũ), TP.HCM ngày 23.7 phối hợp với ĐH Khoa học và công nghệ Wroclaw (Ba Lan) cùng ĐH Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc) đồng tổ chức hội thảo quốc tế về tính toán thông minh trong khoa học kỹ thuật (ICCIES) lần thứ nhất mang chủ đề "Những đổi mới, tiến bộ và xu hướng trí tuệ tính toán trong khoa học kỹ thuật tương lai".
Ngành công nghệ cắt giảm, phải chuẩn bị gì?
Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, GS-TS Costin Badica, Giám đốc Trường đào tạo tiến sĩ "Constantin Belea" thuộc ĐH Craiova (Romania) và là thành viên dự khuyết tại Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Romania, chia sẻ rằng AI (trí tuệ nhân tạo) đã tạo ra sự thay đổi đột ngột ở nhiều khía cạnh, trong đó có thị trường lao động. "Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ đang giảm sút ở cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ", ông cho hay.
Minh chứng thực tế, nền tảng Layoffs.fyi (Mỹ) thống kê rằng từ đầu năm đến 22.7, có 166 công ty công nghệ trên toàn cầu tham gia vào làn sóng sa thải với 80.150 nhân sự đã bị mất việc làm, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Meta và Google. Trong năm 2023 và 2024, con số bị sa thải lần lượt là 264.220 và 152.922. Trong đó, một lý do cắt giảm nổi bật được chỉ ra là AI có thể thay thế một số vị trí việc làm, theo tờ CNBC.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa sinh viên phải đối diện với cảnh thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Theo GS-TS Costin Badica, để nâng cao năng lực cạnh tranh, sinh viên cần phải tập trung nhiều hơn vào nền tảng cơ bản, từ đó hiểu rõ vấn đề và biết diễn đạt một cách rõ ràng. Đồng thời, sinh viên cần hiểu rõ và học cách làm việc với AI, cũng như sáng tạo hơn trong công việc khi những thứ vốn phức tạp giờ đều có thể được tự động hóa.
"Mọi thứ rồi sẽ ổn, miễn là chúng ta học được cách thích nghi", ông nhấn mạnh.
Còn với những cơ sở giáo dục ĐH, GS-TS Costin Badica cho biết nếu như trước đây trường thường tập trung dạy những kiến thức nền tảng và kỹ thuật rất chuyên sâu, thì nay phải đào tạo thêm cho sinh viên biết cách dùng AI. Điều này không chỉ áp dụng với riêng kỹ sư công nghệ thông tin, mà ngay cả khi làm việc ngoài lĩnh vực công nghệ, "các bạn cũng cần được đào tạo để biết cách sử dụng AI", ông nói.
"Điều này rất quan trọng vì nhiều đơn vị vẫn chưa giáo dục AI trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng cần có chính sách về sử dụng AI. Sẽ là một vấn đề lớn nếu chưa có, bởi nếu vậy chúng ta không có căn cứ để xác định sinh viên đang gian lận hay sáng tạo. Ranh giới của hai điều này chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, cả giảng viên cũng cần giáo dục về AI chứ không riêng gì sinh viên", GS-TS Costin Badica chia sẻ.
Các đại biểu tham dự hội thảo
ẢNH: NGỌC LONG
AI chưa thể thay thế lao động
Chung quan điểm về chú trọng đào tạo cơ bản, GS-TS Huỳnh Văn Nam, công tác ở Trường sau ĐH Khoa học và công nghệ tiên tiến thuộc Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), kiêm Tổng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học hệ thống và tri thức (IJKSS), lấy ví dụ ở ngành vi mạch bán dẫn phải trang bị đủ kiến thức vật lý, điện tử, trong khi khoa học máy tính, AI thì phải có nền tảng toán học, tư duy logic để xử lý vấn đề.
Ở mặt thực hành, nhà trường cần tránh bắt chước rập khuôn mà phải thiết kế những chương trình dựa trên xu hướng công nghệ hiện tại và điều kiện vật chất có sẵn, để sinh viên khi ra trường có thể thích nghi ngay với công việc mà không cần doanh nghiệp đào tạo lại.
Chia sẻ thêm về nhu cầu thị trường lao động ngành công nghệ trong bối cảnh hiện tại, GS-TS Huỳnh Văn Nam tỏ ra khá lạc quan. Bởi theo ông, dù AI có thể được dùng để tăng hiệu suất lao động qua việc bổ trợ cho công việc, song đến nay kết quả nó thực hiện không hoàn toàn chính xác. Do đó, doanh nghiệp vẫn cần kỹ năng, kiến thức của con người để vận hành AI hiệu quả.
"Tôi tin sinh viên không cần phải lo lắng nhiều về thị trường lao động miễn là các bạn được đào tạo những kỹ năng cơ bản, cần thiết để thích nghi, đồng thời biết cách sử dụng AI hiệu quả cho công việc. Nhu cầu nhân lực không quá bi quan", GS-TS Huỳnh Văn Nam nói.
Một trong những điểm sáng đó là Chính phủ hồi tháng 9.2024 thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đến 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ ĐH trở lên. Còn theo dữ liệu từ Bộ TT-TT (cũ), ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm song nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Tiến sĩ Võ Hoàng Duy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, phát biểu khai mạc
ẢNH: NGỌC LONG
Tiến sĩ Võ Hoàng Duy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thông tin rằng ICCIES 2025 đã nhận được hơn 200 tham luận từ tác giả ở 36 quốc gia, trong đó 115 bài được chọn đăng trong 4 tập kỷ yếu của hội nghị. Những kỷ yếu này sẽ được Springer xuất bản trong chuỗi Truyền thông trong khoa học máy tính và thông tin (CCIS) được chỉ mục bởi Scopus. Hội thảo tiếp tục diễn ra tới ngày 25.7.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-nganh-cong-nghe-thoi-diem-nay-can-biet-gi-de-co-viec-lam-185250724105841551.htm
Bình luận (0)