- Trong bối cảnh các địa phương đang vận hành chính quyền hai cấp, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình này để giả danh cán bộ nhà nước rồi gọi điện, nhắn tin đến người dân nhằm dẫn dụ người dân truy cập vào đường link có cài mã độc hòng chiếm đoạt tài sản. Trước thủ đoạn này, người dân cần hết sức cảnh giác.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Lạng Sơn có 61 xã và 4 phường. Sau sáp nhập, một số thông tin địa chỉ của người dân trên các loại giấy tờ như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà đất (sổ đỏ), giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe và nhiều loại giấy tờ cá nhân khác có thể không còn phù hợp với tên gọi mới của đơn vị hành chính, vì vậy, nhiều người có nhu cầu điều chỉnh, cập nhật lại thông tin trên các loại giấy tờ theo quy định.
Lợi dụng nhu cầu chính đáng đó, các đối tượng lừa đảo đã giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân với lý do “hỗ trợ cập nhật thông tin” rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân như số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP... để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa ghi nhận trường hợp nào là nạn nhân của thủ đoạn nêu trên, nhưng người dân không được chủ quan. Cần luôn kiểm chứng kỹ nguồn thông tin trước khi cung cấp dữ liệu cá nhân, bởi các hình thức lừa đảo trên không gian mạng vẫn đang diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và thông tin cá nhân.
Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh các địa phương thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính. Chúng đánh vào tâm lý hoang mang, thiếu thông tin của người dân trước sự thay đổi này, đồng thời lợi dụng uy tín và hình ảnh của các ứng dụng, nền tảng chính thống như VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo dựng lòng tin và che giấu hành vi phạm tội. Các đối tượng thường giả danh công an, cán bộ xã, tư pháp, nhân viên điện lực, cấp nước, viễn thông… gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo đang cần “cập nhật thông tin sau sáp nhập địa giới hành chính”. Sau đó, chúng dụ người dân truy cập vào các đường link giả mạo, cài đặt ứng dụng lạ hoặc truy cập website dịch vụ công không chính thống rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, ảnh chân dung… Thậm chí, chúng còn thực hiện cuộc gọi video để ghi lại khuôn mặt, giọng nói nhằm thu thập dữ liệu sinh trắc học. Khi đã có đủ thông tin, các đối tượng chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp danh tính, truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng, mở tài khoản ảo hoặc thực hiện các khoản vay trực tuyến, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người dân.
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 42 đơn tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, công an toàn tỉnh đã điều tra, xử lý 27 vụ, 11 bị can lừa đảo trên không gian mạng (trong số những vụ lừa đảo này, chưa có vụ nào liên quan đến lừa người dân "cập nhật giấy tờ" để chiếm đoạt tài sản).
Trước tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng có các chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, cơ quan công an khuyến cáo và đề nghị người dân tuyệt đối không cung câp thông tin cá nhân, số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, ảnh chân dung, vân tay, giọng nói cho bất kỳ ai liên hệ qua điện thoại, tin nhắn, zalo, facebook, email... Không truy cập hoặc tải về ứng dụng từ các đường link không rõ nguồn gốc; nếu lỡ truy cập đường link, cài ứng dụng lạ cần thông báo với ngân hàng để khoá tài khoản, tránh bị chiếm đoạt tài sản, xoá ứng dụng đã cài đặt, ngắt kết nối internet, tắt nguồn thiết bị nếu nghi bị chiếm quyền điều khiển. Khi nghi ngờ bị lừa đảo hoặc phát hiện các hành vi mạo danh, người dân cần trình báo ngay cho công an xã, phường nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn và hỗ trợ xử lý kịp thời. Đặc biệt, người dân cần lưu ý, cơ quan nhà nước không yêu cầu cập nhật thông tin qua ứng dụng hoặc website gửi qua tin nhắn.
Cùng với công tác đấu tranh, để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cũng như tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, Công an tỉnh đã ban hành các công văn đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để người dân biết, cảnh giác. Từ đầu năm đến nay, công an toàn tỉnh đã tổ chức và phối hợp xây dựng 10 chuyên mục, bài viết, phóng sự, đăng tải 470 tin, bài ảnh về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phát trên 300 tờ rơi tuyên truyền về nội dung trên. Ngoài ra, Ban Thanh niên Công an tỉnh đã thành lập đội hình đoàn viên thanh niên gồm 40 cán bộ chiến sĩ tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai tờ khai đề nghị cấp/đổi căn cước công dân, cài đặt định danh điện tử…; tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống các hành vi lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng tại một số phường, xã trên địa bàn tỉnh.
Trung tá Nguyễn Hữu Tiền, Trưởng Công an phường Lương Văn Tri cho biết: Để tuyên truyền cho người dân biết, cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng việc sáp nhập các xã, phường để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, công an phường đã thường xuyên chia sẻ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội để cảnh báo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Những nội dung tuyên truyền được viết ngắn gọn, dễ hiểu và có ví dụ minh họa cụ thể để người dân nhận diện và phòng tránh. Đồng thời, tại trụ sở tiếp công dân, các cán bộ, chiến sĩ công an phường cũng trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là giải pháp vừa giúp người dân nắm bắt đúng quy trình, vừa góp phần ngăn chặn nguy cơ bị lừa đảo khi làm các thủ tục hành chính. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu điều chỉnh giấy tờ sau sáp nhập nên liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi cư trú để được hỗ trợ kịp thời, chính xác.
Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, việc sáp nhập địa giới hành chính không yêu cầu người dân phải cung cấp lại thông tin, cơ quan chức năng sẽ tự động cập nhập, đảm bảo đầy đủ, chính xác thông tin của người dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân không cần đến xã hay khai báo bổ sung dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có thông báo chính thức.
Ông Phạm Văn Hùng, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại khu Dây Thép, xã Đồng Đăng, cho biết: do số điện thoại công khai để phục vụ công việc nên ông thường xuyên bị các đối tượng lạ gọi điện với ý đồ lừa đảo, yêu cầu cập nhật thông tin hoặc dụ dỗ truy cập vào các đường link, ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Ông Hùng chia sẻ: Nhà tôi ở gần trụ sở Công an xã Đồng Đăng, tôi cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tuyên truyền về an ninh trật tự trên trang Facebook chính thức của Công an xã. Nhờ đó, tôi hiểu rõ rằng chỉ những thông tin được đăng tải từ cơ quan chức năng mới là đáng tin cậy. Chính vì vậy, dù nhận nhiều cuộc gọi mạo danh, dụ dỗ tải ứng dụng hay truy cập link lạ, tôi đều cảnh giác, tuyệt đối không làm theo và không cung cấp thông tin giấy tờ cá nhân cho bất kỳ ai gọi điện hướng dẫn làm theo.
Có thể nói, tình hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn với nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi, xảo quyệt và khó nhận biết. Trước thực trạng đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, cảnh báo và đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin cá nhân – nhất là trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi, hệ thống chính quyền hai cấp đang trong quá trình hoàn thiện và vận hành. Đồng thời, người dân cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả, qua đó tự bảo vệ bản thân, gia đình và góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong môi trường số.
Nguồn: https://baolangson.vn/can-trong-voi-chieu-tro-cap-nhat-giay-to-de-chiem-doat-tai-san-5054156.html
Bình luận (0)