Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồ Biểu Chánh: Một đời nuôi nghiệp viết lách

Người đời nay biết đến Hồ Biểu Chánh phần nhiều qua những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của ông như Nợ Đời, Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa… Tuy nhiên, ông không chỉ là một tiểu thuyết gia nổi tiếng mà trên văn đàn ông còn là một nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả…

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang21/07/2025

TỪ HỌC TRÒ NGHÈO ĐẾN ĐỐC PHỦ SỨ

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung. Ông sinh vào ngày 1-10-1885, là con thứ năm trong gia đình có 12 anh chị em tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công cũ (nay thuộc xã Phú Thành, tỉnh Đồng Tháp). Vì nội tổ ông có công đứng ra xin tách làng Bình Xuân, lập làng Bình Thành, vì vậy bài vị tiền hiền được thờ ở đình làng. Năm học 1902 - 1903, ông được học bổng của Trường Trung học Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup-Laubat Sài Gòn. Năm 1905, ông thi bằng Thành chung và đậu hạng Nhì.

Chân dung Hồ Biểu Chánh.

Chân dung Hồ Biểu Chánh.

Tự thuật về thuở thiếu thời nghèo khó của mình, trong tập Ký ức Đời của tôi, Hồ Biểu Chánh viết: “Còn 2 bữa nữa tới ngày phải đi, mẹ than hết tiền, cha mới đi kiếm người mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng chưa thấy cha ta về. Ta than, nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo… Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy bỏ túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Lúc tàu mở dây mà chạy, đứng ngó mẹ trên cầu tàu, ta chảy nước mắt…”.

Sau khi đậu bằng Thành chung, Hồ Biểu Chánh định xin làm giáo viên, nhưng người thầy cũ khuyên ông nên thi vào ngạch ký lục. Năm 1906, ông thi đậu ký lục Soái phủ Nam kỳ và làm việc ở Dinh Thượng thơ tại Sài Gòn. Đến năm 1911, vì bị nghi thân thiện với nhóm Trần Chánh Chiếu nên ông bị đổi xuống Bạc Liêu. Năm 1936, ông được thăng Đốc Phủ sứ, cũng năm ấy, ông làm công chức được 30 năm nên xin hồi hưu từ năm 1937.

Hình bìa Đại Việt tập chí năm 1942.

Hình bìa Đại Việt tập chí năm 1942.

Nhưng viện lẽ không có người thay thế, chính quyền thuộc địa lưu dụng ông đến giữa năm 1941. Từ tháng 8-1941, ông được cử làm nghị viên Hội đồng Liên bang Đông Dương rồi nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn và nghị viên Hội đồng quản trị Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1946, ông làm Đổng lý văn phòng trong Chính phủ Nam kỳ tự trị của Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh cho đến khi ông Thinh tự tử vào cuối năm đó.

Thời bấy giờ làm ký lục rất dễ kiếm tiền “vì Tòa bố Bạc Liêu không khác nào chợ bán chè cháo, tiền trao cháo múc”. Nhưng ông vẫn giữ được cảnh đời thanh bạch. Bởi ông tâm niệm rằng: “Ký lục tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ đỡ, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cãi, thì phận mình khỏi hỗ, mà thiên hạ lại được nhờ nữa”.

MỘT ĐỜI ĐAM MÊ NGHIỆP VIẾT LÁCH

Hồ Biểu Chánh ra đời năm Kinh thành Huế thất thủ (năm 1885) và chết sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước 4 năm (năm 1958). Với 74 năm tại thế, cuộc đời ông nhằm vào một thời kỳ có nhiều biến cố quan trọng về chính trị cũng như văn học. Trong tập Ký ức Đời của tôi, phần viết về văn nghệ, Hồ Biểu Chánh cho biết vào năm 1907, một số nhà Nho ở Nam kỳ, trong đó có hai ông Tân Dân Tử và Nguyễn Tử Thức, đề xướng việc “đưa Quan Công về Tàu” và “mời Thích Ca về Ấn Độ” gây thành phong trào quốc gia phục hưng, làm sôi nổi dư luận Nam kỳ. Hồ Biểu Chánh muốn hưởng ứng phong trào ấy bằng cách viết bài đăng báo để bày tỏ ý kiến của lớp thanh niên tân tiến. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu từ đó.

Hình bìa Đại Việt tạp chí năm 1918 do Hồ Văn Trung  (Hồ Biểu Chánh) làm Giám đốc.

Hình bìa Đại Việt tạp chí năm 1918 do Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) làm Giám đốc.

Năm 1909, Hồ Biểu Chánh có tác phẩm đầu tiên là tiểu thuyết U tình lục, viết theo thể lục bát. Khi đổi xuống Cà Mau năm 1912, do cảnh trí nơi đây chất phác, u nhàn, với những rừng đước, rừng tràm, với nước mặn chát và muỗi ồ ào… đã hun đúc cho ông cái tâm hồn văn sĩ và ông đã viết được cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên Ai làm được kể chuyện Cà Mau và coi Cà Mau là cố hương. Từ năm 1922, ông tiếp tục viết tiểu thuyết. Những tác phẩm ra đời trong giai đoạn này là Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời, Tĩnh mộng, Một chữ tình…

Cùng với viết văn, Hồ Biểu Chánh còn là một cây bút nổi tiếng của nhiều tờ báo thời bấy giờ. Trong thời gian làm việc tại Long Xuyên, Hồ Biểu Chánh hợp tác với các ông Lê Quang Liêm, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Văn Cư, Lê Quang Nhơn xuất bản tờ Đại Việt tạp chí, số đầu tiên xuất bản vào tháng 1-1918. Đây được xem là bước đầu làm báo của Hồ Biểu Chánh nhưng tờ nguyệt san này chỉ ra được 13 số thì đình bản. Sau khi đã hồi hưu, năm 1942, ông lại đứng ra xuất bản tờ Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí. Nam Kỳ tuần báo xuất bản vào thứ năm hằng tuần, số đầu tiên ra ngày 3-9-1942 với nhiều chuyên mục: Nghị luận, khảo cứu, phê bình, dịch thuật, tiểu thuyết, thể thao, tin tức trong nước và thế giới… Nhưng đến tháng 6-1944 thì đình bản sau khi ra được 85 số. Nguyên nhân được cho là giấy in báo bấy giờ khan hiếm, do đang chiến tranh thế giới thứ 2.

Đại Việt tập chí là bán nguyệt san, xuất bản vào ngày 1 và 16 hằng tháng. Số đầu tiên ra ngày1-10-1942 với các chuyên mục nghị luận, khảo cứu, dịch thuật, triết học, khoa học, lịch sử, giáo dục… Tờ này quy tụ nhiều cây viết nổi tiếng bấy giờ như Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Tống, Khuông Việt, Phạm Thiều, Thiếu Sơn, Lê Thọ Xuân, Đào Duy Anh, Hoàng Phê, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp… nhưng cũng chỉ ra được 54 số, đến tháng 12-1944 thì đình bản.

Bút tích Hồ Biểu Chánh.

Bút tích Hồ Biểu Chánh.

Trên Tạp chí Văn (15-4-1967), nhà văn Bình Nguyên Lộc viết: Có thể nói Hồ Biểu Chánh là một biến cố trong văn học sử Việt Nam, riêng về miền Nam, về hình thức, hành văn. Những tiểu thuyết mà ta đọc trước Hồ Biểu Chánh là lối văn kêu mà rỗng. Đại khái như: “Chiều chiều trên trời chim kêu chíu chít, dưới sông cá lội vởn vơ, Lâm Trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách ba toong, rảo bước trên đường Vet Don để đón người tình nhơn mà trao lời tâm sự”. “Hồ Biểu Chánh hay vì ông ấy chỉ viết theo ý nghĩ của một người thường. Lần đầu tiên độc giả thấy hình ảnh một con chó phèn nằm thè lưỡi nơi hàng hiên của nếp nhà tranh, được nghe tiếng nhạc nhái dưới các ruộng sâu vào buổi chiều, toàn là những hình ảnh quen thuộc mà sao rất mới lạ, hấp dẫn hơn liễu rủ bên hồ, hấp dẫn hơn “sen mới tàn bông, cúc vừa trổ nhị, hạ qua, thu sang” nhiều lắm”. Về nội dung, đa số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là tròn trịa, trung được thưởng, nịnh bị trừ, oán trả, ơn đền, chàng và nàng có trắc trở thế nào đi nữa, rốt cuộc rồi cũng sum họp…

Năm 1958, khi Hồ Biểu Chánh mất, thi sĩ Đông Hồ cùng nữ sĩ Mộng Tuyết đến viếng và đọc câu đối toàn tên sách của ông: “Cay đắng mùi đời, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, vì nghĩa, vì tình, tĩnh mộng ấy ai làm được/ Cang thường nặng gánh, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, thiệt giả, giả thiệt, dứt tình còn ở theo thời”. 

Trong cuộc đời sáng tác của mình, tác phẩm mà Hồ Biểu Chánh để lại rất phong phú, gồm nhiều thể loại. Trong đó có 64 tiểu thuyết, 23 khảo cứu, 3 tuồng cải lương, 5 tuồng kịch, 4 tuồng hát bội, cùng nhiều truyện ngắn, truyện dài, thơ và nhiều truyện dịch…

MAI HÀ

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/ho-bieu-chanh-mot-doi-nuoi-nghiep-viet-lach-1047072/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm