Di tích Tháp Bà Ponagar ở Khánh Hòa là một trong 5 di tích được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Bình Quý
Trong tháng 7.2025, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức lễ Công bố và Đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định về việc xếp hạng 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt (đợt 17).
Trong danh sách này, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar tại Khánh Hòa chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Tháp Bà Ponagar là niềm tự hào của người dân Khánh Hòa, là công trình kiến trúc đặc sắc, là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng. Ảnh: Hữu Long
Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, phường Bắc, TP Nha Trang. Công trình được xây dựng từ thế kỷ VIII đến XIII bởi cộng đồng người Chăm để thờ nữ thần Pô Inư Nagar - vị thần Mẹ của người Chăm.
Đến năm 1653, cùng với sự cộng cư giữa người Việt và người Chăm, tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở được tiếp biến thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu trong cộng đồng người Việt.
Quần thể Tháp Bà Ponagar hiện còn 5 công trình kiến trúc, phân bố ở hai khu vực chính: Khu Mandapa và khu đền tháp. Ảnh: Hữu Long
Quần thể Tháp Bà Ponagar hiện còn 5 công trình kiến trúc, phân bố ở hai khu vực chính: Khu Mandapa và khu đền tháp.
Khu Mandapa gồm 4 hàng cột lớn hình bát giác xây bằng gạch nung, với tổng cộng 10 cột lớn và 12 cột nhỏ.
Khu đền tháp còn lại 4 tháp chính. Trong đó, Tháp Đông Bắc (Tháp chính) cao 23m, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ VIII, trùng tu vào thế kỷ XI. Bên trong tháp là tượng thờ nữ thần Pô Nagar.
Tháp Nam cao 18m, xây dựng thế kỷ XIII, thờ thần Shiva. Theo truyền thuyết Việt, đây là nơi thờ chồng của Thiên Y A Na, gọi là Tháp Ông.
Tháp Đông Nam cao 7,1m, có niên đại thế kỷ XI-XII, thờ thần Skandha - con trai thần Shiva. Theo người Việt, đây là nơi thờ ông bà Tiều, cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na.
Tháp Tây Bắc cao 9m, là ngôi tháp còn khá nguyên vẹn, thờ thần Ganesha. Truyền thuyết Việt cho rằng đây là nơi thờ Cô, Cậu - con của Thiên Y A Na.
Di tích Tháp Bà có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13, là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm. Ảnh: Hữu Long
Năm 1979, Tháp Bà Pô Nagar được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đến năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar - diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch - được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội là dịp thực hành tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở (của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu (của người Việt).
Hiện nay, di tích Tháp Bà Ponagar còn lưu giữ 14 đạo sắc phong, 28 minh văn trên bia ký và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ.
Trước đây, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa tổ chức hai chương trình tham quan Tháp Bà Ponagar về đêm. Đó là các chương trình “Linh thiêng xứ Trầm” và “Trăng soi dáng Tháp” diễn ra lần lượt vào mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng. Ảnh: Hữu Long
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa - đánh giá, việc Tháp Bà Ponagar được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của di tích trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/hanh-trinh-dua-thap-ba-ponagar-thanh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-1537482.html
Bình luận (0)