Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình di sản trở thành sản phẩm Công nghiệp văn hóa

Trong nỗ lực tìm kiếm hướng phát triển bền vững cho công nghiệp văn hóa, việc kết nối giữa di sản và sáng tạo đang ngày càng được quan tâm. Diễn đàn “Từ chất liệu di sản đến sản phẩm văn hóa” tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy sự giao thoa này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch21/07/2025

Diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức. Tham dự có ThS. Bùi Thị Hương Thủy – Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT Hà Nội), ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bà Trần Tuyết Lan – Giám đốc Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link, cùng nhiều nghệ nhân và đại diện cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội.

Các chia sẻ tại diễn đàn tập trung vào các nội dung, như: vai trò của di sản như một nguồn cảm hứng sáng tạo; chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và ứng dụng tại Hà Nội; nghệ thuật thủ công truyền thống trong chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm, tăng cường kết nối giữa nghệ nhân, nghệ sĩ và cộng đồng…

Hành trình di sản trở thành sản phẩm Công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Diễn đàn với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân và đại diện cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Trường)

Là một trong những thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, Hà Nội không chỉ giữ vai trò bảo tồn di sản, mà chủ động đưa di sản vào đời sống đương đại. TS. Bùi Thị Hương Thủy (Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), cho biết, hệ thống chính sách từ Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, Luật Thủ đô sửa đổi, cho tới việc thành lập Trung tâm Điều phối hoạt động sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội… đã trở thành “xương sống” cho các mô hình kết nối giữa di sản và sáng tạo nở rộ. Những thiết chế và chính sách này đang từng bước tạo ra môi trường để nghệ nhân, nhà thiết kế và doanh nghiệp cùng phát triển sản phẩm mang bản sắc văn hóa.

Cũng tại sự kiện, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chia sẻ về hành trình kiên trì của mình trong việc kết nối di sản với giới trẻ. Từ không gian tưởng chừng chỉ gắn với quá khứ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám nay đã trở thành điểm đến sáng tạo, nơi các nghệ sĩ, sinh viên, nhà thiết kế có thể tiếp cận chất liệu văn hóa để tạo nên những sản phẩm lưu niệm độc đáo mang tinh thần dân tộc.

Hành trình di sản trở thành sản phẩm Công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Việc giữ được gốc rễ văn hóa chính là cách khiến sản phẩm có dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: Ngọc Trường)

Ở góc độ doanh nghiệp xã hội (DNXH), bà Trần Tuyết Lan – Giám đốc DNXH Craft Link đã chia sẻ về hành trình hơn hai thập kỷ làm việc với cộng đồng các nghệ nhân dân tộc thiểu số để đưa những sản phẩm thổ cẩm, thủ công truyền thống ra thế giới. Theo bà, điều làm nên sức sống của sản phẩm văn hóa không chỉ là kỹ thuật, mà là câu chuyện, là bản sắc của từng cộng đồng. Việc giữ được gốc rễ ấy chính là cách khiến sản phẩm có dấu ấn – cả với thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Nhiều nghệ nhân truyền thống cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế, sự bền bỉ với di sản truyền thống, như Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu (Hà Nội) với hành trình gắn bó với nghề nặn tò he suốt hàng chục năm, từ những hoạt động đơn lẻ đến việc kết nối với các đơn vị văn hóa, làm mới sản phẩm nhưng vẫn giữ hồn cốt dân gian.

Hành trình di sản trở thành sản phẩm Công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Những con giống tò he được sáng tạo dựa trên những yếu tố văn hóa dân tộc, vừa bắt mắt vừa gần gũi với công chúng hiện đại. (Ảnh: Ngọc Trường)

Diễn đàn cũng bao gồm các gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo từ truyền thống để khách có thể trực tiếp trải nghiệm và đối thoại trực tiếp với các nghệ sĩ, nghệ nhân. Đây được xem là bước khởi đầu để mở ra các hợp tác mới – nơi chất liệu truyền thống có thể hòa nhịp cùng dòng chảy sáng tạo đương đại, đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam./.


Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/hanh-trinh-di-san-tro-thanh-san-pham-cong-nghiep-van-hoa-20250721073452482.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm