Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Hạnh phúc của chúng tôi là được chăm lo sức khoẻ của các bác thương, bệnh binh"

Đó là chia sẻ của các điều dưỡng viên ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An - nơi có rất nhiều điều khó tin được làm nên bởi những tình yêu thương thầm lặng...

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An22/07/2025

Tình thân ở nơi nhiều đau thương

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An chứa đựng cả một câu chuyện dài về lòng biết ơn và sự hy sinh thầm lặng. Nơi đây, những thương, bệnh binh chủ yếu đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh, mang trên mình thương tật từ 81% đến 100%, mỗi người một tình cảnh: mù 2 mắt, cụt 2 chân, tổn thương cột sống, liệt tủy, vết thương sọ não, liệt toàn thân… Họ là những chứng nhân sống của một thời chiến tranh khốc liệt, những con người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và một phần cơ thể cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh 200000
Công việc hàng ngày của những điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An là chăm lo cả về thể chất, tinh thần và đời sống cho các thương binh nặng. Ảnh: Diệp Thanh

Hơn 50 năm đã trôi qua, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đã chứng kiến sự trở về của 559 người an dưỡng tại gia đình, sống trong tình yêu thương của người thân và cộng đồng. Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc 55 thương binh, trong đó, có 44 người thương binh đặc biệt và 5 bệnh binh. Để gánh vác trách nhiệm cao cả này, Trung tâm có 37 cán bộ, viên chức, người lao động, phần lớn được tuyển dụng từ giai đoạn 2009-2011, trẻ tuổi, trình độ chuyên môn cao, đủ điều kiện để chăm sóc tốt nhất cho các thương, bệnh binh.

Công việc của những điều dưỡng ở đây không chỉ đơn thuần là chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn là liều thuốc tinh thần, xoa dịu những vết thương lòng khó lành. Vừa là những y tá chuyên môn, vừa như những người con, người cháu tận tụy, đảm đang, gánh vác cả những công việc thầm lặng nhất như lau dọn nhà cửa, nhà vệ sinh, sơ chế thức ăn, giặt giũ cho các thương binh. Với sự chăm sóc đặc biệt của đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm, cùng sự nỗ lực vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật của các thương binh, sức khỏe của các thương binh dần ổn định theo thời gian.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh00002
Những điều dưỡng phải đảm bảo an toàn cho các thương binh trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: Diệp Thanh

Để hình dung rõ nét hơn về sự tận tụy, tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, câu chuyện về thương binh Trần Hữu Diễn là một minh chứng sống động. Ông Diễn nằm một chỗ từ năm 20 tuổi, nay đã hơn 75 tuổi, tức là đã 55 năm ròng rã. Điều kỳ diệu là suốt ngần ấy năm, ông không hề bị lở loét, sức khỏe vẫn đảm bảo, phòng ở lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ. Để làm được điều đó, những điều dưỡng phải túc trực 24/7, cứ 15 phút lại trở người 1 lần cho thương binh Trần Hữu Diễn. Ngay cả ban đêm, họ vẫn phải đảm bảo da ông không bị bí bách.

Ông Phạm Trọng Song, một thương binh gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An từ những ngày đầu thành lập, nhận xét về những người điều dưỡng ở đây, ông Song nói: “Các điều dưỡng luôn lễ phép, cư xử với chúng tôi như cha, như chú trong nhà, dù chúng tôi mỗi người một tính. Thậm chí nhiều thương binh tâm lý không ổn định, khi vết thương cũ đau đớn, đã mắng nhiếc, trút giận lên điều dưỡng, nhưng các cháu không hề tự ái, giận dỗi. Phải nói rằng, các điều dưỡng là điểm tựa vô cùng quan trọng cho thương binh chúng tôi. Lớp điều dưỡng mới sau này đều có chuyên môn cao, trình độ giỏi, chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản”.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh 200002
Hơn 50 năm nằm liệt giường, không thể cử động, mọi sinh hoạt của thương binh Trần Hữu Diễn đều nhờ cả vào các điều dưỡng. Ảnh: Diệp Thanh

45 năm sống tại trung tâm, thương binh Ngô Xuân Kiện (sinh năm 1944) chia sẻ: "Trở về sau chiến tranh, hai chân của tôi không thể đi lại, vết thương cũ lại hay tái phát, cách đây mấy năm lại còn bị tai biến, liệt toàn thân. Nếu không có sự chăm sóc chu đáo, tận tình của những điều dưỡng thì tôi đã không thể ngồi đây mà trò chuyện, tay đã không thể cử động được".

Nỗi lòng những "người con" không cùng huyết thống

Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1986), điều dưỡng trưởng, gắn bó với trung tâm từ năm 2009 chia sẻ đầy xúc động: "Người điều dưỡng ở đây có vai trò như một người thân của các bác thương binh, chăm sóc toàn diện cho các bác, để các bác khỏe về thể chất và vui vẻ về tinh thần. Những năm gần đây, sức khỏe các bác ngày một yếu hơn nên việc chăm sóc cũng vất vả hơn”.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh00001
Những điều dưỡng là mắt, là tay chân, là người thân của những thương binh nặng. Trong ảnh: Một thương binh mù cả 2 mắt vịn vai điều dưỡng. Ảnh: Diệp Thanh

Sự vất vả của các điều dưỡng còn tăng lên gấp bội khi phải theo các thương binh điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Như những người thân ruột thịt, họ theo sát thương binh đến tận viện, ở hàng tuần trời, túc trực ngày đêm khi các bác trở nặng. Với những điều dưỡng trẻ, điều này đồng nghĩa với việc phải xa gia đình, xa con nhỏ. Số lượng điều dưỡng ngày càng ít đi khiến thời gian quay vòng trực ngắn lại, áp lực càng đè nặng.

Những ngày tháng ở viện không chỉ căng thẳng về thời gian, về nỗi nhớ nhà, nhớ con mà còn là những trạng thái suy sụp về tinh thần. Đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng phải chứng kiến những nỗi đau tột cùng của các thương binh... Điều dưỡng Lê Hải Yến (sinh năm 1986) xúc động cho biết: “Các bác là những người lính mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn âm thầm chịu đựng nỗi đau. Tự làm được cái gì thì sẽ làm, không muốn làm phiền hay nhờ vả ai. Các bác coi chúng tôi như con cháu, lúc nào cũng quan tâm, hỏi han, biết ơn. Nhờ ở cùng các bác, chúng tôi học hỏi được rất nhiều đức tính tốt, những lời khuyên quý báu, từ đó trưởng thành, vững vàng hơn”.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh00003
Các điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đảm bảo mọi khẩu phần ăn phù hợp với từng thương binh. Ảnh: Diệp Thanh

Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung kể: “Gắn bó nhiều năm với các bác thương binh, sợi dây tình cảm chúng tôi đủ lớn để cảm thấy đau đớn trước những nỗi đau của các bác. Có những bệnh nhân nằm ở Viện Bỏng quốc gia 3 tháng do không đáp ứng thuốc nên loét, phải ghép da, mỗi ngày đều bị cắt lọc một phần cơ thể, đau đớn không sao tả xiết. Đêm đến, các bác đau đến mức mất ngủ hàng tháng trời, dù đã tiêm giảm đau mạnh nhất. Phần lớn cơ thể các bác đã hy sinh cho Tổ quốc rồi, vậy mà phần còn lại vẫn còn giày vò, vật vã, thương vô cùng…”.

Với chị Nhung và nhiều điều dưỡng trong trung tâm, mỗi một thương binh ra đi là một lần mất đi người thân. Họ thậm chí còn nhớ như in ngày giỗ của nhiều thương binh, dù đã nhiều năm trôi qua. Có những sự ra đi khiến cả trung tâm khóc thương mãi.

điều dưỡng thương binh Ảnh Diệp Thanh00000
Những điều dưỡng là người đứng sau thầm lặng trong mọi niềm vui của các thương binh. Ảnh: Diệp Thanh

"Để làm được công việc này, nhất định phải có tâm, nếu không sẽ không thể gắn bó lâu dài. Khi mới vào đây, tôi không định gắn bó lâu dài, nhưng càng làm, tôi càng cảm thấy tự hào, biết ơn, yêu quý công việc của mình và xem đây như ngôi nhà thứ 2. Hạnh phúc của chúng tôi là sức khỏe của các bác thương binh và chúng tôi sẽ luôn nỗ lực vì điều đó", Điều dưỡng trưởng Hoàng Thị Tuyết Nhung khẳng định./.

Nguồn: https://baonghean.vn/hanh-phuc-cua-chung-toi-la-duoc-cham-lo-suc-khoe-cua-cac-bac-thuong-benh-binh-10302845.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm