Khu vực riêng đặt trụ sạc xe máy điện và ô-tô điện ở hầm để xe của chung cư Liễu Giai Tower, Hà Nội (Ảnh: THẾ BẰNG)
Hà Nội hoàn thiện hạ tầng
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về thực hiện một số biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội đang gấp rút cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên đường phố Thủ đô: Từ ngày 1/7/2026 trong đường vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 trong đường vành đai 2; từ năm 2030 trong đường vành đai 3.
Khi chính sách có hiệu lực, số lượng phương tiện của người dân khu vực ngoài vành đai 1, khu vực ngoại thành và các tỉnh về Hà Nội, lượng phương tiện lưu thông vào, ra bị ảnh hưởng là rất lớn. Do đó, nhiều người dân nêu ý kiến cần có các trung tâm trung chuyển, có bến bãi gửi xe với giá cả hợp lý để người dân thay đổi phương tiện khi vào-ra khu vực trong vành đai 1 được thuận lợi nhất.
Hạ tầng cho xe điện phải đầy đủ như các trạm sạc được phủ đến từng khu vực dân cư trong khu vực vành đai 1, dịch vụ vận tải công cộng được tăng cường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Lương, Trung tâm Nghiên cứu các nguồn động lực và phương tiện tự hành, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc cấm xe máy xăng, khuyến khích xe điện đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như: An toàn cháy nổ, hệ thống trạm sạc, cơ quan quản lý chất lượng pin cũng như xử lý pin sau sử dụng, bảo đảm nguồn điện cho nhu cầu sạc…; đồng thời, cần xem xét áp dụng các tiêu chuẩn khí thải xe máy như lâu nay đang dự thảo, lấy ý kiến, sau đó đánh giá hiệu quả.
Sở Xây dựng Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ cho chuyển đổi phương tiện xanh, trong đó có thành lập Tổ công tác với nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố các phương án, địa điểm… để mang lại hiệu quả cao nhất khi cấm; nhất là các giải pháp đồng bộ như chuyển đổi phương tiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, đầu tư trạm sạc và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện thân thiện môi trường.
Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với đại diện các sở, ngành cùng các doanh nghiệp liên quan về tiến độ triển khai những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì rà soát các quy định, tiêu chuẩn để báo cáo, đề xuất kiến nghị, xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi xanh toàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở cũng nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh luồng tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm khép kín hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Để thực hiện được mục tiêu, thành phố cần có lộ trình chi tiết, trước tiên cần thực hiện xây dựng hạ tầng, nhất là trạm sạc phải đi trước một bước, phân nhóm sử dụng đất để triển khai…
Cần giải pháp đồng bộ
Các chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không chỉ là một bài toán kỹ thuật mà là một cuộc cách mạng thay đổi thói quen, tâm lý và hành vi xã hội. Do đó, cần sự kết hợp đồng bộ giữa lộ trình chính sách, hỗ trợ kinh tế xã hội, điều chỉnh nhận thức qua truyền thông.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Cả nước có khoảng 2,5 triệu xe máy điện đang lưu hành cùng khoảng 25.000 ô-tô điện đã đăng ký. Chính sách có thể có những thách thức về tâm lý với các nhóm xã hội khác nhau.
Thí dụ, nhóm học sinh, sinh viên là nhóm năng động, thích nghi nhanh, cũng sẵn sàng chuyển đổi nhưng lại phụ thuộc tài chính gia đình, nếu không sẵn sàng về hệ thống hạ tầng như sạc giá rẻ, thuận tiện có thể dẫn đến tăng sinh hoạt phí, giảm cơ hội đi làm thêm.
Những người lao động phổ thông nhiều tuổi coi xe máy xăng là phương tiện chính sẽ là nhóm chần chừ vì nỗi lo mất đi sinh kế... Thời gian để chuyển đổi thói quen sử dụng xe máy xăng và thích ứng sẽ phụ thuộc nhiều vào hạ tầng và các chính sách hỗ trợ tới các nhóm hướng đích.
Chia sẻ về giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho biết, để vận hành một chính sách mới hay khởi đầu cho một thay đổi lớn như thế này, những nhà hoạch định cần bảo đảm tài nguyên và nguồn lực. Đây không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn là cam kết thực chất về khả năng vận hành.
Chẳng hạn, cần có quỹ hỗ trợ thay đổi phương tiện cho người thu nhập thấp, chương trình cho vay ưu đãi, thậm chí là trợ cấp trực tiếp trong giai đoạn chuyển tiếp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ trạm sạc điện, mạng lưới bảo dưỡng sửa chữa, đến cả hệ thống giao thông công cộng thay thế cần bảo đảm phục vụ được nhu cầu của tất cả mọi người.
Nguồn: https://baolangson.vn/ha-noi-voi-lo-trinh-chuyen-doi-phuong-tien-giao-thong-5053505.html
Bình luận (0)