Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, có 5 giải pháp để thực hiện cam kết Net Zero, bao gồm: chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo với hệ thống lưu trữ năng lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển rừng và hệ sinh thái trong đó có hệ sinh thái biển và ven biển; thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon gồm thuế carbon và thị trường carbon.
Theo PGS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Nông nghiệp và Môi trường, tiềm năng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là rất lớn, nhưng hiện trong giai đoạn định hình nền móng với hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Cách thiết lập các cơ chế phân bố hạn ngạch, tiêu chí lựa chọn ngành bắt buộc tham gia, điều kiện xác định tín chỉ hợp lệ vẫn cần được làm rõ.
Hơn nữa, tính khả thi trong kết nối thị trường carbon Việt Nam với quốc tế phụ thuộc vào chất lượng tín chỉ và độ tin cậy của hệ thống MRV. Nhưng hệ thống MRV hiện chưa có quy trình đồng nhất về đo đạc, báo cáo, thẩm định khí nhà kính trên toàn quốc. Việt Nam còn thiếu công cụ số hóa gây khó khăn cho quản lý tín chỉ và hạn ngạch phát thải, đặc biệt khi số lượng giao dịch tăng cao.
Các chuyên gia đã thảo luận, đưa ra các giải pháp trọng tâm, như: các cơ quan quản lý ưu tiên xây dựng lộ trình thực thi đồng bộ, đầu tư nền tảng kỹ thuật có khả năng tích hợp với thị trường quốc tế; doanh nghiệp chủ động kiểm kê và đầu tư giảm phát thải có sự liên kết với các nhà tư vấn và các nhà đầu tư có kinh nghiệm để tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi nhuận; các tổ chức tài chính xây dựng sản phẩm bảo hiểm tín chỉ, quỹ đầu tư tín chỉ carbon hoặc phát triển các công cụ tài chính phát sinh gắn với giá tín chỉ carbon. Nhờ đó, thị trường sẽ có thêm dòng vốn ổn định để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tín chỉ giao dịch.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/can-nen-tang-ky-thuat-va-phap-ly-dong-bo-trong-phat-trien-thi-truong-carbon-post804297.html
Bình luận (0)