Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ vướng cho du lịch TP.HCM hậu sáp nhập

Ngày 18-7, tại hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp du lịch và chính quyền TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn đã nêu các khó khăn về thủ tục hành chính với TP.HCM mới.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ19/07/2025

TP.HCM - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ITPC

Theo các doanh nghiệp (DN), TP.HCM sau sáp nhập cần nhanh chóng định vị lại cấu trúc du lịch, nhận diện sản phẩm chủ lực, giúp DN định hình rõ hướng đi cũng như trong đầu tư phát triển du lịch.

Vướng pháp lý, chờ quy hoạch

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh TP.HCM vừa thực hiện sáp nhập địa giới hành chính và triển khai, do vậy, các DN đề nghị được hỗ trợ thông tin, hướng dẫn thủ tục pháp lý liên quan cập nhật giấy phép, báo cáo chuyên ngành, xếp hạng cơ sở lưu trú và thủ tục hành chính sau sáp nhập.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, chỉ ra những thách thức mà ngành du lịch TP.HCM gặp phải khi gắn với đơn vị hành chính mới. Đó là "nhiễu" thương hiệu điểm đến, nhiều tên gọi bị thay đổi, gây khó khăn trong truyền thông và bán sản phẩm du lịch đã định vị lâu năm như "Biển Vũng Tàu", "Địa đạo Củ Chi", "Sông Bé golf tour"...

"Nhưng hiện chưa có quy hoạch du lịch tổng thể toàn vùng mới (TP.HCM mở rộng), dẫn đến các doanh nghiệp lữ hành khó khăn không rõ định hướng sản phẩm chủ lực, điểm nhấn để quảng bá, xúc tiến. Và bất cập trong thủ tục hành chính liên vùng. DN phải điều chỉnh lại hồ sơ pháp lý, giấy phép con, mã số thuế khi địa bàn hoạt động thay đổi; nhiều quy trình thủ tục phải làm lại từ đầu. Rồi vướng trong việc không đồng nhất trong chính sách hỗ trợ cũ - mới như chính sách ưu đãi về thuế, quảng bá...", bà Hoàng nói.

Đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đề xuất sửa lại Luật Du lịch, giải quyết tình trạng các cuộc gọi lừa khách về voucher du lịch; ban hành quy hoạch TP.HCM mới giai đoạn 2026 - 2035; thí điểm sandbox tại các vùng ven như Cần Giờ, Hồ Tràm để phát triển mô hình du lịch mới, xây dựng bộ nhận diện TP.HCM mở rộng...

"Cần sớm ban hành quy hoạch phát triển du lịch toàn vùng TP.HCM mở rộng giai đoạn 2026 - 2035 tầm nhìn 2040, có tính liên kết và định vị rõ từng vùng chức năng, làm nền tảng cho DN lữ hành xây dựng sản phẩm. Thành lập Hội đồng Điều phối du lịch vùng (bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) để thống nhất định hướng sản phẩm, cơ chế xúc tiến, phân vai điểm đến và xa hơn là phối hợp với các khu vực khác", bà Hoàng nói.

Vẫn thiếu hạ tầng du lịch sau sáp nhập

Cũng tại hội nghị, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives, cho biết có 17 ca nô, làm du lịch đường sông, nhưng đến nay TP không có một bến công cộng, phục vụ thủy nội địa đường sông.

"Vì sao không có, tôi cũng không biết tại sao khi TP.HCM là đầu tàu kinh tế. DN đầu tư có thuyền mà không có bến, thuyền biết về đâu? Trong khi đó, khu vực trung tâm thành phố vẫn còn các bến số 3, 4, cầu tàu B - Ba Son để trống rất lâu mà không được khai thác", bà Hạnh đặt câu hỏi.

DN này kiến nghị Sở Du lịch TP.HCM làm cầu nối đề xuất thành phố, để DN du lịch đường sông có bến công cộng phục vụ thủy nội địa.

Ngoài ý kiến bà Hạnh, một số đơn vị khách sạn trình bày những khó khăn như bị giả mạo trang Fanpage ảnh hưởng lớn đến các khách sạn, resort hay những vấn đề khó khăn trong thu hút khách quốc tế trọng điểm khi thành phố có đơn vị hành chính mới.

Ngoài ra một số DN trăn trở, bày tỏ những khó khăn trong thu hút khách du lịch hồi giáo, khách thị trường Trung Đông với sức chi tiêu cao...; hay những khó khăn về yếu tố con người làm việc trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng.

TP.HCM sắp công bố 500 điểm đến mới

Trước các vấn đề DN nêu ra, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch Sở Du lịch TP.HCM, thông tin cuối tháng 7, sở sẽ công bố danh mục tài nguyên mới khai thác du lịch, gồm 500 điểm đến ở giai đoạn 1.

Theo bà Thảo, Sở Du lịch TP.HCM sẽ định vị lại chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, gồm định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi du lịch, hệ thống sản phẩm mang đặc trưng... Trong đó bao gồm các nhóm sản phẩm: lễ hội sự kiện; du lịch đường thủy, sản phẩm liên quan giá trị văn hóa TP.HCM; sản phẩm du lịch ban đêm, sản phẩm liên quan du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

"Về cơ chế chính sách, Sở Du lịch TP.HCM sẽ đăng ký UBND TP.HCM cơ chế chính sách phát triển du lịch của thành phố, như đầu tư du lịch, đào tạo, nguồn nhân lực, đầu tư chính sách lễ hội, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Riêng về sản phẩm du lịch xanh, quy hoạch lại không gian phát triển TP.HCM theo giá trị tài nguyên, dự kiến tháng 10 trình lại để DN có định hướng trong đầu tư", bà Thảo nhấn mạnh.

Trở lại chủ đề
THẢO THƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/go-vuong-cho-du-lich-tp-hcm-hau-sap-nhap-20250719085624122.htm


Chủ đề: du lịch TP HCM

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm