Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 1): Trên hết là vì người dân

(Baothanhhoa.vn) - Chương trình 1719 đã và đang góp phần đổi thay diện mạo nhiều bản, làng, hộ gia đình ở vùng cao, biên giới. Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, để chương trình phát huy được vai trò trong đời sống xã hội là cả sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các cấp ủy, chính quyền vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/07/2025

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 1): Trên hết là vì người dân

Công trình sắp xếp, ổn định dân cư các hộ dân bản Mìn và bản Luốc Lầu, xã Mường Mìn đã cơ bản hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 1719. Ảnh: Đỗ Đức

Mang niềm vui cho người yếu thế

Sau những ngày dài chờ đợi, gia đình chị Vi Thị Tấc (23 tuổi) sống ở bản Mìn, xã Mường Mìn sẽ được chuyển đến khu tái định cư cùng 80 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai trên địa bàn xã. Bao lâu nay, cuộc sống đắp đổi mưu sinh nơi chân đồi ven suối, bên nách hai đứa con thơ, nên vợ chồng chị chẳng tích cóp được nhiều nhặn gì cho đáng. 4 con người trong một gia đình nhỏ vẫn phải ở trong căn nhà sàn xiêu vẹo vỏn vẹn chừng 20m2 chênh vênh bên Quốc lộ 217.

Chị Tấc sinh ra đã thuộc diện nghèo ở bản Chanh, xã Sơn Thủy. Lớn lên theo chồng xuống bản Mìn, song hoàn cảnh cũng chẳng khác, vẫn là hộ nghèo. Chị kể: “Nhiều đêm dông bão, mưa dột phía trên, gió lùa bên vách, cả căn nhà cứ như một thân cây đung đưa theo gió, vợ chồng phải quấn vội 2 đứa nhỏ vào chiếc chiếu, tức tốc chạy sang nhà hàng xóm trú ẩn”.

Biết khổ, biết hiểm nguy, nhưng vợ chồng chị cũng chẳng còn sự lựa chọn nào hơn. Bởi vợ đi rừng, chồng làm thuê nào có dư dả đến mức mua nổi một đám đất để ở.

Cho đến ngày chính quyền thông báo được Nhà nước hỗ trợ đất ở, rồi công trình sắp xếp, ổn định dân cư các hộ dân bản Mìn và bản Luốc Lầu, xã Mường Mìn được khởi công trên đồi Pom Dụng phía sau nhà, vợ chồng chị cười ra nước mắt. Chị bộc bạch: “Dẫu biết chuyển đến nơi ở mới còn tốn tiền xây nhà, vợ chồng có thể vay mượn trả dần, nhưng được ở nơi an toàn đã là một niềm hạnh phúc lắm rồi".

Công trình sắp xếp, ổn định dân cư các hộ dân bản Mìn và bản Luốc Lầu, xã Mường Mìn có tổng mức đầu tư trên 26,7 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn Chương trình 1719, được xây dựng trên diện tích 5,2ha. Với đầy đủ hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, công trình đang mang lại niềm hy vọng đổi thay cho hàng trăm con người.

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 1): Trên hết là vì người dân

Công trình sắp xếp, ổn định dân cư các hộ dân bản Mìn và bản Luốc Lầu, xã Mường Mìn đã cơ bản hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 1719.

Không thuộc diện sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai, nhưng gia đình ông Vi Văn Lột (68 tuổi) ở thôn Chiềng, xã Thắng Lộc cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Chương trình 1719. Là hộ nghèo, có đất ở, nhưng cho đến trước tháng 3/2025 cả gia đình ông gồm 6 người già trẻ lớn bé vẫn phải sống dưới mái nhà tranh vách nứa. Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình 1719 và 40 triệu đồng của Ủy ban MTTQ tỉnh, gia đình ông Lột đã vay mượn thêm từ anh em họ hàng, vừa hoàn thiện căn nhà mới kiên cố hướng ra cánh đồng lúa. Năm trước, cũng từ nguồn vốn Chương trình 1719, gia đình ông còn được hỗ trợ 1 téc đựng nước sạch, trị giá 3 triệu đồng.

Cũng chẳng phải gia đình ông không có chí tiến thủ thoát nghèo, mà bởi ở vùng đất này, muốn đủ ăn đã là cả một vấn đề nan giải. Thứ nhất là giao thông đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện cũ; phần nữa là do đất canh tác không có nhiều, 6 nhân khẩu nhà ông Lột chỉ có hơn 2 sào đất lúa, 1ha đất rừng trồng keo. Từ lúc trồng, ít nhất phải 5 năm sau mới bán được keo với thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Ông bà Lột lại tuổi cao sức yếu, nên chủ yếu ở nhà trông cháu, nuôi gà; còn vợ chồng người con trai xoay sở đủ việc nhưng chẳng thể dư dả.

Giai đoạn 2021-2025, đã có 3 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung được triển khai trên địa bàn các huyện cũ: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, với tổng mức đầu tư trên 79,4 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn Chương trình 1719 là 72,7 tỷ đồng. Đến nay có 2 dự án đã hoàn thành, 1 dự án đã thi công đạt trên 80% khối lượng công trình. Dự kiến sẽ có 243 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy cơ cao được định cư tại 3 dự án này.

Giờ thì căn nhà mới đã hoàn thành, ông Lột nhìn lên ngó xuống mà ăm ắp niềm vui. Ông nghĩ, an cư rồi, vợ chồng đứa con sẽ có thêm động lực để làm ăn. Các cháu sẽ có động lực học tập vươn lên bằng bạn, bằng bè. “Giờ vợ chồng tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng rồi”, ông Lột bộc bạch từ ruột gan.

Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu

Còn nhiều hơn nữa những mảnh đời yếu thế được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình 1719. Ở đó có những hộ nghèo khó khăn, thiếu thốn đủ bề về nhà ở, đất sản xuất, thông tin, việc làm, bảo hiểm y tế... Chương trình 1719 ra đời hướng đến những mảnh đời như thế, để không còn ai bị bỏ lại phía sau, để vùng đồng bào dân tộc và miền núi sớm thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, để bình yên cương thổ, bản làng văn minh. Vậy nên, chương trình ấy là một biểu tượng nhân văn cao đẹp, sáng ngời sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 (Bài 1): Trên hết là vì người dân

Được hỗ trợ từ Chương trình 1719, gia đình ông Vi Văn Lột ở thôn Chiềng, xã Thắng Lộc đã xây dựng được căn nhà mới khang trang.

Nhưng để chương trình được triển khai trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19, một số văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành... cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất với tinh thần chăm lo cuộc sống Nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân lên trên hết, trước hết. Mà sự quyết tâm ấy, trước hết ở việc tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ tỉnh đến cơ sở, do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, với quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho từng thành viên. Thực tiễn chỉ đạo cho thấy, đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo đã đem lại thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự xuyên suốt trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan không riêng với Chương trình 1719.

Đồng thời, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác, do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng thường xuyên kiểm tra thực địa, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn. Thông qua đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có nguồn vốn Chương trình 1719.

Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 được thiết kế gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án. Chương trình hướng đến đa mục tiêu, như nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ hủ tục...

Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Lê Minh Hành cho biết: Với nhiều nỗ lực, cố gắng, Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình 1719 trong giai đoạn 2021-2025, như: tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp... Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 1719 đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 8,6% (giảm 6,73% so với năm 2023). Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng qua các năm, đạt 44,39 triệu đồng/người vào năm 2024.

Trong nhiều khó khăn cả về điều kiện lẫn cơ chế chính sách, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 1719) đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ những vướng mắc khó khăn và bối cảnh sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đang đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp hơn trong thiết kế chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn 2026-2030.

Đỗ Đức

Bài 2: Cái khó không hoàn toàn ở sự thiếu quyết tâm

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/go-bo-rao-can-khoi-thong-nguon-luc-thuc-hien-chuong-trinh-1719-bai-1-tren-het-la-vi-nguoi-dan-256102.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm