Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều

VHO - Không chỉ là dấu son của lịch sử dân tộc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn là chốn linh thiêng gắn với bao ký ức hào hùng của một triều đại đã dựng nên cơ đồ Đại Việt. Giữa những bóng lim cổ thụ và dấu xưa rêu phong, có những con người âm thầm gìn giữ, bảo tồn và làm sống lại giá trị ngàn năm bằng tất cả tình yêu, trách nhiệm và khát vọng đánh thức niềm tự hào trong mỗi bước chân du khách.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa28/07/2025

Không gian Lam Kinh những ngày hè vẫn giữ cho mình vẻ tĩnh tại đến lạ. Ánh nắng xuyên qua tán cây cổ thụ, rải vàng lên những phiến đá rêu phong.

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều - ảnh 1
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nơi linh thiêng lưu giữ dấu tích triều Lê sơ. Ảnh: Nguyễn Linh

Từng bước chân lặng lẽ qua cổng ngọ môn, sân rồng, dẫn về khu chính điện và thái miếu, như đưa người ta trở về miền ký ức linh thiêng, nơi vương triều Lê sơ từng hiển hiện trong ánh hào quang rực rỡ, một triều đại trị vì lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Từ rừng thiêng đến điểm đến ngàn năm

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh là nơi Anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh.

Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua. Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đến năm 2012, di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Qua đó, khẳng định thêm những giá trị quan trọng của di tích không chỉ ở phương diện lịch sử, thắng cảnh mà cả ở bình diện kiến trúc và nghệ thuật đương thời. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của truyền thống văn hoá, văn minh Đại Việt ở thế kỷ XV.

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều - ảnh 2
Một góc kiến trúc cổ kính của Lam Kinh, sự hòa quyện giữa nghệ thuật xây dựng truyền thống và không gian văn hóa tâm linh đặc trưng xứ Thanh. Ảnh: Nguyễn Linh

Nơi đây không chỉ là lăng tẩm, đền đài. Lam Kinh là linh khí hội tụ, là biểu tượng cho khát vọng độc lập dân tộc, cho trí tuệ và bản lĩnh của những con người “dấy binh từ đất Lam Sơn, rửa nhục nước, cứu muôn dân khỏi lầm than.”

Với người dân xứ Thanh, Lam Kinh không đơn thuần là một di tích lịch sử, mà là niềm kiêu hãnh, là máu thịt gắn bó từ bao đời. Trải qua hàng trăm năm với bao biến thiên lịch sử, khu di tích vẫn được gìn giữ, tôn tạo và ngày càng trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về cội nguồn của du khách trong và ngoài nước.

Mỗi năm, Lam Kinh đón hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái. Mỗi bước chân là một lần nhắc nhớ về công lao dựng nước của tiền nhân, mỗi nén hương là một lần tri ân những anh linh vì nước quên thân.

Nhưng giữ được Lam Kinh không chỉ là giữ một vùng đất, một công trình. Đó là hành trình bảo tồn ký ức, gìn giữ hồn cốt văn hóa, tôn trọng những giá trị lịch sử và khơi dậy ý thức cộng đồng. Và hành trình ấy chưa bao giờ là dễ dàng.

Những người giữ lửa trong thầm lặng

“Giữ được Lam Kinh hôm nay là nhờ vào mồ hôi, tâm huyết và cả nước mắt của bao thế hệ.”, ông Hồ Hà Hải, Trưởng Ban Quản lý di tích Lam Kinh mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một nụ cười hiền, nhưng ánh mắt thì đượm niềm trăn trở.

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều - ảnh 3
Bảo vật Quốc gia bia Vĩnh Lăng ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê sơ có niên đại lịch sử lâu đời, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: Nguyễn Linh

Không chỉ là quản lý, ông và những cộng sự của mình gần như sống trọn cùng di tích. Họ không chỉ quản lý di tích bằng văn bản hay quy trình, mà là bằng trái tim, bằng sự am hiểu và niềm kính trọng dành cho từng tấc đất, từng hiện vật, từng bức tường đá rêu phong.

Những năm qua, Ban Quản lý đã đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ di tích trong cộng đồng; nâng cao năng lực bảo tồn cho cán bộ, viên chức, người lao động; đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại; lắp đặt hàng trăm mắt camera tại các khu vực trọng yếu để giám sát an ninh và bảo vệ di tích khỏi những tác động từ con người.

Họ thiết kế hàng rào bằng gỗ, dựng biển chỉ dẫn, bố trí cán bộ trực 24/24 để sớm phát hiện và xử lý mọi dấu hiệu bất thường. “Chúng tôi không chỉ quản lý mà còn kể chuyện, truyền cảm hứng, đánh thức ký ức để Lam Kinh không bao giờ là thứ đứng yên trong bảo tàng,” ông Hải nói.

Những buổi nói chuyện di sản, những hoạt động trải nghiệm văn hóa, lễ hội tưởng niệm, không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn khơi gợi niềm tự hào trong lớp trẻ những người sẽ tiếp tục sứ mệnh giữ gìn và lan tỏa giá trị vương triều xưa.

Không chỉ có Ban Quản lý, công tác gìn giữ Lam Kinh còn là nỗ lực tổng hòa từ các cấp chính quyền đến từng người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, đánh giá, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới di tích, lập dự án tu bổ và phục hồi phù hợp.

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều - ảnh 4
Lam Kinh - Hồn xưa trong mạch sống hôm nay

Nhiều lễ hội tại đây được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, giữ nguyên bản sắc nhưng vẫn phù hợp với đời sống đương đại. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã có thêm 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 190 lượt di tích/dự án được thống nhất chủ trương đầu tư; 91 lượt di tích được hỗ trợ kinh phí bảo quản, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Trong đó, Lam Kinh luôn là trọng điểm với nhiều chương trình tôn tạo có chiều sâu, bền vững.

Những nỗ lực ấy không chỉ giúp Lam Kinh được bảo vệ đúng nghĩa, mà còn khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Du khách đến Lam Kinh không chỉ để chụp ảnh, ngắm cảnh mà còn để lắng nghe những câu chuyện, thấm đẫm khí thiêng và hồi tưởng lịch sử.

Trong làn khói hương mờ ảo mỗi dịp lễ lớn, hình ảnh những cán bộ âm thầm cắm cúi dọn cỏ, lau bia, chỉnh lại từng tấm biển chỉ dẫn gợi lên cảm giác thiêng liêng mà gần gũi.

Lam Kinh không được giữ bằng xi măng, sắt thép. Nó được giữ bằng tình yêu, sự hiểu biết, và cả lòng tự hào thẳm sâu trong mỗi người con xứ Thanh.

Hồn xưa trong mạch sống hôm nay

Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Số lượng di tích trên địa bàn tỉnh lớn, trong khi nguồn lực bảo tồn còn hạn chế. Ý thức bảo vệ di tích của cộng đồng chưa đồng đều, công tác quản lý đôi lúc chưa thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, sức ép từ phát triển du lịch đại trà, từ đô thị hóa và biến đổi khí hậu cũng tạo ra không ít nguy cơ đối với sự toàn vẹn của di tích.

Giữ hồn Lam Kinh: Gọi dậy ký ức một vương triều - ảnh 5
Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm đến văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn của du khách. Ảnh: Nguyễn Linh

Nhưng Lam Kinh vẫn đang từng bước vươn lên, bằng chính sức sống nội tại của một vùng đất thiêng và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá di tích; xây dựng hệ thống biển giới thiệu thông minh; tích hợp mã QR để người dân, du khách tra cứu thông tin dễ dàng, góp phần lan tỏa giá trị di tích theo hướng hiện đại nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc truyền thống.

Đặc biệt, Lam Kinh đang được gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch tâm linh, trải nghiệm văn hóa những xu hướng phù hợp với bối cảnh hậu COVID-19. Mỗi du khách đến đây không chỉ để tham quan, mà còn là để học, để hiểu và để truyền đi thông điệp về sự bền vững của văn hóa dân tộc.

Từng viên gạch, từng cột đá ở Lam Kinh như vẫn đang kể chuyện về một thời oanh liệt, về một vị anh hùng áo vải đã dựng cơ đồ, và về một di sản sống mãi với thời gian. Và rồi, trong tiếng chuông trầm mặc vọng ra từ thái miếu, trong làn gió nhẹ phả hương trầm nơi lăng miếu, người ta vẫn nghe thấy tiếng gọi của lịch sử.

Giữ Lam Kinh, không chỉ là giữ một di tích. Đó là giữ lấy niềm kiêu hãnh, giữ lấy gốc rễ của một dân tộc không bao giờ cúi đầu trước bạo tàn, và luôn biết cách hồi sinh, vươn lên từ trong gian khó.

Như những gốc lim vẫn đứng hiên ngang giữa đất Lam Sơn, rợp bóng lên lịch sử, lan tỏa một khí chất Việt không thể nhầm lẫn giữa muôn vàn biến động thời cuộc.

Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/giu-hon-lam-kinh-goi-day-ky-uc-mot-vuong-trieu-156869.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm