Từ 'gạo xanh, thị trường xanh'
“Tôi đến với nông nghiệp tuần hoàn một cách rất tự nhiên, như một đứa trẻ lớn lên cùng những câu hỏi vô tư khi quan sát thiên nhiên. Dần dần, tôi hiểu rằng mình đang đi đúng hướng, hướng đến một nền nông nghiệp phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến tới Net Zero”, ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của giống lúa nổi tiếng ST25 nhấn mạnh khi nhắc lại hành trình hơn 40 năm gắn bó với ruộng đồng, bắt đầu từ những ngày đầu khảo sát tác động của hóa chất nông nghiệp lên môi trường.
Năm 1987, khi cùng GS. Nguyễn Thị Thu Cúc khảo sát sự phục hồi của thiên địch sau một đợt phun thuốc trừ rầy, ông Cua nhận thấy một điều quan trọng: “Môi trường còn tốt, thiên địch phục hồi nhanh”.
Đến năm 1991, khi đối mặt với đợt bùng phát rầy nâu nghiêm trọng trên hơn 13.500 ha lúa IR42 ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ông đã chứng kiến một điều kỳ diệu: Chỉ sau 10 ngày, toàn bộ rầy nâu bị tiêu diệt bởi nấm xanh ký sinh, một "vị cứu tinh" đến từ tự nhiên. Sự kiện này đã củng cố niềm tin của ông vào sức mạnh của hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Năm 1993, ông bắt đầu nghiên cứu tài liệu về IPSM – Quản lý tổng hợp thổ nhưỡng, một bước phát triển từ IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp). Nếu như IPM tập trung vào phòng trừ sâu bệnh thì IPSM mở rộng hơn – kết hợp giống, đất, nước, phân bón, sinh vật có ích và các biện pháp sinh thái nhằm xây dựng hệ sinh thái ruộng đồng cân bằng.
Sau 30 năm thực hành IPM, ông nhận định: “Thiên địch suy giảm, đất đai xuống cấp. Nhưng IPSM thì khác, đây là nền tảng khoa học vững chắc cho nông nghiệp tuần hoàn, là con đường thực tế đưa nông nghiệp Việt Nam hướng tới Net Zero”.
Cuối những năm 1990, sự thành công trong sản xuất giống tôm sú và hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau khiến ước vọng đưa nước mặn vào ruộng lúa ngày càng lan rộng. Đến tháng 11/2001, quyết định mang tính bước ngoặt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cho phép chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đã mở đường cho việc hình thành vùng luân canh lúa – tôm rộng lớn. Chỉ sau 5 năm, trên 400.000 ha đất lúa tại bán đảo Cà Mau được chuyển sang nuôi tôm, tạo nguồn thu ngoại tệ hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, cây lúa trong vùng luân canh dần mất vai trò do nhiều yếu tố bất lợi: thiếu nước ngọt, giống dài ngày, năng suất thấp, thu hoạch thủ công tốn kém, giá bán thấp. Việc sản xuất manh mún, không liên kết khiến rủi ro càng gia tăng.
Cục diện chỉ thay đổi từ năm 2020, khi giống ST25 – Gạo ngon nhất thế giới 2019 được công nhận. Nhờ chu kỳ ngắn, dễ canh tác, giá bán cao, ST25 nhanh chóng trở thành “công cụ” chiến lược để phục hồi vị thế cây lúa.
Từ 2021–2024, mô hình được hoàn thiện với giải pháp thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp kết hợp rút khô giữa mùa và cuối mùa. Kết quả: chi phí thu hoạch giảm 75% (chỉ còn 3 triệu đồng/ha), giảm đổ ngã và thất thoát. Đây cũng là yếu tố giúp mô hình phù hợp với Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha)
Hiện giống ST24 và ST25 đang được canh tác tại bán đảo Cà Mau với năng suất 6 tấn/ha, giá bán đạt 9.200 đồng/kg (cao hơn 3.000 đồng/kg so với lúa thường). Lợi nhuận gấp đôi, trong khi chi phí sản xuất được tối ưu nhờ giảm 30% phân hóa học, 75% thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, vụ lúa ổn định giúp vụ tôm an toàn, tăng thêm thu nhập và bảo vệ môi trường.
Vào mỗi tháng Chạp, thương lái khắp nơi đổ về mua lúa ST25 – Lúa Tôm với giá có lúc lên tới 13.000 đồng/kg. Hơn 2.000 ha hiện đã được bao tiêu, áp dụng quy trình IPSM và sử dụng phân hữu cơ, vi sinh đã tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu “Gạo Ông Cua” vươn ra thị trường quốc tế.
Việt Nam đang khẳng định vai trò trên bản đồ gạo xanh thế giới
Đầu tháng 6/2025, thương hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" từ Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản và chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia.
Một dấu ấn quan trọng trong nửa đầu năm là việc triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng trong năm 2025, diện tích đăng ký thực hiện đề án đã vượt 312.000 ha.
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là bước chuyển lớn, không chỉ ở kỹ thuật mà còn là cách Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng chúng ta sẵn sàng bước vào sân chơi phát triển xanh. Hạt lúa giờ không chỉ là kết tinh của cần cù, mà còn là biểu tượng của trí tuệ và sự chuyển đổi bền vững.
Với Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, tại cuộc làm việc ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, phát triển thêm các thương hiệu mới, cùng với các thương hiệu nổi tiếng đã có như ST25. Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng, Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; Bộ Công Thương đàm phán, ký kết, triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo; các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bảo đảm đầu ra;…
Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là điều mà hiện nay mọi người đều quan tâm và muốn cùng chung tay giải quyết. Chính vì vậy, một sản phẩm vừa sạch vừa xanh sẽ bắt đúng xu hướng thị trường. Gạo giảm phát thải là xu hướng tiêu dùng mới và thị trường đang mở rộng, đặc biệt ở các thị trường cao cấp. Sản phẩm này hiện chỉ duy nhất Việt Nam có, là sự khác biệt lớn để làm nên thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
“Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh ngành lúa gạo toàn cầu. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao là một trong những sáng kiến lớn, điển hình trong ngành lúa gạo của Việt Nam và khu vực”, TS Jongsoo Shin – Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đánh giá.
Hướng đi cho ngành lúa gạo Việt Nam đang dần định hình, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khuyến nghị, với gạo Việt xanh phát thải thấp, việc chọn giống gạo nào, xuất đi đâu là điều rất quan trọng và phải được tính toán cẩn thận. Ví dụ, thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, đây là những thị trường cao cấp, ở những thị trường này phải chọn giống lúa phù hợp như Japonica và ST25. Nếu chọn những giống gạo thường thì sản phẩm dù "xanh" nhưng sẽ không hợp khẩu vị người tiêu dùng, ngược lại thị trường phổ thông có thể sẽ chưa sẵn sàng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/gao-phat-thai-thap-tam-ho-chieu-xanh-cua-nong-nghiep-viet-nam-ra-the-gioi-3367645.html
Bình luận (0)