Những yếu tố tạo sức hút
Theo báo cáo của UBND tỉnh, nửa đầu năm 2025 Quảng Ninh cấp mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 168 dự án ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký và điều chỉnh đạt 125.692,8 tỷ đồng, gấp 13,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 94 dự án ngoài KKT, KCN, tổng vốn đăng ký 86.426,8 tỷ đồng; 74 dự án trong KKT, KCN, tổng vốn đầu tư 39.266 tỷ đồng.
Thu hút nguồn vốn FDI tuy giảm, nhưng chất lượng và quy mô vượt trội. Nổi bật: Foxconn đầu tư hệ thống thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong (287,2 triệu USD); dự án giải trí thông minh tại KCN Sông Khoai (263,7 triệu USD); nhà máy Lite-On giai đoạn 1 (690 triệu USD).
Ông Châu Thành Hưng, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án công nghệ cao quy mô lớn không chỉ ở tiềm năng, mà còn là kết quả từ việc chủ động cải cách, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư của tỉnh.
Những yếu tố tạo nên sức hút lớn nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào Quảng Ninh những tháng đầu năm là môi trường đầu tư tại địa bàn không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công bố Chỉ số PCI toàn quốc năm 2024, Quảng Ninh duy trì tốp những địa phương dẫn đầu cả nước, đứng thứ 2 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024, với tổng 73,2 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023; các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2024 nằm trong nhóm top 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.
Đặc biệt, TTHC ngày càng tinh gọn, hiện có 1.007/1.786 TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết, tương đương rút ngắn 6.030 ngày giải quyết, vượt chỉ tiêu trung ương đề ra; hơn 70% TTHC đã có thanh toán trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn trên hệ thống một cửa điện tử tỉnh đạt gần 74%, cao nhất từ trước đến nay. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ủy quyền cho các sở, ngành giải quyết 48/238 TTHC thuộc thẩm quyền; các sở, ngành ủy quyền cho lãnh đạo các phòng, ban thẩm định, phê duyệt 255 TTHC ngay tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, cho biết: Tỉnh đã xây dựng và thiết lập thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Quảng Ninh phục vụ người dân và doanh nghiệp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vận hành thử nghiệm ngày 15/6/2025, đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/7/2025.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh tổ chức nhiều cuộc đối thoại thực chất với doanh nghiệp, trong đó có nhiều cuộc làm việc với hiệp hội doanh nghiệp, HTX, doanh nghiệp vận tải, du lịch, sản xuất công nghiệp; từ đó tiếp nhận, giải quyết kịp thời 136 kiến nghị, góp phần tháo gỡ khó khăn, đồng hành, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn.
Ông Wu Xian Hong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam, chia sẻ: Đơn vị đang tích cực hoàn thiện các bước, quy trình để tiến hành khởi công khu nhà ở xã hội tại địa bàn KCN Hải Hà. Những đề xuất, kiến nghị của đơn vị đã được các cấp, ngành của tỉnh khẩn trương vào cuộc triển khai các giải pháp tháo gỡ. Đến nay cơ bản các thủ tục đang trong quá trình hoàn thiện, phấn đấu trong quý III/2025 khởi công dự án, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 638 tỷ đồng.
Chủ động tạo môi trường đầu tư tốt
Những tháng cuối năm 2025, trước sự phân hóa mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, Quảng Ninh xác định những giải pháp cốt lõi để thu hút dòng vốn đầu tư, không chỉ phục vụ cho lợi ích trước mắt là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 14% trong năm 2025, mà còn phục vụ cho lợi ích cốt lõi, lâu dài trong kỷ nguyên mới.
Một loạt giải pháp cần được tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện như: Đẩy mạnh thi công, hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông đang được thi công dở dang; nghiên cứu, tính toán đầu tư cải tạo, nâng cấp thêm các tuyến đường giao thông hiện hữu không còn đáp ứng với yêu cầu phát triển mới; thúc đẩy phát triển hệ thống logistics, cảng biển, KCN quy mô lớn có tính kết nối vùng; chủ động “đi trước” về cải cách thủ tục, chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; thu hút vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít đất, nhiều giá trị.
Ngày 1/7/2025 cùng với cả nước, Quảng Ninh chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với 54 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô). Đây là lợi thế lớn của tỉnh trong thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, khi mà đặc khu Vân Đồn được trung ương xác định thí điểm xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo nên một cực tăng trưởng mới của tỉnh và cả nước.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Quảng Ninh chủ động phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Vân Đồn, đồng thời đề xuất trung ương nhiều cơ chế, chính sách khác trong thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dòng vốn FDI thế hệ mới vào địa bàn KKT, KCN của tỉnh.
Ngày 27/6/2025 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1395/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại KKT Vân Đồn. Dự án hướng tới mục tiêu phát triển một khu nghỉ dưỡng, giải trí, thương mại đẳng cấp quốc tế, với điểm nhấn là tổ hợp casino cao cấp và các dịch vụ du lịch, bất động sản, khách sạn - resort tích hợp. Dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 2 tỷ USD, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện tại.
UBND tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu và các quy định có liên quan. Trong đó, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, tài chính, kinh nghiệm và cam kết tuân thủ các điều kiện đầu tư - kinh doanh chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực casino, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị (số 57-NQ/TW, số 59-NQ/TW, số 66-NQ/TW, số 68-NQ/TW) nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn tỉnh. Từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành của tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC, đảm bảo bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các TTHC, 30% chi phí TTHC theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 66/NQ-CP (ngày 26/3/2025) của Chính phủ. Đồng thời rà soát, sửa đổi, ban hành các bộ chỉ số về CCHC, chỉ số đo lường sự hài lòng; chỉ số hiệu quả quản trị, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tỉnh tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp sau quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp.
Gia tăng đầu tư ngoài ngân sách là chỉ dấu rõ nét về sức hấp dẫn và sự năng động của Quảng Ninh trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn ngày càng khốc liệt. Tỉnh luôn chủ động tạo ra môi trường đầu tư tốt trước, đây là tư duy phát triển hiện đại mà Quảng Ninh nên tận dụng, phát huy. Với những gì đã làm được và chiến lược rõ ràng phía trước, Quảng Ninh đang đi đúng hướng để trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước trong giai đoạn phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư toàn diện.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/gia-tang-nguon-luc-dau-tu-ngoai-ngan-sach-3367385.html
Bình luận (0)