Đường đi dự kiến của bão Wipha. Ảnh: VNDMS. |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến của bão Wipha đến thời điểm hiện tại có nhiều thay đổi đáng lưu ý. Lúc 15h chiều 22/7, bão đã đi sâu vào đất liền ở địa phận các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
12h trưa ngày 22/7, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế, nhận định rằng bão tan. Các chuyên gia cho rằng giảm cấp là tín hiệu tốt, nhưng không thể hiện mức độ an toàn tuyệt đối.
Hiểm hoạ sau khi bão tan
Trong bài đăng lúc 12h20 ngày 22/7, ông Huy nhận định bão Wipha đã suy yếu thành một vùng áp thấp ở khu vực giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình. Nhưng do hoàn lưu mưa bão lệch Nam nên các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, phía Tây của Ninh Bình tiếp tục có mưa lớn trong chiều hôm nay.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, cho biết hoàn lưu bão số 3 rất rộng. Từ chiều tối 20/7, dù chưa tiến vào Vịnh Bắc Bộ, khu vực này đã có mưa diện rộng. Tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, cũng ghi nhận mưa rải rác do ảnh hưởng của rìa mây bão.
Dù bão suy yếu, theo ghi nhận, lượng mưa đo được cao nhất tại Thanh Hóa từ 19h tối 21/7 đến 12h trưa 22/7 là 293mm, thêm chiều 22/7 thì tổng lượng mưa có thể vượt 400mm trong vòng 24 giờ. Nhiều khu vực trên địa bàn có thể vượt mức 500mm, đã ghi nhận ngập lụt.
![]() |
Mưa lớn sau bão có thể gây ra hiểm hoạ lớn. Ảnh: Reuters. |
Ông Hoàng Văn Đại, phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự đoán với lượng mưa tiếp diễn như vậy, nguy cơ cao xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, nhất là ở phía tây Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện nay, ở 2 tỉnh này đang có mưa to, các sông suối đang bắt đầu hình thành dòng chảy lũ và sẽ tăng mạnh.
Thực tế, theo một nghiên cứu của Đại học California, sức gió của cơn bão không thể hiện được độ lớn của cơn mưa đi kèm. Trong một số trường hợp, lượng mưa lớn mới là yếu tố quyết định số cây bị đổ, sạt lở và đại phân hóa sinh thái, hơn cả mức gió cực điểm.
Chính vì thế, ngay cả khi cơn bão có dấu hiệu suy yếu, người dân cũng cần đề phòng nguy hiểm. “Trong thời gian này, bà con hạn chế di chuyển, nếu có việc cần thiết thì hạn chế đi ở gần ven sông suối và qua các ngầm tràn vì lũ có khả năng nên nhanh, khi đó có thể sẽ không kịp ứng phó”, ông Đại nói.
Cơn bão thất thường
Bão Wipha được nhận xét là không lớn bằng Yagi, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong vòng 70 năm qua. Tuy nhiên, cơn bão này vẫn có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý, như hoàn lưu rộng, lượng mưa lớn và tồn tại lâu hơn.
Mặc dù đã đổ bộ vào đất liền, một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên (cũ), Hà Nội ghi nhận lượng mưa gián đoạn, có thể thấy trời hửng nắng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy giải thích do bão vẫn tiếp tục duy trì mất đối xứng tâm và lệch Nam nên đĩa mây phía Tây Bắc mỏng.
Ngược lại với các khu vực trên, hoàn lưu mây bão đang bao trùm và sẽ gây mưa nhiều hơn ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Riêng khu vực ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa có mưa rất to.
![]() |
Bản đồ phân bố mưa do bão số 3 trong 24 giờ qua. Ảnh: NCHMF. |
Thời gian gần đây, những cơn bão có lộ trình thất thường, khi chúng quanh co, lơ lửng nhiều ngày liền. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature, những cơn bão trên toàn cầu đã di chuyển với tốc độ chậm đi đáng kể trong hơn 65 năm qua.
Hiện tượng này đi cùng với lượng mưa lớn và nước biển dâng. Các trường hợp như Harvey (2017) hay Doksuri (2023) đều ghi nhận thiệt hại kỷ lục không phải do sức gió mà vì mưa dầm dai dẳng.
Theo Trung tâm dự báo KTTV, dù giai đoạn ngoài khơi di chuyển nhanh (20-25km/h), bão Wipha khi áp sát đất liền đã giảm tốc xuống chỉ 10-15km/h. Ông Khiêm cho rằng mặc dù hiện tại quỹ đạo bão phù hợp với dự báo chính thức, trung tâm vẫn không loại trừ kịch bản xấu.
Trước đó khi cơn bão đổ bộ vào Hong Kong, Lam Chiu-ying, cựu Giám đốc Đài Khí tượng nước này, chia sẻ rằng may mắn đóng một phần lớn giảm thiểu thiệt hại của Wipha. “Nếu bão lệch chỉ 10–20km, mức độ tàn phá có thể thay đổi hoàn toàn”, ông cho biết.
Nguồn: https://znews.vn/dung-chu-quan-khi-bao-wipha-ha-cap-post1570710.html
Bình luận (0)