Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc lạ bảo vật quốc gia: Mộ vò có khắc hình mặt người

Mộ vò Gò Cây Trâm là một mộ vò hiếm có. Vò được sản xuất riêng cho mục đích làm quan tài với việc khắc hình mặt người, lần đầu tiên phát hiện ở Đông Nam Á.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên12/07/2025

Cuộc khai quật Việt - Hàn

Bảo vật quốc gia mộ vò Gò Cây Trâm được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2018 - 2019 của các nhà nghiên cứu VN và Hàn Quốc. Phía VN là các chuyên gia thuộc Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo và Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM). Phía Hàn Quốc có các chuyên gia đến từ Viện Di sản văn hóa Daehan và ĐH Quốc gia Seoul.

Độc lạ bảo vật quốc gia: Mộ vò có khắc hình mặt người- Ảnh 1.

Bảo vật mộ vò Gò Cây Trâm

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

"Giá trị nổi bật của mộ vò Gò Cây Trâm là hiện vật gốc được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ học có địa tầng rõ ràng, cấu trúc di tích được xử lý chặt chẽ với lượng thông tin thu thập được có tính xác thực khoa học cao", theo hồ sơ bảo vật quốc gia.

Huyệt mộ Gò Cây Trâm xuất lộ ở độ sâu khoảng 0,5 m. Vò làm quan tài đặt nằm ngửa giữa lòng huyệt mộ, trên miệng có một nắp đậy hình đĩa có vành móc và đậy úp vào lòng thành miệng. Nghiên cứu của chuyên gia Lee Yong-cheol (Hàn Quốc) công bố vào năm 2023 cho biết bên trong lòng mộ vò là đất xốp mịn màu xám đen còn sót lại di cốt người gồm một phần xương hàm có răng của một cá thể là trẻ em khoảng 7 - 8 tuổi. Cũng trong mộ vò này có đồ tùy táng là 1 mảnh vàng nhỏ, 16 hạt chuỗi bằng thủy tinh đơn sắc (multisalah), trong đó 15 hạt màu vàng chanh và 1 hạt màu nâu.

Vò làm quan tài là loại bình gốm có thân hình cầu, vai vò thuôn xuôi nhẹ, cổ thắt, có thân phình rộng và đáy tròn nông tạo dáng thân hơi dẹt, đế thấp có dáng loe choãi cân xứng với phần miệng. Vò làm bằng chất liệu gốm mịn màu vàng cam. Tuy nhiên áo gốm đã mòn tróc nhiều, chỉ còn phần nền áo có màu nâu ửng hồng nhạt lẫn loang lổ màu xám đen.

Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, điều đặc biệt đây là mộ vò còn nguyên vẹn được phát hiện trong địa tầng hố khai quật khảo cổ. Có thể nói đây là di tích mộ vò duy nhất (độc bản) còn nguyên vẹn tính đến nay trong các nghiên cứu về văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Thêm vào đó, mộ cũng độc đáo khi di tích có niên đại thế kỷ 4 - 5 nếu xác định qua địa tầng và đồ tùy táng, song đồ gốm sử dụng làm quan tài lại thuộc giai đoạn thế kỷ 1 - 3.

Kể chuyện phong tục

Kết thúc khai quật, chuyên gia Lee Yong-cheol đánh giá cao việc di vật bình gốm có đục lỗ thể hiện đặc điểm khuôn mặt và lỗ ở dưới đáy bình. Đây là hiện tượng chưa được ghi nhận trên bất cứ di vật gốm nào cùng loại trong văn hóa Óc Eo. Nhóm nghiên cứu Hàn Quốc nhận định: "Chiếc mộ vò này được sản xuất riêng cho mục đích làm quan tài với hình mặt người lần đầu tiên phát hiện ở Đông Nam Á. Đây là một kết quả học thuật có giá trị lớn của cuộc khai quật này".

Độc lạ bảo vật quốc gia: Mộ vò có khắc hình mặt người- Ảnh 2.

Đồ tùy táng bằng hạt chuỗi thủy tinh

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

PGS-TS Bùi Chí Hoàng cho rằng điều đáng giá nữa ở bảo vật quốc gia này là nó cho thấy một truyền thống mai táng. Nói cách khác, giá trị văn hóa phi vật thể của hiện vật là rất lớn. Theo PGS-TS Hoàng, mộ Gò Cây Trâm cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với truyền thống mai táng bằng quan tài vò. Đồ tùy táng ở mộ này cũng cho thấy sự tương đồng với các cụm mộ vò ở miền Đông Nam bộ, vùng chuyển tiếp giữa Đông - Tây Nam bộ. Vì thế, đây là tư liệu minh chứng cho giao lưu văn hóa thương mại giữa vùng này với Đông Nam bộ, đặc biệt là quan hệ nối từ cung biển từ Nam Trung bộ đến khu vực Cần Giờ.

Đồ tùy táng trong mộ vò Gò Cây Trâm gồm các hạt chuỗi trang sức bằng thủy tinh và hiện vật vàng là tư liệu minh chứng cho quan hệ trao đổi thương mại, văn hóa rất phát triển vào thời kỳ này, vốn được xem là giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo.

Các nhà khoa học cũng đánh giá cao tiêu bản bình gốm và nắp đậy của vò mai táng. Đây là những vật dụng tiêu biểu của văn hóa Óc Eo, là sản phẩm từ sự giao lưu, tiếp nhận - học hỏi và tiếp biến văn hóa của cư dân cổ trên miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với các yếu tố văn hóa ngoại sinh (từ Ấn Độ). "Đây là những nguyên bản hoàn thiện cho đồ gốm tiêu biểu của giai đoạn sớm văn hóa Óc Eo với đặc trưng về kiểu dáng quy chuẩn cùng quan niệm thẩm mỹ của giai đoạn Óc Eo sớm", hồ sơ bảo vật nêu rõ. Từ đó, hiện vật này có thể giúp nhận diện tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật chế tác gốm thời kỳ văn hóa Óc Eo. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-bao-vat-quoc-gia-mo-vo-co-khac-hinh-mat-nguoi-185250424220630691.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm