Cơ hội và thách thức
Những năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở Nghệ An cũng như cả nước phải chịu nhiều tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19, sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm… dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Với tiềm lực tài chính mỏng và khả năng thích ứng thấp, hàng loạt doanh nghiệp đã không thể đủ sức chống chọi và đành phải rút lui khỏi thị trường. Theo số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ An cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, hơn 100 doanh nghiệp đã giải thể và đặc biệt số doanh nghiệp thông báo giải thể là 259 đơn vị, tăng 68,2 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghệ An tạo doanh thu tốt hơn khi ứng dụng AI trong kinh doanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả AI không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yếu tố sống còn của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường và mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng về AI cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa chiến lược.
Là một đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công ty dược phẩm Damiphar có chiến lược kinh doanh khá hiệu quả dựa trên các nền tảng công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng AI để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Ông Phạm Hồng Đại – Giám đốc công ty dược phẩm Damiphar chia sẻ: Trước đây, vào những năm đầu thành lập, các sản phẩm của công ty không được người tiêu dùng đón nhận như kỳ vọng dù chất lượng được giới chuyên gia đánh giá cao, mức giá lại vừa phải so với thị trường. Tuy nhiên khi áp dụng công nghệ, giải pháp số dựa trên nền tảng kinh doanh sẵn có đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng sâu hơn, hiệu quả hơn, qua đó góp phần gia tăng doanh số bán hàng, tạo ra doanh thu cao hơn trước.
Khi áp dụng công nghệ, giải pháp số,giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng sâu hơn,góp phần gia tăng doanh số bán hàng.
Còn ông Nguyễn Bá Đức – Phó giám đốc công ty Hoàng Quân lại cho rằng: Việc ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh, đơn cử như Chat GPT đã giúp công ty có khả năng tạo ra văn bản sáng tạo, nội dung thú vị và hấp dẫn, phục vụ cho mục đích cho quảng cáo và sản phẩm, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng. Hay như Napkin AI có thể giúp chúng tôi phác thảo ý tưởng nhanh chóng, lập kế hoạch kinh doanh cụ thể dựa trên các tiêu chí, mục tiêu đề ra.
“Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng AI để soạn thảo nội dung, hình ảnh, video chạy quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Zalo… doanh số bán hàng của công ty ngày càng cải thiện”, ông Đức chia sẻ.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận AI
Trước thực trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường, tỉnh Nghệ An đã đưa ra các kế sách, giải pháp thiết thực, kịp thời nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay. Một trong số đó chính là ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp SME Nghệ An có thể giảm thiểu mức độ rủi ro, nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh. Trong đó, AI nổi lên như một trong những công nghệ then chốt, có khả năng thay đổi cục diện cạnh tranh, nâng cao hiệu quả vận hành và tạo ra giá trị gia tăng mới cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả AI không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường và mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng về AI cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa chiến lược”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn này, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã phối hợp với VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình tổ chức hội nghị tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI phát triển sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số” thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia.
Theo Thạc sỹ Bùi Quang Cường - Phó ban Đào tạo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực AI đã chia sẻ trong hội nghị “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI phát triển sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số” về nhiều chủ đề như: Chiến lược khai thác nội dung thông minh với AI; Ứng dụng AI trong tiếp thị số trên các nền tảng Facebook Business, Zalo Business (OA); Ứng dụng AI trong kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; Đo lường và tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ khách hàng với sự hỗ trợ của AI…. Các nội dung được truyền tải theo hướng “thực chiến”, sát thực tế, phù hợp với điều kiện áp dụng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế Nghệ An hiện nay.
“Thông qua chương trình, ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững tại Nghệ An. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nắm bắt thêm nhiều kiến thức, nền tảng vững chắc, những xu hướng ứng dụng AI mới nhất và những ví dụ thực tế, trực quan, dễ hiểu nhất về AI trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ từng bước nâng cao năng lực chuyển đổi số, tiếp cận những công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra bước chuyển biến tích cực trong công tác, hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Hải nhấn mạnh.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/doanh-nghiep-nghe-an-ung-dung-ai-trong-san-xuat-kinh-doanh/20250702085110491
Bình luận (0)