Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa phương lo chuyện định khung biên chế, xử lý việc dôi dư cấp phó

Thiếu khung định biên, vị trí việc làm chưa rõ, nhiều nơi dư cấp phó, lãnh đạo sở nội vụ một số địa phương mong sớm có phương án để vận hành bộ máy mới hiệu quả hơn.

Báo Hà TĩnhBáo Hà Tĩnh27/07/2025

Chờ khung biên chế mới

Sau gần một tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo sở nội vụ một số địa phương cho biết, hai trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở việc chưa có khung biên chế và quy định cụ thể về vị trí việc làm.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nêu thẳng: "Bây giờ Hà Nội rất lo lắng. Theo định hướng của Trung ương thì khi sắp xếp bộ máy giảm tối thiểu 20%, mốc từ năm nay. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm có định biên, định mức biên chế cụ thể, có lộ trình cụ thể để chúng tôi lên kế hoạch, phương án thực hiện cho đúng tiến độ và chỉ tiêu".

Bên cạnh đó, bà Liễu còn đặt ra băn khoăn khi chưa có đề án về vị trí việc làm sau sắp xếp, dẫn đến nhiều bất cập phát sinh: "Hiện sắp xếp theo mô hình ủy ban mới, các sở đã sáp nhập nên vị trí việc làm bị xáo trộn: có vị trí giảm khối lượng, có vị trí tăng tải. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn xác định vị trí việc làm để chúng tôi làm lại đề án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành bộ máy mới".

img-proxy-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội (Ảnh: Hải Long).

Bà Liễu cho rằng, làm lại đề án vị trí việc làm có ba ý nghĩa chính: Hướng tới trả lương theo vị trí việc làm; Bố trí người đúng vị trí, làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá; Giải quyết chế độ, chính sách khi chế độ 178 không còn.

"Chế độ theo Nghị định 178 có thời hạn 5 năm, thời gian trôi nhanh; nếu chậm triển khai, sẽ có người lỡ thời điểm, quyền lợi chênh lệch lớn giữa nghỉ trước 2 năm và sau 2 năm. Vì vậy, tôi cho rằng đẩy nhanh tiến độ triển khai vị trí việc làm mới sẽ rất có ý nghĩa", bà Liễu nhấn mạnh.

Chưa có phương án xử lý dôi dư cấp phó

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Phan Văn Bình nêu vấn đề "dôi dư cấp phó" phát sinh khi sáp nhập cơ học nhiều phường, kéo theo vướng mắc về chức danh tương đương.

"Trước khi sắp xếp, khi còn làm Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Nam cũ, tôi đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng tinh thần của Bộ và Trung ương: mỗi phòng 1 trưởng, 1 phó. Tuy nhiên, rà soát sau sắp xếp thì có 25 xã, phường dôi dư cấp phó.

Trước đây, ở Đà Nẵng có nơi 3-4 phường nhập lại, một số bí thư, chủ tịch không sắp xếp được nên chuyển xuống làm phó phòng. Vừa rồi, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu bố trí lại cấp phó đúng chỉ đạo của Trung ương", ông Bình nói.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng cho biết, đội ngũ cấp phó ở các sở hiện nay vẫn đang có nhiều tâm tư: "Văn bản của Trung ương cho hạn 5 năm để sắp xếp lại cho đúng quy định, nhưng Nghị định 150/NĐ-CP đã có hiệu lực, quy định cụ thể về cấp phó khiến anh em lo lắng. Tôi đã động viên: trước mắt cứ yên tâm làm việc; khi Trung ương có hướng dẫn cụ thể sẽ tiếp tục bố trí phù hợp, bảo đảm quyền lợi để anh em yên tâm cống hiến".

Địa phương này cũng nhấn mạnh nhu cầu "ban hành đồng bộ các quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của công chức cấp xã" để có căn cứ bố trí nhân sự và tổ chức sát hạch đưa người vào biên chế.

Xây dựng khung biên chế, vị trí việc làm phù hợp

Trước những "điểm nghẽn" trên, Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) giải đáp: Công văn 03 và 09 của Ban Chỉ đạo đã "nói rõ nguyên tắc bố trí biên chế trong tổng biên chế của cả tỉnh" để địa phương bám thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp. Đồng thời, từ nay đến năm 2026, các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực sẵn có để bố trí nhân sự cho cấp xã mới, bảo đảm vận hành liên tục.

img-proxy.jpg
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Ảnh: Hải Long).

Ở khía cạnh bảo đảm nhân lực chuyên sâu, Vụ Công chức - Viên chức lưu ý địa phương có thể vận dụng Nghị định 173 để ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức đối với các lĩnh vực nghiệp vụ đặc thù, qua đó "lấp chỗ trống" trong giai đoạn chưa hoàn tất định biên.

Về định hướng trung hạn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định nhiệm vụ của ngành là tham mưu, xác định "bao nhiêu vị trí việc làm" cho hệ thống chính trị làm căn cứ dự kiến số lượng biên chế giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và bám các tiêu chí về chức năng, nhiệm vụ, dân số, diện tích, đặc thù từng địa phương.

Cùng với đó, Bộ sẽ xem xét lại hệ thống phụ cấp (khu vực, đặc biệt và phụ cấp chức danh lãnh đạo cấp xã) phù hợp thực tế sau sắp xếp.

"Trước mắt sẽ có hai nhiệm vụ lớn. Một là cần rà soát tổng thể các chế độ phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo. Hai là xem xét điều chỉnh phụ cấp khu vực và phụ cấp đặc biệt: phạm vi áp dụng đã thay đổi (trước 63 tỉnh, nay còn 34; số đơn vị hành chính cấp xã từ hơn 10.000 xuống 3.321), do đó cần đánh giá lại và bố trí lại cho phù hợp", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Nguồn: https://baohatinh.vn/dia-phuong-lo-chuyen-dinh-khung-bien-che-xu-ly-viec-doi-du-cap-pho-post292593.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm