Tỉnh Phú Thọ mới không chỉ là cái tên thuần túy địa lý mà mang theo một trọng trách chiến lược trong bản đồ phát triển trung du – miền núi phía Bắc. Trong tiến trình ấy, quy hoạch đóng vai trò như la bàn chiến lược – không chỉ để đi đúng hướng mà còn không để bỏ lỡ thời cơ.
Cơ sở hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cũ được đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại nhờ đưa công tác quy hoạch đi trước một bước.
3 mảnh ghép - 1 cơ hội
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương mang tầm đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, chủ trương hợp nhất ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình thành tỉnh mới Phú Thọ được coi là một bước đi táo bạo về quản trị hành chính, điều hành kinh tế và tổ chức không gian phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự táo bạo ấy chỉ trở thành bước ngoặt thực sự khi công tác quy hoạch được nhìn nhận một cách thấu đáo, bài bản, dài hạn và có sự đổi mới mạnh mẽ về mặt tư duy.
Hiện tại, tỉnh Phú Thọ mới đang trong quá trình khởi động Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2026–2035, tầm nhìn đến 2050. Đây không đơn thuần là bài toán cộng số học giữa ba quy hoạch cũ mà là một bản giao hưởng quy hoạch mới, cần được soạn lại trên những nền nhạc có nhiều khác biệt cả về địa lý, con người, kinh tế và giá trị bản sắc.
Ba trục tiểu vùng đang được đề xuất bước đầu là trục động lực kinh tế phía Đông (kéo dài từ Vĩnh Yên qua Việt Trì đến thành phố Hòa Bình cũ); vùng sinh thái – văn hóa phía Tây và vùng nông – lâm nghiệp công nghệ cao phía Bắc. Mỗi vùng, nếu biết phát huy lợi thế và kết nối hợp lý, sẽ không còn là “vùng lõm” quy hoạch như một số khu vực trước đây, mà trở thành những mạch sống nuôi dưỡng một cơ thể hành chính, kinh tế khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Phú Thọ cũ có thể xem là “người anh cả” trong ba tỉnh – xét về bề dày văn hóa, trầm tích lịch sử và cả kinh nghiệm quy hoạch. Với trung tâm là thành phố Việt Trì (cũ), tỉnh đã định hướng tương đối tốt trục phát triển dịch vụ – công nghiệp – du lịch. Tuy nhiên, không thể không thấy rằng vẫn còn có những vùng trũng đầu tư, nơi quy hoạch chưa vươn tới, hoặc chưa có tính kết nối giữa đô thị, nông thôn và miền núi.
Việc quy hoạch có chất lượng các phân khu trung tâm tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho khu vực đô thị ở tỉnh Phú Thọ cũ.
Vĩnh Phúc cũ vốn được nhiều người nhất trí cho rằng tỉnh là ví dụ tiêu biểu cho quy hoạch công nghiệp hóa thành công. Những khu công nghiệp như Khai Quang, Bá Thiện, Thăng Long Vĩnh Phúc... không chỉ mang lại GDP cao mà còn định hình được vai trò của tỉnh trên bản đồ công nghiệp phụ trợ khu vực miền Bắc. Song, tốc độ phát triển đô thị nhanh cũng để lại không ít hệ lụy như phát sinh một số đô thị tự phát, quá tải hạ tầng, thách thức môi trường ngày càng tăng...
Tỉnh Hòa Bình cũ với lợi thế cảnh quan thiên nhiên và nguồn lực thủy điện lại từng đứng trước bài toán khó về quy hoạch thực thi. Không phải vì thiếu ý tưởng, mà là vì thiếu nguồn lực và một số nguyên nhân khách quan khác. Những vùng sâu, vùng xa của Hòa Bình nếu không có quy hoạch linh hoạt và mang tính khuyến khích, rất dễ bị bỏ lại phía sau trong guồng quay phát triển ngày càng gấp gáp.
Hướng đi phù hợp
Chìa khóa để ba mảnh ghép như đã nói vận hành trơn tru chính là một bản quy hoạch tích hợp, sáng tạo và mang tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch mới không thể đi theo lối mòn của tư duy manh mún mạnh ai nấy làm, mà phải tích hợp cả chiều ngang (giữa các ngành, lĩnh vực) lẫn chiều dọc (giữa các cấp và thời kỳ).
Trục phát triển phía Đông - nơi hội tụ của công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, logistics - phải được xem là đầu tàu, vừa để tạo đà tăng trưởng, vừa để lan tỏa phát triển. Các trung tâm đô thị vệ tinh cần được tính toán kỹ lưỡng để giảm áp lực lên trung tâm, đồng thời phân bổ dân cư và hạ tầng hợp lý hơn.
Phía Tây và Bắc, với ngút ngàn rừng, núi, hồ, suối và hệ sinh thái văn hóa bản địa, có thể trở thành không gian phát triển bền vững: du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, dược liệu, nông nghiệp số, nhưng phải được quy hoạch bài bản, tránh phá vỡ cảnh quan như một số dự án du lịch từng mắc phải ở một số địa phương khác.
Đặc biệt, không thể không nhấn mạnh vai trò của giao thông kết nối: các tuyến cao tốc, đường vành đai, đường sắt liên vùng, cảng cạn ICD... nếu được quy hoạch với tư duy “xương sống phát triển” sẽ giúp Phú Thọ mới không chỉ phát triển nội tại mà còn kết nối thông minh với vùng Thủ đô, Tây Bắc và thậm chí cả vùng duyên hải.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình cũ đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thực tế đã chứng minh, quy hoạch không thể thành công nếu chỉ được bàn trong phòng họp của riêng ai. Nó cần tiếng nói của doanh nghiệp, sự góp ý của người dân, góc nhìn của chuyên gia, và cả tính toán của nhà đầu tư. Mỗi khu vực phát triển phải được đặt trong bối cảnh thực tế: đất đai, con người, thói quen, lịch sử và tiềm năng khai thác.
Quy hoạch cũng không thể “bê tông hóa tư duy” – nghĩa là không nên chỉ tập trung vào xây dựng, mà cần đặt con người vào trung tâm, từ đó quy hoạch không gian sống, văn hóa, việc làm, an sinh một cách hài hòa, mềm mại.
Và trên hết, quy hoạch phải được số hóa, minh bạch và cập nhật liên tục – để không bị lạc hậu giữa dòng chảy công nghệ và biến động kinh tế – xã hội toàn cầu.
Tư duy mới - động lực mới
Phú Thọ mới không thể phát triển với tư duy cũ của ba tỉnh cũ. Nếu tiếp tục coi quy hoạch là nhiệm vụ hành chính thuần túy, sẽ khó có bước đột phá. Chỉ có cách coi quy hoạch là “tổ chức lại không gian sống và phát triển bằng tư duy chiến lược và liên kết vùng”, thì Phú Thọ mới hoàn toàn có thể vươn lên thành một vùng động lực thực sự.
Không phải cứ rộng lớn là mạnh, không phải cứ có bề dày truyền thống là có thể mặc sức phát huy, không phải cứ có mong muốn và ý tưởng tốt là sẽ thành hiện thực. Chúng ta chỉ trở thành giàu mạnh và phát triển bền vững nếu biết tận dụng ưu điểm của từng vùng miền, kết nối hài hòa từng yếu tố như không gian, văn hóa, con người để phát huy cao nhất những tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Khi có quy hoạch chuẩn dẫn đường, Phú Thọ không chỉ là một tỉnh mới về địa giới, mà sẽ là biểu tượng mới của quy hoạch vùng thời hiện đại – nơi tư duy dài hạn, thực thi hiệu quả và sự đồng thuận xã hội cùng gặp nhau trên hành trình phát triển bền vững.
Quang Nam
Nguồn: https://baophutho.vn/de-phu-tho-phat-trien-ben-vung-quy-hoach-phai-linh-an-tien-phong-236485.htm
Bình luận (0)