Sản phẩm cá tra đông block được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.
Tận dụng tiềm năng
An Giang được thiên nhiên ưu đãi với cả 3 môi trường nuôi thủy sản gồm nước ngọt, mặn và lợ. Tỉnh có bờ biển trên 200km và ngư trường rộng trên 63.000km2. Hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và người dân có rất nhiều kinh nghiệm trong nuôi các loài thủy sản xuất khẩu. Đây là điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản của tỉnh, nhất là nuôi các loài thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu lẫn tiêu thụ ở thị trường trên 101 triệu dân của Việt Nam .
Chỉ tính riêng ngành hàng xuất khẩu cá tra, tỉnh có đến 18 doanh nghiệp, 23 nhà máy chế biến, công suất chế biến trên 350.000 tấn/năm. Đối với thủy sản nước mặn, lợ, chỉ tính riêng các địa phương ven biển như An Minh, An Biên, Hòn Đất, Hà Tiên… nuôi nhuyễn thể (sò huyết, vẹm xanh, nghêu) được xem là thế mạnh với diện tích nuôi trên 24.000ha. Sản lượng thu hoạch trên 96.000 tấn/năm, điều này cho thấy tiềm năng của tỉnh trong phát triển thủy sản là rất lớn.
Thấy được tiềm năng của ngành thủy sản, đầu năm 2000, ông Doãn Tới, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Việt đầu tư vùng nuôi cá tra với quy mô công nghiệp; xây dựng nhà máy chế biến thủy sản để khép kín quy trình sản xuất. Đến nay, tập đoàn này sở hữu vùng nuôi thủy sản tập trung 400ha mặt nước, giải quyết cho gần 7.000 người lao động có việc làm ổn định. Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt trên 30 triệu USD và sản phẩm của doanh nghiệp xuất đi 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Nam Việt là một trong những doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, biết tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển. Hiện ngoài trồng trọt, lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển ngành này theo hướng hiện đại, xanh, tuần hoàn và bền vững trên cả 3 vùng nước gồm nước ngọt, mặn và lợ. Để làm được điều đó, tỉnh ưu tiên cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ con giống, vùng nuôi đến chế biến, xuất khẩu”, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Văn Mừng cho biết.
Hiện tỉnh có nhiều vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế như ASC, GlobalGAP, BAP…, hệ thống nhà máy chế biến hiện đại, công suất lớn, sẵn sàng đáp ứng cho các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Doãn Tới nhận định: “An Giang có hệ sinh thái thủy sản rất hoàn chỉnh. Vùng nước ngọt đẩy mạnh nuôi cá tra. Nước mặn đẩy mạnh phát triển nuôi biển bền vững. Vấn đề lúc này là đẩy mạnh tăng cường tính liên kết giữa người nuôi - doanh nghiệp - nhà khoa học - chính quyền để cùng tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng chuẩn quốc tế. Nếu làm được điều này, tỉnh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thủy sản của vùng và quốc gia”.
Hiện ngoài cá tra, việc nuôi các loài cá biển như cá bớp, cá mú trân châu trong lồng bè đang cho hiệu quả kinh tế cao. Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi trở thành xu hướng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng hiện nay.
Tăng tốc đầu tư
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm thủy sản hàng đầu của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng mang tính chiến lược phải kể đến tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến đường kết nối vùng, trong đó có liên kết đến các vùng nuôi, nhà máy, kho lạnh, cảng sông, cảng biển. Theo dự báo, trung tuần tháng 12 năm nay, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng, góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối với các viện, trường đại học nghiên cứu giống mới, công nghệ nuôi thân thiện với môi trường và chế biến sâu.
“Không thể phát triển ngành thủy sản theo tư duy cũ mà cần tái cấu trúc lại ngành từ sản xuất, chế biến đến xúc tiến thương mại và quản lý môi trường. Doanh nghiệp và người dân phải lấy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng cho sự phát triển, có vậy An Giang mới sớm trở thành trung tâm nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực và cả nước”, đồng chí Hồ Văn Mừng khẳng định.
Mục tiêu của An Giang không chỉ là “thủ phủ cá tra” mà còn là trung tâm nuôi biển hàng đầu cả nước, trong đó tập trung nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản chất lượng cao trên cả 3 vùng nước gồm nước ngọt, lợ và mặn. Sản phẩm mang thương hiệu An Giang phải hiện diện nhiều hơn trên bàn ăn của người tiêu dùng toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản không chỉ giúp tỉnh tăng trưởng GRDP, nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo hàng vạn việc làm cho người dân nông thôn, đóng góp vào ổn định đời sống người dân và công tác an sinh xã hội.
Với sự chung sức của chính quyền - doanh nghiệp - người dân, cùng tầm nhìn chiến lược và quyết tâm hành động của hệ thống chính trị, An Giang đang từng bước khẳng định vị thế mới, trở thành trung tâm thủy sản hiện đại, xanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bài và ảnh: MINH HIỂN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/quyet-tam-tro-thanh-trung-tam-thuy-san-hang-dau-khu-vuc-a424651.html
Bình luận (0)