Khi hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến sâu nông sản sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường hơn, giá trị sản phẩm cao hơn, đem lại nhiều lợi ích cho người dân.
Chế biến sâu, gia tăng giá trị
Gần 10 năm trở lại đây, thương hiệu thanh long sạch Hòa Lệ, xã Ma Lâm (Lâm Đồng) trở nên thân thuộc không chỉ với người dân địa phương mà nhiều vùng lân cận.
Thành lập năm 2017, Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ có 18 thành viên chính thức, 34 thành viên liên kết chủ yếu sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ quả thanh long.
Đến nay, hợp tác xã đã mở rộng ngành nghề kinh doanh và chế biến sâu những mặt hàng từ thanh long như: Rượu mạnh thanh long, rượu vang thanh long, nước khoáng, nước cốt thanh long, các loại bánh từ bột thanh long; sản xuất tinh dầu thanh long,... Nhờ đó, từ số vốn ban đầu chỉ 900 triệu đồng, đến nay vốn lưu động của hợp tác xã đã đạt 2,5 tỷ đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ Đỗ Thanh Hiệp cho biết, thời điểm hiện tại, hợp tác xã có chín sản phẩm từ thanh long đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Để ổn định và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác xã đang đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường và nâng sản lượng thanh long lên từ 8.000-12.000 tấn/năm. Tiếp tục phát triển thêm thành viên, mở rộng diện tích vùng trồng thanh long đạt chuẩn, hợp tác xã đủ năng lực, tự tin xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhờ đầu tư mở rộng nhà sơ chế, kho lạnh, trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản phẩm thanh long của hợp tác xã đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử, thực hiện ký hợp đồng cung cấp thanh long tươi theo chuỗi với ba hợp tác xã thanh long gồm: Hàm Đức, Hàm Phú và Thuận Minh; cùng các tổ hợp tác và hộ nông dân với diện tích hơn 200ha.
Bên cạnh đó, hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp thanh long cho các công ty xuất nhập khẩu như: Ant Farm, Yasaka (chế biến trái cây), Comex Farm,...
Ứng dụng công nghệ để nâng giá trị sản phẩm đang là lựa chọn của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó có Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô, phường Vân Phú (Phú Thọ).
Nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ, các sản phẩm của Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đã cơ bản chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ, tham gia sâu vào các chuỗi siêu thị, nhà hàng, mở đại lý, nhà phân phối ở nhiều địa phương trên cả nước; tham gia các chuỗi siêu thị như Big C, Coopmart, chuỗi cửa hàng OCOP, Vinmart, Aloha,... Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã tiêu thụ 3-4 tấn mì gạo thành phẩm.
Theo ông Cao Đăng Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô, ngoài chiếm lĩnh thị phần trong nước, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, hợp tác xã đã có ba dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 11 dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao,...
Đây là kết quả đáng tự hào của hợp tác xã, song để phát huy được lợi thế, tiềm năng sản phẩm làng nghề truyền thống, hợp tác xã vẫn xác định luôn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất như hệ thống sấy lạnh, dây chuyền sản xuất, máy cắt mì, máy đóng gói,... nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Nhờ đầu tư hệ thống máy móc công nghệ mới, hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Thách thức ở thị trường chủ lực
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng xuất khẩu nông sản chưa thật sự bền vững, do những biến động địa chính trị toàn cầu.
Vì vậy, Bộ khuyến cáo từng lĩnh vực xuất khẩu cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng thách thức của thị trường chủ lực, đồng thời chủ động mở rộng tìm kiếm thị trường mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để tăng tính cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, vận động, hỗ trợ nông dân và quản lý sản xuất sạch, hữu cơ, công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.
Nhờ đó, tỉnh Phú Thọ đã có những sản phẩm cây trồng có giá trị và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới đạt năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
“Chúng tôi chủ trương tăng đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, đồng thời bảo quản nông sản lâu hơn, tiết giảm chi phí đầu vào để giữ giá thành phẩm tốt nhất. Chúng tôi cũng sẽ tích cực mở rộng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á,… để giảm rủi ro trong xuất khẩu”, ông Duy cho biết.
Hình thành chiến lược sản xuất mới, thích ứng điều kiện cạnh tranh toàn cầu, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Long sạch Hòa Lệ cho biết, hợp tác xã đang đẩy mạnh chuỗi sản xuất theo hướng chế biến sâu, tăng cường đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho các thành viên.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dau-tu-cong-nghe-che-bien-sau-nang-tam-nong-san-viet-nam-3366100.html
Bình luận (0)