Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nghệ thuật không chỉ còn nằm yên trên khung vải hay sau lớp kính. Công nghệ 4.0 đã biến những tác phẩm thành những “câu chuyện hình ảnh sống”, nơi người xem có thể tương tác, khám phá và cảm nhận từng nét vẽ, từng lớp màu.
Từ năm 2021 đến nay, nhờ áp dụng công nghệ 4.0, lượng khách trẻ đến Bảo tàng tăng vọt, chiếm đến 40% tổng lượng khách tham quan. Giới trẻ không chỉ đến để học hỏi mà còn chia sẻ trải nghiệm cực chất trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Không kém phần ấn tượng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang bứt phá mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ 4.0. Tại đây, người tham quan được trải nghiệm hành trình khoa cử xưa qua công nghệ 3D mapping, thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) ngôn ngữ, tái hiện sống động các không gian, bia tiến sĩ và câu chuyện về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Hệ thống trợ lý du lịch ảo, tour tham quan ảo 3D, trải nghiệm VR 360 giúp khách tham quan khám phá di tích mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi không thể đến trực tiếp. Đặc biệt, các buổi trình diễn ánh sáng 3D mapping ban đêm đang biến Văn Miếu thành một không gian văn hóa sáng tạo, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo du khách.
Mỗi cú chạm trên màn hình, mỗi lần đeo kính thực tế ảo, mỗi tour tham quan ảo là một lần quá khứ được gọi dậy, sống động và gần gũi hơn bao giờ hết. “Đánh thức” di sản bằng công nghệ giờ đây không chỉ là xu hướng mà đang dần trở thành sứ mệnh chung, nơi mỗi di sản có cơ hội kể lại câu chuyện của mình theo ngôn ngữ mới, lay động và lan tỏa trong cộng đồng số hôm nay.
Nguồn: https://quangngaitv.vn/danh-thuc-di-san-bang-cong-nghe-6504943.html
Bình luận (0)