Phở Việt nổi tiếng trên toàn thế giới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đi tìm người nấu phở ngon là một hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Ngày của phở - Vietnam Phở Festival.
Năm nay, sự kiện diễn ra tại TP.HCM và năm người đoạt giải "Hoa hồi vàng" trong cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2025 sẽ được mời đi quảng bá phở tại Lễ hội Ngày của phở - Vietnam Phở Festival sẽ diễn ra tại Singapore dự kiến vào đầu tháng 10-2025.
Từ xa xỉ đến ngôi sao ẩm thực toàn cầu
Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, thành viên ban giám khảo cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2025, chia sẻ đời sống giờ đây ngày một khấm khá nên ai cũng có điều kiện ăn phở, và quán phở mọc lên khắp nơi. Thế nhưng lúc bà còn nhỏ (khoảng những năm 1960), phở là một món ăn xa xỉ và đắt đỏ.
Ngày đó tiền tính bằng hào, xu và chỉ với mấy hào đi chợ đủ nấu một bữa cơm cho cả nhà. Việc bỏ vài hào để ăn một bát phở là cả một vấn đề lớn. Phở không phải là món ăn hàng ngày mà trở thành một phần thưởng trong những dịp đặc biệt.
Không đếm được số lần nấu phở cũng như ăn phở nhưng trong ký ức của nghệ nhân người Hà Nội này vẫn nguyên y hình ảnh bát phở thuở nhỏ. Mỗi lần bà ốm hoặc sốt, bao giờ mẹ bà cũng dịu dàng hỏi con gái: "Nay con sốt không ăn được cơm, mẹ đi mua bát phở cho con ăn nhé".
Bà nói lũ trẻ con thời đó chỉ được bố mẹ thưởng cho một bát phở khi học giỏi được giấy khen hoặc khi ốm đau, sốt.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, món phở ngày nay không chỉ được người Việt yêu thích mà cả thực khách quốc tế cũng mê. Sáng bước chân ra đường, quán phở luôn là nơi đông khách nhất trong các hàng ăn sáng.
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết từng nấu ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại APEC Đà Nẵng 2017. 21 nguyên thủ, cũng là đại diện 21 nền văn hóa khác nhau, nhưng ai cũng đã ăn hết phần của mình, không một ai để thừa lại. Bà kể trong các món ăn Việt Nam, phở rất được lòng các nguyên thủ. Có những người sáng nào cũng ăn phở, tuyệt nhiên không chọn món khác.
Bà Tuyết lý giải vì sao phở đi thẳng vào lòng thực khách quốc tế. "Không quá chua hoặc ngọt bật lên như một số nền ẩm thực trên thế giới, phở của Việt Nam hài hòa, cân bằng giữa các vị mà không kém phần tinh tế, khi ăn cảm thấy thoải mái, ngon miệng - bà nói - Đến nỗi nhiều người húp đến giọt cuối cùng".
Nghệ nhân này nói thêm sự khác biệt giữa phở Bắc và phở Nam là một phần của văn hóa vùng miền. Mỗi nơi có một đặc trưng riêng, tạo nên sự phong phú cho phở Việt.
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết xem nồi nước dùng của thí sinh tại vòng thi sơ khảo Đi tìm người nấu phở năm 2020.
Thi nấu phở để học lỏm bí quyết của người khác
Là một trong những thí sinh sớm nhất đăng ký tham gia cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon, chị Yung Thuy Burden (tên tiếng Việt là Thùy Dung, 49 tuổi, hiện sống ở Úc) chia sẻ chị biết đến cuộc thi do đọc báo.
Ban đầu chị gửi thông tin cho nhân viên của mình để họ tham gia, thậm chí còn hứa hướng dẫn họ cách nấu phở. Song họ nhút nhát không dám thi, cuối cùng chị điền vào mẫu đơn đăng ký. "Mục đích lớn nhất của tôi khi đến cuộc thi là "học lỏm" để về nấu ngon hơn. Mình nấu ngon rồi, có người nấu còn ngon hơn", chị nói vui.
Chị Dung sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Hồi nhỏ, chị hay theo ông nội đi nhà thờ mỗi cuối tuần. Đi lễ xong, hai ông cháu thể nào cũng đi ăn phở hoặc bít tết gần đó.
Mỗi lần bước vào quán, chị đều thích thú ngắm nồi nước dùng to tướng đang bốc hơi rồi những miếng thịt bò đẹp mắt, hành, rau thơm các thứ tươi ngon, đi cùng là các động tác thoăn thoắt của người bán hàng. Tất cả quyện lại thành một khung cảnh sống động nhất tuổi thơ để khi đi xa lại nhớ da diết.
Một số nguyên liệu thường được dùng để nấu phở - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dù thích nhưng chưa bao giờ chị Dung tự tay nấu phở. Tới hơn 10 năm trước, chị lấy chồng người Úc. Nơi gia đình chị ở ít có người Việt và hàng quán Việt Nam, mỗi lần thèm phở, chị chỉ còn cách tự nấu phở ăn cho đỡ thèm.
Gia đình chị Dung chuyên kinh doanh gỗ tái chế để sản xuất đồ nội thất, không dính dáng gì tới đồ ăn thức uống. Thế nhưng các món ăn Việt Nam, đặc biệt món phở, đã trở thành "đại sứ văn hóa" kết nối những tâm hồn mê ăn mê chơi hai quốc gia lại với nhau.
Chồng và bạn bè bên Úc đều mê phở Việt. Mỗi tháng một lần, có tháng hai lần, chị lại nổi lửa nấu phở đãi mọi người.
Nghị sĩ Nhật Yoichiro Aoyagi từng chia sẻ niềm yêu thích phở Việt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với nhiều người, phở là món phức tạp, cầu kỳ và mất thời gian, nhưng với chị, việc nấu phở đầy tính giải trí và thưởng thức. Trong lúc nấu, chị có thể dọn dẹp nhà cửa, thậm chí đi làm tóc. Tới khi xong xuôi, một mùi thơm bốc lên quyến rũ, chị biết chị "đang ở quê nhà bằng tâm thức".
Mỗi người có một bí quyết nấu phở riêng. Chị Dung thường chọn xương đuôi bò để hầm nước dùng vì trong phần đuôi có gân rất tốt cho xương khớp và được xem như một liều thuốc trị bệnh về xương khớp.
Trước khi hầm, chị thường nướng hoặc rang gừng, hành củ để tạo mùi thơm và chần xương đuôi bò qua nước sôi, loại bỏ bụi bẩn.
Chị hầm nồi nước dùng trong khoảng bốn tiếng trên lửa nhỏ để có nồi nước dùng trong. Nửa tiếng trước khi hoàn tất thì cho thêm quế, hồi... vào rồi vớt ra ngay để tránh bị đắng. Chị nêm thêm ít muối, ít khi cho nước mắm.
Bánh phở thì đơn giản lắm, có thể mua loại tươi ở khu chợ người Hoa hoặc loại khô ở siêu thị gần nhà. Thế là xong, có ngay tô phở ở nước Úc cách Việt Nam cả 7.000km.
Ở Việt Nam, không đếm được có bao nhiêu quán phở - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thể lệ cuộc thi: Đi tìm người nấu phở ngon 2025
Cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2025" chính thức được phát động từ ngày 15-6-2025 và chào đón tất cả công dân Việt Nam lẫn người nước ngoài từ 18 đến 60 tuổi, có niềm yêu thích đặc biệt với món phở.
Dù là đầu bếp chuyên nghiệp hay người nội trợ đam mê nấu ăn, bạn đều có thể trở thành một phần của hành trình tôn vinh phở Việt.
Cuộc thi bắt đầu nhận đăng ký từ ngày 15-6 đến hết 30-8-2025 qua chuyên trang tuoitre.vn/di-tim-nguoi-nau-pho-ngon-2025 hoặc fanpage Ngày của phở 12-12; điền thông tin theo mẫu và gửi bài dự thi.
Quét mã QR để xem chi tiết thể lệ
Bài thi gồm một video (2-5 phút) quay lại quá trình thí sinh tự tay nấu phở hoặc một bộ ảnh (tối thiểu 3 ảnh rõ nét) kèm phần mô tả từ 100 - 300 chữ. Dựa vào nội dung video hoặc hình ảnh, ban tổ chức sẽ chọn ra 30 thí sinh nổi bật bước vào vòng tiếp theo.
Vòng loại sẽ diễn ra vào ngày 20-9-2025 tại TP.HCM. Trong vòng thi này, mỗi thí sinh sẽ thi cá nhân, tự chuẩn bị nguyên liệu và thực hiện món phở bò trong 60 phút. Khi hoàn thành, thí sinh sẽ trình bày 6 tô phở để ban giám khảo chấm điểm. Sau vòng này, 10 thí sinh xuất sắc nhất sẽ bước tiếp vào vòng chung kết.
Vòng chung kết diễn ra ngay hôm sau (ngày 21-9-2025), cũng tại TP.HCM. Các thí sinh sẽ nấu nước dùng từ sáng, hoàn thiện món phở vào buổi chiều và thuyết trình món ăn trước hội đồng giám khảo.
Kết quả cuối cùng sẽ chọn ra Top 5 gương mặt xuất sắc nhất - nhận danh hiệu "Hoa hồi vàng" cùng phần thưởng 20 triệu đồng, giấy chứng nhận và kỷ niệm chương.
Đặc biệt, Top 5 "Hoa hồi vàng" sẽ được ban tổ chức mời sang Singapore trình diễn món phở tại sự kiện Vietnam Phở Festival 2025 và được mời góp mặt trong chương trình Ngày của phở tại TP.HCM. 5 thí sinh còn lại nhận giải "Hoa hồi bạc" cùng phần thưởng 10 triệu đồng.
BAN TỔ CHỨC
Nguồn: https://tuoitre.vn/cung-tuoi-tre-tiep-tuc-di-tim-nguoi-nau-pho-ngon-2025072208332415.htm
Bình luận (0)