Những câu thơ cứ thôi thúc tôi lên đường đến với nơi miền cao núi nhọn để tìm hiểu về cung đàn tròn nơi biên giới. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Pờ Sảo Mìn đưa hình tượng cung đàn tròn vào bài thơ, mà đó chính là linh hồn của người Pa Dí, là niềm tự hào của người pa dí ở xứ mường.

Cách đây 85 năm, một số hộ dân người Pa Dí ở vùng đất Tung Chung Phố di chuyển xuống khu vực Lùng Vai (nay thuộc xã Bản Lầu) để khai hoang, lập nghiệp. Trên vùng đất mới mang tên Bản Sinh, người Pa Dí đã vượt qua muôn vàn gian khó, biến vùng đất đầy lau sậy trở thành bản làng trù phú với những đồi chè xanh mướt, cánh đồng lúa séng cù trĩu bông, đồi dứa vàng thơm mùa quả chín. Để rồi hôm nay, Bản Sinh giống như một phố núi với những căn nhà cao tầng khang trang, đời sống người Pa Dí ngày càng no ấm.
Bên đồng lúa trĩu bông ở Bản Sinh, chị Phu Thị Phương cùng những phụ nữ Pa Dí trong thôn mặc trang phục truyền thống với áo đen, vòng bạc, chiếc mũ như hình mái nhà hát dân ca ca ngợi vẻ đẹp của quê hương.
Cầm cây đàn tròn - nhạc cụ truyền thống của người Pa Dí, chị Phương bảo: Khi hát dân ca Pa Dí thì không thể thiếu cây đàn tròn. Tiếng đàn, tiếng hát hòa quyện vào nhau mới thể hiện hết được vẻ đẹp của dân ca người Pa Dí. Đối với người Pa Dí, dù đi đâu cũng mang theo cây đàn tròn để đàn hát những lúc rảnh rỗi, dịp lễ tết của dân tộc.

Tôi để ý cây đàn mà chị Phương cầm trên tay có mặt đàn hình tròn như mặt trăng. Đàn gồm 4 dây, trên mặt đàn được vẽ và chạm khắc hình con rồng đang bay. Cần đàn bằng gỗ dài khoảng 40cm, đầu cần được trang trí mảnh gỗ như hình trái tim.
Chị Phương bảo, theo quan niệm của người Pa Dí, con rồng tượng trưng cho sức mạnh, may mắn, thịnh vượng, nên từ xưa, khi làm ra chiếc đàn tròn, các cụ đã chạm khắc lên đó hình con rồng, làm cần đàn giống hình đầu rồng, với mong muốn khi tiếng đàn ngân lên sẽ đem đến niềm vui, sự ấm no, hạnh phúc. Có cây đàn tròn chỉ khắc một con rồng, cũng có cây đàn khắc hai con rồng đang bay, kèm theo nhiều hoa văn tạo thành viền tròn trên mặt đàn.
Rời vùng đất Bản Sinh, tôi vượt qua những con dốc dài lên phố núi Mường Khương. Ở thôn Chúng Chải B, xã Mường Khương (trước đây là thị trấn Mường Khương), nhắc đến người Pa Dí biết đàn hay, hát giỏi nhất vùng thì ai cũng biết nghệ nhân Pờ Chin Dín.
Bà Dín bảo ngay từ nhỏ tôi đã được nghe những điệu hát dân ca của bà, của mẹ, nên tình yêu dân ca ngấm vào máu thịt tự bao giờ. Đặc biệt, khi 15 tuổi, tôi đã biết đánh đàn tròn, biết hát dân ca của dân tộc.
Theo nghệ nhân Pờ Chin Dín, dù hát bài dân ca nào cũng không thể thiếu cây đàn tròn. Tiếng đàn vang lên, những lời dân ca cứ theo tiếng đàn mà bay lên, ngọt ngào, da diết.

Trong câu chuyện về cây đàn tròn và dân ca của người Pa Dí, nghệ nhân Pờ Chin Dín chia sẻ rằng, dân ca người Pa Dí rất phong phú nhưng để dịch nghĩa lời bài hát cổ ra tiếng phổ thông rất khó. Cùng với những bài hát ru, hát đối đáp giao duyên, hát trong đám cưới, còn có những bài dân ca ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, hát về công việc lao động hằng ngày như: tháng Giêng hát về trồng ngô, tháng Hai hát về trồng đậu, tháng Ba hát về tết Thanh minh, tháng Tư hát về gieo mạ...

Ngoài ra, trong bài hát “Mười hai tháng”, người Pa Dí hát về những loài hoa: “Tháng Giêng nở hoa đào, tháng Hai nở hoa thơm, tháng Ba nở hoa cúc…, tháng Năm cày ruộng trên, thả bừa xuống ruộng dưới, tháng Sáu cây lúa ra hoa,…tháng Chín vàng bông lúa, tháng Mười hoa đá nở..., tháng Mười Hai đón khách về”. Trong bài hát có những loài hoa không được đặt tên tiếng phổ thông nên không dịch ra được.

Có dịp đến Mường Khương, tôi được gặp nhà thơ Pờ Sảo Mìn, dân tộc Pa Dí, người sáng tác bài thơ “Cây hai ngàn lá” nổi tiếng. Tuy tuổi đã cao, nhưng nhà thơ Pờ Sảo Mìn vẫn miệt mài sáng tác thơ, đau đáu với văn hóa dân tộc.
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn bảo, cây đàn tròn là “linh hồn” của người Pa Dí, dân ca là hồn cốt của người Pa Dí. Tuy nhiên, đến nay ở xứ Mường chỉ còn một số nghệ nhân cao tuổi là biết đánh đàn tròn, biết hát dân ca. Các bà Thào Phủng Din, Thào Phủng Chấn đều đã ngoài 70 tuổi, giọng hát không còn khỏe như xưa. Bà Pờ Chin Dín, Tung Chá Sến cũng đã qua tuổi lục thập. Ở xứ Mường giờ đây vắng bóng người biết làm đàn tròn. Giới trẻ người Pa Dí không mặn mà với dân ca. Vì thế, việc bảo tồn dân ca người Pa Dí rất khó khăn.

Đối với nhà thơ Pờ Sảo Mìn, tình yêu bản sắc văn hóa, tình yêu cây đàn tròn và những điệu hát dân ca được ông gửi vào thơ, trong đó có bài “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc. Trong bài thơ, hình tượng cung đàn tròn tượng trưng cho vẻ đẹp quê hương, đất nước thanh bình trở đi trở lại như một niềm tự hào:
“Mường Khương xanh rất xanh bầu trời
Biên giới xanh rất xanh hơi thở
Như ánh trăng rằm, như mặt trời nắng ấm ban mai
Tổ quốc tôi xanh một cung đàn tròn
Có một phương đông đỏ
Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn”.
Tôi rời vùng đất xứ Mường khi những tia nắng cuối chiều hắt vệt sáng như nan quạt xuyên qua khe núi đá hình răng cưa, đổ xuống thung lũng xanh tươi. Trên đoạn đường dốc quanh co, phụ nữ Pa Dí trên nương về rộn ràng trò chuyện, ngân nga câu hát: "Đi đi chị em ta cùng đi/Địu cây xanh về ủ làm phân/Phân để bón cho ngô lúa tươi tốt/Mình mới có cuộc sống ấm no…"
Nguồn: https://baolaocai.vn/cung-dan-tron-nguoi-pa-di-post648331.html
Bình luận (0)