Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Con người vẫn là yếu tố quyết định

Trong kỷ nguyên mà Internet tràn ngập các nội dung do AI hoặc người dùng tạo ra, điều quan trọng là các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ sự khác biệt

Người Lao ĐộngNgười Lao Động26/07/2025

Đó là nội dung chất lượng mà chỉ con người mới có thể tạo ra!

Báo cáo của SimilarWeb về việc lượng truy cập từ Google đổ về các trang tin tức đang sụt giảm nghiêm trọng thời gian gần đây, do người dùng chuyển sang sử dụng AI chatbot, có vẻ như đang khiến cả ngành truyền thông phải suy tính lại chiến lược phát triển đường dài. Nhưng thật ra, điều này đã được các nhà "tương lai học báo chí" cảnh báo nhiều lần và họ còn chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng hơn thế.

Nhiều thách thức

Trong báo cáo News Future 2035, các tiến sĩ Nel François và Kamila Rymajdo thuộc Đại học Preston kết luận rằng những nền tảng công nghệ có thể đang làm suy giảm khả năng tiếp cận của công chúng tới báo chí, lo ngại về tác động của các trung gian trực tuyến đối với tính đa dạng truyền thông (media plurality), cũng như ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến kiến thức của người dùng kèm khả năng phân biệt thông tin đúng - sai. Điều đó dẫn đến những mối lo ngại lớn hơn nhiều so với việc lượng traffic từ Google search bị suy giảm.

Con người vẫn là yếu tố quyết định - Ảnh 1.

Khóa đào tạo “Ứng dụng AI trong nghiệp vụ báo chí” tổ chức tại Báo Người Lao Động năm 2025. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lấy ví dụ tại Anh, nơi báo cáo kể trên được thực hiện, niềm tin vào truyền thông tin tức đang ở mức rất thấp. Chỉ số Niềm tin Edelman hằng năm cho thấy chỉ 5% Gen Z tại Anh tin tưởng vào báo chí. Báo cáo mở rộng tại 27 quốc gia khác cũng chỉ ra những con số bi quan khiến nhiều chuyên gia đi đến kết luận, đấy là vấn đề mang tính toàn cầu.

Trong khi đó, xu hướng tránh né tin tức ngày càng gia tăng, gần một nửa (46%) trong mẫu khảo sát của Báo cáo kỹ thuật số của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết họ thà xem các video tầm phào trên News Feed hơn là tin tức trên các trang báo chính thống.

Truyền thông dịch vụ công cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, khi chỉ 46% số người được hỏi tại Anh cho rằng loại hình báo chí nhận ngân sách chính phủ là kênh quan trọng - thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Ngoài ra, người dùng Internet trưởng thành cũng ngày càng băn khoăn về độ xác thực của nội dung trực tuyến. Theo báo cáo của Ofcom, kể cả khi được tiếp xúc với bài đăng từ báo chí chính thống trên mạng xã hội, người dùng vẫn không đồng thuận về độ xác thực của nội dung, nghĩa là họ nghi ngờ cả nguồn tin khả tín, điều rất khác so với những thập kỷ trước đó khi "báo nói gì là dân tin đấy"!

Một điều nguy hiểm nữa là nguy cơ các nền tảng mạng xã hội sẽ phản ánh thành kiến của những người tạo ra chúng. Báo cáo "Quản trị công nghệ toàn cầu" (Global Technology Governance) của Diễn đàn Kinh tế thế giới cảnh báo: Cách các cá nhân, công ty và chính phủ đầu tư, thiết kế và sử dụng công nghệ cũng chịu sự ảnh hưởng từ kinh nghiệm, tư tưởng và ý thức hệ của chính những người tạo ra công nghệ đó, cũng như các chuẩn mực và giá trị của bối cảnh phát triển và triển khai của nó. Ví dụ, việc hệ thống AI có mang thiên kiến chủng tộc hay không sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn mã nguồn, dữ liệu huấn luyện và nhóm người mà hệ thống đó được áp dụng.

Đứng trong bối cảnh như vậy, báo chí cần làm gì để tiếp tục tồn tại khi mà các giá trị cốt lõi (như đã phân tích) đang ngày càng bị xói mòn?

Chuyển đổi số - quá trình không bao giờ kết thúc

Đương nhiên sẽ khó tìm ra một công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí trên thế giới, song chuyển đổi số bao giờ cũng là câu trả lời thường trực. Nhưng nói theo tác giả Juan Senor, người đứng sau những cuốn Báo cáo Xu hướng toàn cầu uy tín, thì "chuyển đổi số là một quá trình không bao giờ kết thúc".

Hay nói cách khác, chuyển đổi tòa soạn là một quá trình thích ứng và đổi mới liên tục mà các cơ quan báo chí phải trải qua để tồn tại và phát triển trong môi trường truyền thông đa nền tảng ngày nay. Khái niệm này không có điểm khởi đầu và kết thúc mà là một phần cố hữu trong DNA của tổ chức.

Theo Báo cáo "Chiến lược cho chuyển đổi tòa soạn" của Hiệp hội Truyền thông quốc tế INMA, quá trình này bao gồm việc các thành viên trong ban biên tập liên tục đánh giá lại các chiến lược, công nghệ, cũng như tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới. Nó có thể liên quan đến việc hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu thông qua khuôn khổ nhu cầu người dùng, tổ chức lại tòa soạn để ưu tiên cho kỹ thuật số, thích nghi với các định dạng báo chí và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với độc giả.

Trong số các nhiệm vụ trên thì việc tái cấu trúc tòa soạn được nhắc tới nhiều hơn cả. Báo cáo của INMA đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong triết lý tổ chức. Bởi nếu ở thập kỷ trước, các chuyên gia hô hào "hội tụ" hoặc xây dựng các tòa soạn lai (hybrid) giữa báo in và kỹ thuật số, thì giờ họ lại đang chủ trương tách rời các cấu trúc này.

Thực ra, chủ trương này cũng không có gì mâu thuẫn với chiến lược chuyển đổi số mà chúng ta vẫn luôn theo đuổi. Trong bài viết "Đã đến lúc tách in khỏi kỹ thuật số" đăng trên blog của INMA, tiến sĩ Dietmar Schaltin của IFMS Media lý giải: "Việc lắp ghép cơ học đã khiến báo in trở thành gánh nặng cho kỹ thuật số. Nên việc sắp xếp lại nguồn lực, quy trình làm việc chính là nhằm tập trung đội ngũ cho các mục tiêu kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại và tạo ra các định dạng mới".

Một số ví dụ cụ thể đã được nêu ra, như tòa soạn Stuff ở New Zealand tạo ra 2 doanh nghiệp riêng biệt: Một tập trung vào báo chí kỹ thuật số trực tiếp và sôi động (Stuff.co.nz), một tập trung vào sản phẩm đăng ký kỹ thuật số và in ấn (Stuff Masthead Publishing). Sự phân tách này cho phép cả 2 đơn vị chuyên môn hóa và đạt được sự tăng trưởng đáng kể. The Times và Sunday Times ở Anh cũng đã tái cấu trúc để tối ưu hóa quy trình làm việc kỹ thuật số và tích hợp công nghệ mới.

Cụ thể hơn, việc giảm tập trung vào in ấn để giải phóng năng lực cho kỹ thuật số là một chiến lược quan trọng để chuyển hướng nguồn lực, bởi về lâu dài thì kỹ thuật số là nơi có tiềm năng tăng trưởng và doanh thu lớn hơn. Nhiều tòa soạn vẫn bị ràng buộc bởi các quy trình sản xuất in ấn truyền thống, tiêu tốn thời gian và nhân lực đáng kể. Nên khi hợp nhất, họ không đạt được mục tiêu kép là chặn đà suy thoái của báo giấy lẫn tăng trưởng mảng số.

Từ những phân tích đó, các chuyên gia của INMA đã đi đến một số khuyến nghị:

- Tự động hóa và công nghệ: Tờ Aftenposten ở Na Uy đã sử dụng tự động hóa để sản xuất ấn phẩm e-paper gọn hơn từ nội dung đã có sẵn, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

- Tối ưu hóa quy trình làm việc: Politiken đã triển khai mô hình "SML" (Small, Medium, Large, XXL) để chuẩn hóa độ dài và định dạng câu chuyện cho cả in ấn và kỹ thuật số. Điều này giúp các nhà báo và biên tập viên làm việc hiệu quả hơn, giảm thời gian chỉnh sửa và làm cho nội dung kỹ thuật số dễ tiêu hóa hơn cho độc giả.

- Đầu tư vào công cụ AI và đào tạo: Cung cấp các công cụ và đào tạo để các nhà báo có thể dễ dàng tạo nội dung cho nhiều định dạng khác nhau.

- Thay đổi tư duy văn hóa: Sự thay đổi trong quy trình in ấn đòi hỏi một sự thay đổi tinh thần lớn từ nhân viên. Cần chuẩn bị cho sự không chắc chắn, cho phép nhân viên thể hiện sự lo lắng và tập trung vào những lợi ích mà việc chuyển đổi mang lại.

Như vậy, chuyển đổi số không phải là loại bỏ in ấn hoàn toàn mà tìm cách giải phóng năng lực để đầu tư mạnh hơn vào đổi mới, nhằm phục vụ độc giả online một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, chuyển đổi số vẫn là cách tốt nhất để thích ứng với "cơn sóng thần" AI đang quét qua mọi ngóc ngách của đời sống. Báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc, mà cần có chiến lược AI như khuyến nghị của INMA.

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của chuyên gia Charlie Beckett, Giám đốc sáng kiến Journalism AI tại Trường Kinh tế London: Trong kỷ nguyên mà Internet tràn ngập các nội dung do AI hoặc người dùng tạo ra, điều quan trọng là các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ sự khác biệt: Đó là nội dung chất lượng mà chỉ con người mới có thể tạo ra! 

Các mô hình tòa soạn

Hội tụ (đầu những năm 2000): Các nhà báo trước đây vốn quen với việc sản xuất báo in được yêu cầu cung cấp nội dung báo điện tử, thường là bản sao của phiên bản in với những sửa đổi nhỏ.

Ưu tiên kỹ thuật số (những năm 2010): Các tòa soạn bắt đầu ưu tiên sản xuất nội dung báo điện tử trước khi điều chỉnh cho báo in.

Ưu tiên di động (giữa những năm 2010): Sự gia tăng của thiết bị di động yêu cầu thay đổi đáng kể trong cách viết và định dạng nội dung, dẫn đến các câu chuyện ngắn hơn, trực tiếp hơn, tối ưu hóa cho màn hình nhỏ.

Dựa trên thuê bao (cuối những năm 2010 đến nay): Các bức tường phí thay đổi cách cấu trúc tin tức, chuyển từ mô hình kim tự tháp ngược sang kể chuyện tập trung vào sự tương tác, sử dụng các đoạn kết mở và nội dung gợi mở để thúc đẩy chuyển đổi.

. Theo báo cáo "Strategies for Continuously Transforming Your Newsroom"


Nguồn: https://nld.com.vn/con-nguoi-van-la-yeu-to-quyet-dinh-196250724201523233.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm