Theo lịch của Sở GD&ĐT Hà Nội, sau khi biết điểm thi, điểm chuẩn lớp 10 THPT, từ ngày 10-12/7, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến, trực tiếp.
Các trường THPT đã xây dựng tổ hợp môn học, tổ chức ngày tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh, học sinh trước khi quyết định.
Theo Chương trình GDPT 2018, ở bậc THPT mỗi học sinh sẽ được học 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn. Khi thi Tốt nghiệp THPT, ngoài Toán, Ngữ văn, học sinh sẽ lựa chọn 2 môn để thi và làm tổ hợp xét tuyển đại học.
Theo Chương trình GDPT 2018, ở bậc THPT mỗi học sinh sẽ được học 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn.
8 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh sẽ phải chốt 4/9 môn lựa chọn trong số: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
![]() |
Điểm khác biệt khi học chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT là học sinh được lựa chọn môn học. (ảnh: Như Ý) |
Sau 3 năm THPT, học sinh sẽ thi Tốt nghiệp THPT với 4 môn, trong đó có Toán, Văn là môn bắt buộc và 2 môn tự chọn để tạo thành các tổ hợp lấy điểm xét tuyển vào đại học.
Khó thay đổi nếu chọn sai
Với chương trình mới, ngay từ năm lớp 10, học sinh sẽ bắt đầu lựa chọn một số môn học tự chọn để học tập đến hết lớp 12 và rất khó thay đổi trong quá trình học. Do đó, thầy cô giáo khuyên, học sinh đừng xem đây chỉ là lựa chọn môn học mà là bước đi đầu tiên định hình hướng nghiệp, xét tuyển đại học, lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Dù đã triển khai 3 năm ở bậc THPT nhưng lứa học sinh lớp 12 năm vừa qua là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới nên có nhiều bỡ ngỡ, không ít em chọn bừa theo tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội sau đó muốn chuyển đổi tổ hợp lại gặp khó khăn. Bởi lẽ, khi đổi tổ hợp, học sinh phải chuyển lớp và tự học, tự đảm bảo kiến thức môn học đã bị hụt trong thời gian các em bỏ lỡ.
Khi chia tổ hợp theo môn học, về lý thuyết, học sinh sẽ có 126 cách chọn tuy nhiên trên thực tế các trường THPT đang căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có để xây dựng tổ hợp.
Đa số các trường chỉ có khoảng 5-8 tổ hợp môn học, chủ yếu chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội để học sinh lựa chọn. Nhiều trường thiếu, thậm chí “trắng” giáo viên một số môn mới như: Âm nhạc, Mỹ thuật nên dù học sinh có mong muốn cũng không có tổ hợp môn học để chọn.
Thầy Nguyễn Trung Tín, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết, nhằm giúp phụ huynh có con vào lớp 10 hiểu về chương trình giáo dục mới, nhà trường đã xây dựng tổ hợp môn học đưa lên website. Ngoài ra, trong những ngày phụ huynh, học sinh làm thủ tục nhập học, trường đặt các bàn tư vấn để giải đáp thắc mắc, gỡ vướng cho những người còn băn khoăn.
Năm học 2025-2026, Trường THPT Thăng Long dự kiến sẽ có 6-8 lớp tổ hợp Khoa học tự nhiên và 5-6 lớp Khoa học Xã hội.
Theo thầy Tín, việc tư vấn phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học ở bậc THPT theo chương trình GDPT 2018 gắn liền với năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai. Do đó, phụ huynh được khuyên phải tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định.
“Nhờ làm tốt khâu tư vấn ngay từ khi các em chuẩn bị vào lớp 10 nên các năm qua, ở trường không có học sinh nào muốn chuyển đổi tổ hợp môn học”, thầy Tín nói.
Động viên học sinh không 'né' môn học khó
Trước khi phụ huynh xác nhận nhập học, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) mời cha mẹ học sinh đến trường nghe giới thiệu về mô hình giảng dạy cũng như hướng dẫn cách thức lựa chọn tổ hợp môn học. Năm học tới, trường này xây dựng 8 tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết những năm trước, học sinh có tâm lý e ngại, thậm chí “né” các môn Khoa học tự nhiên vì học khó, chọn Khoa học xã hội dễ học, dễ "ăn" điểm hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ nhất thời khi các em chưa tính toán đến ngành nghề trong tương lai sẽ dùng tổ hợp môn học để xét tuyển vào đại học.
Khi tư vấn, thầy cô thường khuyên học sinh nếu có năng lực, tư duy về khối khoa học tự nhiên cứ mạnh dạn chọn tổ hợp có môn liên quan Vật lý, Hoá học, Sinh học. Các môn này có thể kết hợp với Văn, Toán, Ngoại ngữ tạo ra những tổ hợp xét tuyển đại học khá phổ biến như: A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh)…
Nguyên tắc vàng khi lựa chọn tổ hợp
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy bộ môn Hoá học tại Hà Nội cho rằng, nếu chọn sai tổ hợp có thể khiến học sinh mất hứng thú học tập; khó khăn khi xét tuyển đại học; mất phương hướng trong lựa chọn nghề nghiệp khi chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
Do đó, học sinh phải đặt ra quy trình để chọn tổ hợp môn học thay vì chọn theo phong trào, theo bạn bè, các em cần có quy trình khoa học và định hướng rõ ràng.
Đầu tiên, cần hiểu năng lực bản thân thích học những môn nào và những môn học đó có khiến các em thật sự hứng thú hay không? Năng lực được thể hiện ở sự tự tin của bản thân cũng như điểm số, nhận xét của giáo viên trong quá trình học.
"Lưu ý, hiểu bản thân không phải là các em “thích gì thì chọn”, mà là kết hợp giữa đam mê – năng lực – tính cách phù hợp với nghề", thầy Ngọc nhấn mạnh.
Bước 2 là học sinh cần tìm hiểu ngay nhóm ngành nghề phù hợp. Dẫu là sớm nhưng liên quan đến định hướng đầu ra, khi đã xác định được mình có năng lực nổi trội môn gì, thích gì các em cần kết nối với các nhóm ngành phù hợp.
Cũng theo thầy Ngọc, trước khi chọn tổ hợp môn, việc học sinh nên làm là vào website của các trường đại học, mục “Tuyển sinh” để xem mô tả nghề nghiệp tại các trang tư vấn, tuyển dụng, tìm kiếm thông tin về các ngành nghề.
Tìm hiểu các trường đại học nào đang sử dụng các tổ hợp xét tuyển mình định lựa chọn, từ đó có lựa chọn tổ hợp môn học đúng.
Khi đã có đủ thông tin về bản thân – ngành học – trường tuyển sinh, đây là lúc đưa ra quyết định cuối cùng về tổ hợp môn. Nguyên tắc vàng là các em chọn tổ hợp giao thoa giữa môn học tốt và môn xuất hiện nhiều trong các tổ hợp xét tuyển, môn giúp bạn phát triển kỹ năng nghề nghiệp sau này.
Tuyệt đối, không chọn môn “dễ để lấy điểm” nếu không phục vụ cho xét tuyển ngành mong muốn hay chọn theo bạn vì định hướng nghề nghiệp là cá nhân hóa.
“Chọn tổ hợp môn học là một quyết định chiến lược, mở đầu cho con đường nghề nghiệp dài hạn. Học sinh nên dành thời gian đầu tư nghiêm túc, tìm hiểu sâu, trao đổi với thầy cô, phụ huynh, người trong ngành… trước khi quyết định”, thầy Vũ Khắc Ngọc khuyên.
Nguồn: https://tienphong.vn/chon-to-hop-mon-hoc-cu-dat-cuoc-lon-dau-doi-cua-hoc-sinh-lop-10-post1759335.tpo
Bình luận (0)