Không chỉ đơn thuần là việc dạy chữ, mỗi lớp học còn là hành trình bền bỉ, thầm lặng để lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng vươn lên cho người dân miền núi.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đến lớp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của nhiều địa phương. Nhiều mô hình lớp học linh hoạt theo mùa vụ, lớp học buổi tối cho người lớn tuổi, phụ nữ… đã được tổ chức và phát huy hiệu quả.
Gieo chữ nơi vùng cao
Ngay sau khi được sáp nhập từ thị trấn Thông Nông và hai xã Lương Can, Đa Thông, xã Thông Nông đã xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển toàn diện.

Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không đồng đều, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng tham gia công tác giáo dục cộng đồng.
Tại các cuộc họp xóm, trường học, cán bộ xã, thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc biết chữ đối với đời sống hàng ngày: đọc đơn thuốc, tra cứu thông tin, ký các giấy tờ cần thiết, thậm chí là đơn giản như… viết tên mình. Sự kiên trì ấy đã giúp nhiều người từng e ngại, mặc cảm vì không biết chữ mạnh dạn bước vào lớp học.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – Chủ tịch UBND xã Thông Nông cho biết: “Chúng tôi xác định công tác xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Địa phương sẽ tiếp tục tổ chức điều tra, rà soát, lên kế hoạch mở thêm các lớp học phù hợp với thời gian lao động của người dân, nhất là nông dân và phụ nữ lớn tuổi”.
Điều đáng mừng là nhiều lớp học xóa mù chữ đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Không ít học viên từng rụt rè, nay đã có thể đọc, viết, làm phép toán đơn giản. Như bà Trịnh Thị Ta (sinh năm 1970, ở xóm Ngọc Sỹ, xã Thông Nông) – học viên lớp xóa mù chữ cho biết: “Tôi thấy mình đỡ khổ hơn trước, biết đọc tên thuốc, đọc thông tin trên bao bì, không phải nhờ con cháu nữa. Tôi còn biết ký tên mình nữa!”.

Ngoài Thông Nông, các xã, phường mới thành lập của tỉnh Cao Bằng cũng tích cực chuẩn bị triển khai các lớp học cộng đồng. Một số nơi còn mời người dân đã biết chữ tham gia hỗ trợ giảng dạy tại xóm, tạo mô hình học cùng nhau, học suốt đời.
Anh Triệu Mùi Phấy (sinh năm 1985, ở xóm Phia Khao, xã Thanh Long), học viên lớp xóa mù chữ tâm sự: Con chữ giúp tôi tự tin khi ra ngoài làm việc. Tôi có thể đọc các văn bản, tài liệu, giấy tờ người sử dụng lao động đưa, từ đó thương lượng để hưởng quyền lợi tốt hơn khi đi làm.
Chung tay lan tỏa ánh sáng tri thức
Tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 30.000 người mù chữ mức độ 2 và trên 3.000 người mù chữ mức độ 1 – con số vẫn còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Dù vậy, kết quả đạt được trong giai đoạn 2020–2024 cho thấy những chuyển biến tích cực nhờ sự kiên trì, sáng tạo của các địa phương.
Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho gần 2.800 người. Riêng năm 2020 có 831 người học; 2021 là 723 người; năm 2022 còn 235 người do ảnh hưởng dịch COVID-19; năm 2023 là 532 người và năm 2024 là 446 người. Trung bình mỗi năm, có trên 550 người được tiếp cận với con chữ.

Sự thành công của các lớp học không thể tách rời sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm và cả cộng đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ chăn màn, quần áo, giày dép, sách vở, dụng cụ học tập cho học viên nghèo. Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ tài chính để duy trì lớp học, hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên và người quản lý lớp.
Bà Nguyễn Ngọc Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: “Giáo dục là nền tảng cho mọi sự phát triển. Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các lớp xóa mù chữ, đồng thời tiếp tục xã hội hóa giáo dục, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, khuyến học - khuyến tài gắn với thực tiễn địa phương”.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng xóa mù chữ, đặc biệt cho nhóm người từ 15–60 tuổi thuộc vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Tỉnh phấn đấu giữ vững kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ năm 2024, đồng thời nâng chất lượng xóa mù chữ lên mức độ 2.
Cao Bằng đang từng bước biến quyết tâm xóa mù chữ thành hiện thực. Những con chữ được gieo nơi núi rừng, nơi bản làng xa xôi, không chỉ thắp sáng tương lai mỗi người dân, mà còn mở đường cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Khi ánh sáng tri thức lan tỏa, khoảng cách giữa các vùng miền dần thu hẹp và giấc mơ về một xã hội học tập không còn là điều xa vời.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cao-bang-no-luc-xoa-mu-chu-mo-duong-cho-phat-trien-ben-vung-post740589.html
Bình luận (0)