Năm học 2025 - 2026, ngành Giáo dục nhiều tỉnh, thành đã chủ động chuẩn bị tài liệu phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, linh hoạt trong bối cảnh đổi thay mạnh mẽ.
Kết nối rừng vàng và biển bạc
Từ ngày 1/7, tỉnh Đắk Lắk chính thức có bờ biển với chiều dài 189km. Sự kiện đánh dấu bước chuyển mình lớn về địa lý, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, kết nối giữa rừng vàng và biển bạc. Tuy nhiên, với ngành Giáo dục, điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cập nhật, điều chỉnh nội dung tài liệu GDĐP để theo kịp sự thay đổi của tỉnh và đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), môn học chịu tác động rõ rệt nhất từ sự thay đổi địa giới là Địa lý. Trước đây, các tỉnh Tây Nguyên không có biển, nội dung GDĐP vì thế tập trung chủ yếu vào vùng cao, rừng núi. Nay, tỉnh Đắk Lắk mới hình thành có bờ biển dài, chương trình dạy học cần phản ánh đầy đủ và kịp thời sự chuyển đổi này.
“Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quy mô dân số đã thay đổi. Tài liệu GDĐP không thể giữ nguyên như cũ. Nếu không cập nhật, học sinh sẽ thiếu thông tin, còn giáo viên không có căn cứ để giảng dạy theo đúng thực tế địa phương”, bà Hương chia sẻ và kiến nghị cơ quan quản lý giáo dục cần khẩn trương tổ chức các hội thảo chuyên môn, đánh giá tổng thể, từ đó biên soạn lại tài liệu cho năm học tới và những năm tiếp theo.


Cũng theo bà Hương, trước mắt, giáo viên có thể linh hoạt sử dụng kết hợp tài liệu GDĐP hiện có của Đắk Lắk và Phú Yên (cũ), tuy nhiên, điều này chỉ giải quyết được một phần. Bà Hương cho rằng, cần sự chỉ đạo cụ thể từ sở GD&ĐT về việc sử dụng và tích hợp nội dung, để không tạo ra sự chênh lệch giữa các trường.
Tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (Krông Pắc, Đắk Lắk), bà Lê Thị Việt - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, sử dụng song song hai bộ tài liệu GDĐP hiện nay là bất cập bởi chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu nội dung tại tỉnh mới. “Chúng tôi đề xuất cần xây dựng bộ tài liệu điện tử tổng hợp các nội dung cốt lõi, dùng chung cho toàn tỉnh trong năm học tới. Về lâu dài, cần có bộ tài liệu chính thức, thống nhất, thể hiện rõ đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập”, bà Việt cho hay.
Từng tham gia thẩm định tài liệu GDĐP, cô Nguyễn Ngọc Thúy - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhận thấy, biên soạn tài liệu mới là việc làm cần thiết nhưng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
“Sở GD&ĐT cần chỉ đạo sớm, sau đó mời tác giả, giáo viên đại diện cho các khu vực trong tỉnh ngồi lại để cùng viết nên một tài liệu vừa thống nhất, vừa phản ánh được bản sắc văn hóa, lịch sử, địa lý của tỉnh mới. Tài liệu không chỉ mang tính học thuật, mà còn cần gần gũi, khơi gợi tình yêu quê hương cho học sinh”, cô Thúy bày tỏ.

Thống nhất và linh hoạt
Theo TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện đơn vị chưa thể triển khai một bộ tài liệu GDĐP hoàn toàn mới do thời gian quá gấp gáp. Tuy nhiên, các trường có thể linh hoạt cập nhật thông tin mới dựa trên hai bộ tài liệu cũ đã được thẩm định.
“Cả hai tỉnh đều có tài liệu được triển khai hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ động cập nhật thông tin thực tế địa phương mới để đảm bảo nội dung dạy học vừa đủ, vừa phù hợp”, TS Hiệp chia sẻ.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn giáo viên cách sử dụng kết hợp các tài liệu hiện có, đồng thời tiếp nhận góp ý từ các trường để phục vụ cho việc biên soạn tài liệu chính thức trong năm học tiếp theo.
Không chỉ Đắk Lắk, nhiều địa phương khác như Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng đang chuẩn bị các điều kiện để bước vào năm học 2025 - 2026, năm học đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tỉnh Quảng Ngãi sau khi sáp nhập có 925 đơn vị, cơ sở giáo dục. Trong đó, có 339 trường mầm non; 226 trường tiểu học; 118 trường tiểu học và THCS; 171 trường THCS; 63 trường THPT; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên gần 31,5 nghìn người và gần 456 nghìn học sinh, học viên…
Ngành Giáo dục Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định tổ chức và giữ vững chất lượng dạy học trong năm học mới. Trong đó, phát triển tài liệu GDĐP được xem là một trong những bước đi chiến lược.
Chia sẻ của ông Trần Sỹ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đây là nội dung mới nên Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT cũng như UBND tỉnh trong việc điều chỉnh và phát triển tài liệu GDĐP.
“Dù vấn đề mới, nhưng những hướng dẫn và chỉ đạo sẽ thống nhất, linh hoạt để tất cả nội dung đều nằm trong định hướng chung, không bị cục bộ hay lệch chuẩn, để đảm bảo quyền lợi của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Sỹ thông tin thêm.

Giúp học sinh gắn bó với cộng đồng
Triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là cơ hội để ngành Giáo dục các địa phương chủ động hơn trong phát triển chương trình GDĐP, phù hợp với đặc trưng vùng miền, điều kiện học sinh.
Bày tỏ quan điểm, ông Trần Bảo Tú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Bắc Trà My, Đà Nẵng) đồng thời đưa ra góp ý, khi sáp nhập, một số địa điểm trong tài liệu GDĐP cũ phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế của địa phương, vì vậy cần thống nhất từ đầu, tránh lãng phí về nguồn lực.
Ví dụ trong một số địa điểm, di tích của Bắc Trà My trước đây giờ phải điều chỉnh về tên gọi địa giới mới theo sáp nhập, chúng ta nên làm ghi chú kèm theo bộ tài liệu GDĐP cũ, như vậy các em sẽ hiểu rõ ràng.
“Trong năm học đầu tiên dưới mô hình chính quyền 2 cấp, tài liệu GDĐP cũ cũng chính là cầu nối để học sinh hiểu về quê hương, gắn bó với cộng đồng, tự hào về nơi mình sống và đóng góp cho sự phát triển của địa phương trong tương lai. Chính vì vậy, điều chỉnh hợp lý, hài hòa và thống nhất sẽ tránh lãng phí, đồng thời vẫn đảm bảo tốt về chất lượng giáo dục cho học sinh, nhất là vùng núi”, ông Tú chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trà Đốc, Đà Nẵng) cho rằng, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (cũ) từng là một địa phương thống nhất, do đó tài liệu GDĐP của 2 nơi có nhiều điểm tương đồng về nội dung, văn hóa và lịch sử. Vì vậy, việc rà soát, thống nhất lại nội dung trong tài liệu là cần thiết để bảo đảm chương trình dạy học sát với thực tiễn, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp.
“Tài liệu GDĐP của Đà Nẵng và Quảng Nam nên được xây dựng theo hướng thống nhất nội dung cốt lõi, sử dụng chung trong toàn tỉnh, phản ánh đầy đủ đặc trưng văn hóa xã hội của TP sau sáp nhập, đảm bảo chất lượng, hiệu quả”, ông Tâm nêu ý kiến.
Tỉnh Đắk Lắk mới là sự kết hợp của cả cao nguyên và vùng duyên hải. Đây là điều kiện lý tưởng để tài liệu GDĐP khơi gợi nhiều hơn về văn hóa các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’Nông, đồng thời cập nhật thế mạnh mới về biển đảo, kinh tế biển. Tuy nhiên, để tài liệu thật sự đến tay giáo viên và học sinh kịp năm học mới, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và các sở, ngành liên quan.
“Từng tham gia thẩm định tài liệu GDĐP cho tỉnh Đắk Lắk cũ, tôi hiểu rõ giá trị của tài liệu này không chỉ nằm ở tri thức, mà còn là sự kết nối giữa học sinh với quê hương.
Đắk Lắk sau sáp nhập có sự đa dạng vượt trội, từ rừng núi đến biển cả, từ người Ê Đê, M’Nông đến người Kinh, người Chăm... Tài liệu GDĐP mới cần thể hiện được sự hòa quyện đó, để giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về vùng đất mà các em đang sống, học tập, lớn lên...
Vì vậy, không được cắt dán cơ học hai bộ tài liệu cũ. Phải nghiên cứu, phản biện khoa học và viết lại chuẩn chỉ, từ ngôn ngữ đến cấu trúc nội dung”, Cô Nguyễn Ngọc Thúy - Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Lắk) nhấn mạnh.
Để xây dựng lại tài liệu GDĐP cần có thời gian và lộ trình. Trước mắt, sở GD&ĐT cần phát huy trách nhiệm của đội ngũ từng tham gia biên soạn tài liệu GDĐP của tỉnh cũ. Thầy cô có nhiệm vụ trao đổi, rà soát, giúp sở thống nhất nội dung trọng tâm để tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, cần thẩm định khoa học để nội dung đưa vào phù hợp với thực tế, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương mới đầy tiềm năng và đậm bản sắc văn hóa.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-thay-doi-de-bat-kip-vi-the-dat-nuoc-post740525.html
Bình luận (0)