Ông Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại về tình hình hoạt động của ngành và những định hướng phát triển giáo dục địa phương sau sáp nhập.
Quy mô trường lớp tăng cao
PV: Xin ông đánh giá tổng quan về sự thay đổi của ngành giáo dục Cà Mau sau sáp nhập?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau (mới) được thành lập theo Nghị quyết số 12 ngày 1/7/2025 của HĐND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu và Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau (cũ). Cơ quan đặt tại số 1, đường Bà Triệu, phường Tân Thành, Cà Mau. Cơ cấu tổ chức gồm: Ban Giám đốc (1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc) và 6 phòng chuyên môn, với tổng số 67 cán bộ.
Sau khi hợp nhất 2 tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau có 751 trường công lập, trong đó, cấp Mầm non có 210 trường, cấp Tiểu học có 314 trường, cấp THCS có 174 trường (có 12 trường 2 cấp học), cấp THPT có 53 trường (có 16 trường có 2 cấp học).
Ngoài ra tỉnh có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên; 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng Nghiệp; 6 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp; 2 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 1 trường Đại học, 6 trường Cao đẳng công lập; 1 Phân hiệu trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau.
Số trường ngoài công lập có 26 trường (Mầm non 21 trường; Tiểu học 4 trường; THPT 1 trường).
Toàn ngành có gần 23.590 cán bộ, giáo viên, gần 404.600 học sinh (năm học 2024–2025). Tính đến 30/6/2025, có 627/751 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 83,49%).

PV: Sau sáp nhập, ngành GD&ĐT địa phương có gặp những khó khăn, trở ngại nào không? Đối với những điểm trường trùng tên gọi, trường còn gắn tên xã, huyện, tỉnh cũ, ngành có dự định thay đổi phù hợp không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Sau sáp nhập, số lượng cơ sở giáo dục, đặc biệt ở bậc Mầm non, Tiểu học, tăng nhanh, trong khi địa bàn quản lý rộng và không còn cấp trung gian (Phòng GD&ĐT), nên Sở sẽ trực tiếp chỉ đạo chuyên môn các trường. Một số cán bộ xã, phường mới phụ trách giáo dục không xuất thân từ ngành, dẫn đến khó khăn bước đầu.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản chuyên môn giữa hai đơn vị cũ còn khác biệt, cần được rà soát, thay thế cho phù hợp. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế; việc mua sắm thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 còn chưa kịp thời.
Liên quan đến việc đổi tên trường, Bộ GD&ĐT (Công văn 1581) không yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều trường hiện mang tên các đơn vị hành chính cấp huyện/phường cũ, nên sau sáp nhập, việc đổi tên cho phù hợp thực tế sẽ do địa phương xem xét, quyết định.
Khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới

PV: Sau sáp nhập, công tác đầu tư, sửa chữa trường lớp, tập huấn cán bộ, giáo viên chuẩn bị cho năm học mới được ngành triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nguyên: Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục đã đề xuất sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho 22 trường với kinh phí 41 tỷ đồng, các dự án đang triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào phục vụ năm học 2025 – 2026.
Hiện ngành tiếp tục tham mưu cho cơ quan chức năng sửa chữa thêm 10 trường với kinh phí 14,6 tỷ đồng; rà soát, hoàn thiện Đề án tổ chức dạy 2 buổi/ngày, bán trú cho bậc Mầm non và Tiểu học.
Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1209 của UBND tỉnh ngày 23/6/2025 Về việc phê duyệt Đề án xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2027.
Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục Cà Mau đã đánh giá thực trạng và xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non; tổ chức bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ cho giáo viên và cán bộ quản lý, sẵn sàng cho năm học mới 2025 - 2026.

Ngoài ra, ngành cũng khẩn trương hoàn thành và công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực giáo dục ở các địa phương về quy trình, cách thức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp để triển khai tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng hợp cơ sở vật chất, nhu cầu kinh phí phục vụ xây dựng Đề án dạy 2 buổi/ngày; rà soát lại tài liệu giáo dục địa phương đã triển khai để có sự chỉnh sửa cho phù hợp tình hình thực tế…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ca-mau-quyet-tam-nang-cao-chat-luong-giao-duc-sau-sap-nhap-post739173.html
Bình luận (0)