Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch mùa thấp điểm
Thời gian qua, phát triển du lịch Ninh Bình góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực của địa phương. Hình ảnh và thương hiệu du lịch “Ninh Bình-Tuyệt sắc miền Cố đô” được quảng bá sâu rộng đến thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Ninh Bình trở thành điểm đến của những sự kiện văn hoá, du lịch, lễ hội, âm nhạc, qua đó thu hút đông đảo du khách thập phương, giới chuyên gia, các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác.
Tuy nhiên, ngành Du lịch Ninh Bình cũng không tránh khỏi yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch. Để kích cầu du lịch mùa thấp điểm, ngành Du lịch Ninh Bình đã tập trung phát huy các giá trị tài nguyên địa phương, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô cấp tỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.
Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch tới các thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh độ phủ sóng du lịch trên nền tảng số Youtube, Tiktok. Xây dựng kênh Youtube quảng bá ẩm thực, du lịch Ninh Bình, các bản tin quảng bá du lịch…
Ngành chú trọng tạo chính sách hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch trải nghiệm, du lịch đêm, cụ thể hóa các sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch để cung cấp cho du khách theo đúng định hướng phát triển ngành Du lịch công nghiệp văn hóa. Tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế nhằm tiếp xúc, gắn kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cá thể tham gia dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, đồng bộ hóa cơ sở du lịch, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thành công Tuần Du lịch Ninh Bình hàng năm nhằm xây dựng một sản phẩm du lịch thường niên, độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch trong mùa thấp điểm đến với Ninh Bình, gia tăng doanh thu và từng bước xây dựng thương hiệu “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”.
Ngành Du lịch Ninh Bình tập trung phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao. Bởi vậy, việc quảng bá hình ảnh điểm đến, kích cầu du lịch nội địa vào các mùa trong năm, nhất là mùa thấp điểm đang được ngành Du lịch tích cực triển khai thực hiện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng lượng khách, thu hút nhiều hơn khách đến Ninh Bình.
Nguyễn Văn Trọng
(Phó Giám đốc Sở Du lịch)
Cần quy hoạch bài bản và đầu tư có chiều sâu cho các khu du lịch ven biển
Việc tỉnh Ninh Bình mới hình thành, không chỉ mở rộng không gian hành chính mà còn mở ra một chân trời mới cho du lịch. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt chính là gần 100 km đường bờ biển trải dài từ cửa Đáy đến cửa Ba Lạt. Đây là lợi thế hiếm có, giúp Ninh Bình từ một địa phương “không có biển” nay trở thành tỉnh ven biển có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng, thể thao dưới nước và du lịch cộng đồng gắn với ngư nghiệp.
Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của chính quyền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch trong Hiệp hội đã và đang chủ động vào cuộc, đi trước một bước trong việc khảo sát, đề xuất và đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch biển gắn với nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái và văn hóa ngư dân. Một số doanh nghiệp lớn đã phối hợp với các địa phương vùng ven biển như Kim Sơn, Giao Thủy (cũ) để đề xuất mô hình du lịch cộng sinh, kết hợp giữa du lịch và bảo tồn thiên nhiên vùng cửa biển, rừng ngập mặn. Một số khác đang bắt tay với chuyên gia quốc tế để xây dựng các sản phẩm tour trọn gói kéo dài 2-3 ngày theo trục “biển-đồng bằng-di sản” giúp du khách trải nghiệm cả biển Quất Lâm, vùng sinh thái Vân Long và di sản Tràng An trong một hành trình.
Tôi cho rằng đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm, không chỉ là người hưởng lợi từ tài nguyên mà là chủ thể đồng kiến tạo giá trị, chủ động chia sẻ cùng chính quyền trong quy hoạch, bảo vệ cảnh quan, đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh Ninh Bình mới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cần nhanh chóng có quy hoạch bài bản và đầu tư có chiều sâu cho các khu du lịch ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm (cũ), gắn với bảo tồn sinh thái và văn hóa bản địa. Cùng với đó, cần có các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, cảng du lịch biển, tuyến đường ven biển liên hoàn nối các điểm đến. Tôi tin rằng, nếu biết tận dụng cơ hội này một cách thông minh và bền vững, du lịch Ninh Bình không chỉ thoát khỏi “vòng lặp thấp điểm” mà còn từng bước khẳng định vai trò là thành trung tâm du lịch quốc gia.
Hoàng Bình Minh
(Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình)
Triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách mùa thấp điểm
Mùa hè, du khách có xu hướng đi du lịch biển, các địa điểm nghỉ dưỡng, ít lựa chọn tới đình, chùa, các khu du lịch tâm linh. Trước thực tế đó, chúng tôi đã nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để thu hút du khách, hạn chế thấp nhất việc giảm doanh thu. Trước hết, đơn vị đã thực hiện đa dạng hoá hệ thống sản phẩm của khu du lịch bằng cách kết hợp các dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận chuyển thành những combo mang tính chất trải nghiệm có chủ đề để tối ưu hoá chi phí cho khách du lịch khi lựa chọn chương trình tham quan.
Cùng với đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm trải nghiệm hè và thu đông để khai thác dòng khách trải nghiệm học tập từ đối tượng học sinh các cấp; kết hợp việc du lịch tâm linh với các hoạt động chữa lành như: thiền chuông, thiền trà, yoga để thu hút các đối tượng khách đặc biệt có khả năng chi trả cao...
Trần Thanh Sáng
(Giám đốc Kinh doanh Khu du lịch Tam Chúc)
Khai thác tiềm năng Vườn Quốc gia Xuân Thủy để phát triển du lịch sinh thái hiệu quả, bền vững
Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy là vùng đất ngập nước Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á, có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học, nhất là các loài chim di cư, đang hoàn thành hồ sơ để được công nhận Vườn Di sản ASEAN. Do đó, việc khai thác du lịch phải luôn đặt mục tiêu bảo tồn lên hàng đầu, tránh mọi hoạt động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động, thực vật. Hiện nay, tại VQG Xuân Thủy có thể tập trung khai thác các loại hình du lịch sinh thái như: Quan sát các loài chim, khám phá rừng ngập mặn, tìm hiểu văn hóa bản địa và các hoạt động giáo dục môi trường khác.
Bên cạnh du lịch sinh thái, có thể phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các vùng đệm của vườn, giúp người dân nâng cao thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, đặc sản ẩm thực của địa phương như nem nắm Giao Thủy, nem chạo Giao Xuân, nước mắm Sa Châu, mắm cáy Hoành Nha, nộm sứa và các sản phẩm thủ công truyền thống...
Tuy vậy, việc phát triển khai thác các dịch vụ du lịch tại VQG Xuân Thủy phải luôn gắn liền với bảo tồn nghiêm ngặt, khai thác bền vững và tận dụng hiệu quả lợi thế liên kết vùng để tạo nên một điểm đến du lịch sinh thái độc đáo và có giá trị cao trong khu vực mới. Để làm được này, chúng tôi mong muốn tỉnh, các sở, ngành và địa phương liên quan quan tâm thực hiện đề án chi tiết vùng du lịch sinh thái, phân vùng chức năng rõ ràng của VQG thành các khu vực chức năng riêng biệt: khu bảo tồn nghiêm ngặt (kết hợp hài hòa giữa tuyến-đường mòn kiểm tra, trạm kiểm soát tài nguyên đề phục vụ du lịch sinh thái), khu phục hồi sinh thái, khu dịch vụ du lịch (có kiểm soát) và vùng đệm (phát triển du lịch cộng đồng).
Xác định các tuyến, điểm du lịch cụ thể để cho phép phát triển du lịch ít tác động đến hệ sinh thái nhạy cảm. Chú trọng tạo điều kiện về nguồn lực để xây dựng hạ tầng theo hướng thân thiện với môi trường, vật liệu tự nhiên, kiến trúc hài hòa với cảnh quan. Khuyến khích phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các sản phẩm du lịch cộng đồng tại vùng đệm, giảm áp lực lên vùng lõi của vườn. Lồng ghép đề án du lịch vào quy hoạch tổng thể VQG nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch phù hợp với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của vườn.
Doãn Cao Cường
(Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy)
Tỉnh cần sớm tái định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình
Sau khi sáp nhập ba tỉnh thành một thực thể hành chính mới, Ninh Bình không chỉ có lợi thế về diện tích và hệ sinh thái du lịch đa dạng, mà quan trọng hơn là cơ hội định vị lại thương hiệu du lịch một cách chiến lược. Trước đây, Ninh Bình được biết đến nhiều với Tràng An, Tam Cốc hay chùa Bái Đính, những điểm đến đặc sắc nhưng vẫn mang tính đơn lẻ. Giờ đây, khi cả quần thể di tích Đền Trần-Tam Chúc-Tràng An-Bái Đính được kết nối trong một không gian hành chính liền mạch, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tuyến du lịch văn hóa, tâm linh xuyên vùng, độc đáo bậc nhất ở Đông Nam Á.
Muốn làm được điều đó, tỉnh cần sớm tái định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình không chỉ là nơi “non nước hữu tình” mà phải trở thành một ‘‘điểm đến văn hóa, di sản của châu Á”. Chúng ta phải đầu tư mạnh hơn vào hạ tầng đón khách quốc tế, cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú, đa dạng hóa trải nghiệm gắn với giá trị bản địa, đồng thời nâng cấp công tác xúc tiến, truyền thông ra thị trường quốc tế một cách bài bản và dài hạn. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch như chúng tôi sẵn sàng đồng hành, từ nâng cao chất lượng dịch vụ đến tham gia vào liên kết tour, liên kết điểm đến, quảng bá chung thương hiệu Ninh Bình mới.
Với không gian rộng mở hơn và tầm nhìn mới, tôi tin Ninh Bình có đầy đủ điều kiện để vươn lên trở thành một trong những trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, nơi du khách không chỉ ghé thăm mà muốn quay lại, khám phá sâu hơn, trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Tống Anh Đệ
(Giám đốc Khách sạn Ninh Bình Legend)
Phát triển tour du lịch trải nghiệm - hướng đi tiềm năng
Trên cả ba địa bàn cũ của tỉnh đều có nhiều lợi thế nổi bật để phát triển loại hình du lịch kết hợp văn hóa-tâm linh-làng nghề. Trong đó, Nam Định (cũ) được biết đến là vùng đất đạo Công giáo du nhập vào sớm nhất ở Việt Nam, nên tập trung một số lượng quần thể nhà thờ Công giáo lớn bậc nhất cả nước, với hàng trăm nhà thờ cổ có giá trị kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra còn có những làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống với bề dày văn hóa nghề như làng ươm tơ Cổ Chất, làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh... tạo thành những điểm kết nối văn hóa rất hấp dẫn.
Tại địa bàn Hà Nam cũ, hệ thống các nhà thờ lớn như Nhà thờ Phủ Lý, cùng các làng nghề nổi tiếng như làng trống Đọi Tam, làng thêu Thanh Hà, làng gốm Quyết Thành..., là những “điểm đến” tham quan, trải nghiệm có chiều sâu văn hóa, thích hợp để phát triển tour theo chủ đề “Một ngày sống với ký ức làng quê”.
Khu vực Ninh Bình (cũ) ngoài “vốn liếng” giàu có về cảnh quan sinh thái, danh thắng thiên nhiên cũng có những công trình tôn giáo đặc sắc như Nhà thờ đá Phát Diệm-một kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa, tinh tế lối kiến trúc nhà thờ phương Tây với kiến trúc đình chùa truyền thống phương Đông. Gắn kết điểm đến này với các làng nghề như làng chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng cói Kim Sơn, làng mộc Phúc Lộc… sẽ tạo thêm giá trị trải nghiệm sâu sắc, nhất là với du khách quốc tế yêu thích sự giao thoa văn hóa.
Nếu được đầu tư đúng hướng, sẽ có thể hình thành tour du lịch “Hành trình qua những thánh đường-Ký ức làng nghề vùng Đồng bằng Sông Hồng”-là sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn riêng của tỉnh. Đây cũng là cơ hội góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Ninh Bình trong tương lai.
Nguyễn Hải Triều
(Hướng dẫn viên du lịch của Ecohost Hải Hậu)
Mong muốn có nhiều ưu đãi cho các điểm du lịch mùa thấp điểm
Mùa hè, du khách thường chọn các điểm du lịch biển như: Hạ Long, Phú Quốc, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, hoặc đến các vùng khí hậu mát mẻ như Đà Lạt… Nhưng cũng có một số gia đình, trong đó có gia đình tôi thích chọn đi du lịch “trái mùa”, đến các điểm đình, chùa, khu du lịch tâm linh nổi tiếng. Bởi, vào đầu năm, những địa điểm này thường quá đông, du khách phải chịu cảnh chen chúc, vừa mệt mỏi, lại không ngắm được quang cảnh... nhưng vào mùa hè, đến các điểm này thưa khách, cây cối xanh mát, quang cảnh tĩnh mịch, du khách có thể thoải mái chiêm bái và thư giãn. Ngoài ra, một số công ty lữ hành mùa này cũng có nhiều ưu đãi với các tua, tuyến đến các khu, điểm du lịch tâm linh; các điểm du lịch giảm giá vé, dịch vụ... cũng giúp thu hút du khách, kích cầu du lịch.
Tôi và nhiều người mong muốn các công ty lữ hành du lịch, ban quản lý các khu du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh trong thời gian thấp điểm có nhiều hơn nữa các ưu đãi, chương trình giảm giá hấp dẫn; đổi mới công tác quản lý và tổ chức du lịch; có biện pháp ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực gây ảnh hưởng tới hình ảnh, giá trị của các khu du lịch... Làm được điều đó, chắc chắn lượng khách du lịch đến các điểm tham quan này sẽ ngày càng tăng.
Nguyễn Quý Huy
(Người dân phường Duy Tân)
Hi vọng du lịch có bước phát triển mới khi kết nối các vùng
Tôi là Nguyễn Thị Liên, sống ở khu vực Nhà thờ đổ Hải Lý, thị trấn Cồn (cũ). Trước đây, tôi làm nghề muối-là nghề cha truyền con nối của vùng biển này. Nhưng hơn chục năm nay, khi Nhà thờ đổ Hải Lý được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một chứng tích của biến đổi khí hậu và tìm về tham quan, nghiên cứu, nhiều người dân quanh đây cũng chuyển nghề làm dịch vụ: mở quán bán hải sản, nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách, làm hướng dẫn du lịch... và thu nhập khá hơn nghề cũ. Vì vậy tôi cũng mạnh dạn chuyển sang kinh doanh tạp hóa, thức ăn nhanh phục vụ khách tham quan để tăng thu nhập.
Khi sáp nhập ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình, tôi mong muốn đây là cơ hội để du lịch địa phương phát triển bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Tôi từng có dịp đi du lịch ở Tràng An, Tam Cốc của Ninh Bình cũ; chùa Tam Chúc ở Hà Nam; hàng năm tôi đều đi lễ hội Phủ Dầy, Đền Trần của Nam Định-tất cả những điểm đó chỉ cách nhau vài chục cây số. Thời gian đi mỗi điểm khá ngắn, khách cũng ít chi tiêu, như vậy nguồn thu từ dịch vụ du lịch cũng không nhiều. Giờ đây, khi ba tỉnh hợp nhất là một, tôi mong ngành du lịch tỉnh Ninh Bình mới sẽ xây dựng được những tour du lịch kết nối các điểm ven biển Hải Hậu-Kim Sơn-Giao Thủy với các tour tâm linh, sinh thái ở vùng núi đá vôi.
Là người dân, tôi mong du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cảnh quan như chúng tôi. Việc lớn đã thành công bước đầu, người dân chúng tôi tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tin rằng tỉnh Ninh Bình sẽ vươn mình trở thành điểm sáng của du lịch khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Nguyễn Thị Liên
(Người dân xã Hải Tiến)
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/y-kien-ve-phat-trien-du-lich-ninh-binh-210279.htm
Bình luận (0)