Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam:

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, câu chuyện về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng bàn...

Hà Nội MớiHà Nội Mới20/07/2025

Dường như, chúng ta còn thờ ơ với việc nâng tầm giá trị hạt gạo hay chưa tìm được hướng đi tốt nhất cho mặt hàng xuất khẩu tỷ đô này?

gao-1.jpg
Gạo ST25 là một trong 6 loại gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Thực trạng đáng lo ngại

Đóng vai trò chiến lược trong nền kinh tế quốc dân, song ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, dù xuất khẩu đạt 4,9 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị lại giảm 12,2%, còn 2,54 tỷ USD; giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 18,4%, còn 517,5 USD/tấn. Điều này cho thấy thực trạng đáng lo ngại: Chúng ta bán được nhiều gạo hơn nhưng lại thu về ít tiền hơn, phụ thuộc vào xuất khẩu gạo thô, giá trị gia tăng thấp, thiếu vắng thương hiệu mạnh... Đơn cử, Philippines vẫn là thị trường lớn, chiếm 43,4% thị phần nhưng giá trị xuất khẩu sang quốc gia này lại giảm 17,4%. Đáng lo ngại, mục tiêu xuất khẩu cả năm 2025 là 5,7 tỷ USD đang trở nên xa vời, dự kiến chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD... do áp lực cạnh tranh gay gắt phần lớn từ Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu...

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này còn từ thách thức và hạn chế tồn tại nhiều năm qua. Dù “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được phê duyệt từ năm 2015 nhưng việc triển khai vẫn rời rạc. Thêm vào đó, sản xuất còn manh mún khiến chất lượng gạo khó kiểm soát. Việc lạm dụng hóa chất trong canh tác cũng là rào cản lớn.

So với các đối thủ mạnh như Thái Lan với gạo Hom Mali hay Ấn Độ với gạo Basmati thì thương hiệu gạo Việt Nam rất mờ nhạt. Trừ thành công của ST25, rất ít thương hiệu gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến. Hệ lụy là gạo Việt thường phải cạnh tranh bằng giá, chấp nhận sử dụng thương hiệu nước nhập khẩu để đến với người tiêu dùng, làm giảm lợi nhuận và vị thế của ngành. Cùng với đó, vấn đề bảo hộ thương hiệu và hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính, làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Thanh Tùng cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo phải từ doanh nghiệp, không đi từ quốc gia; xây dựng thương hiệu gạo từ quốc gia dễ thất bại. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ làm hẹp sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Gạo cũng giống các mặt hàng khác, đánh giá thương hiệu từ mức độ an toàn, độ đồng đều, thời gian, giá cả phù hợp, cách tiếp cận chuỗi thị trường…

Con đường nâng tầm hạt gạo Việt

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu, Chính phủ và các doanh nghiệp đã có những nỗ lực bước đầu được ghi nhận. Thành công vang dội của gạo ST25 với hai lần đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng to lớn của gạo Việt Nam khi được đầu tư đúng mức. Đây không chỉ là câu chuyện của một giống gạo, mà còn là niềm tự hào, tạo động lực và kinh nghiệm quý cho toàn ngành. Tuy nhiên, dù được công nhận là gạo ngon nhất thế giới nhưng ST25 chỉ là số rất ít trong hàng triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Để nâng tầm giá trị hạt gạo Việt một cách bền vững, cần có chiến lược tổng thể và sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân. Theo Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, những quốc gia xây dựng thương hiệu gạo thành công, như: Ấn Độ, Thái Lan..., đều tập trung cho một giống, có tiêu chuẩn độ thuần. Dù thế nào, Việt Nam cũng phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó, chất lượng, độ thơm của gạo là các tiêu chí quyết định. Trước hết, cần hoàn thiện, triển khai hiệu quả chiến lược thương hiệu gạo quốc gia dài hạn với chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình liên kết chuỗi giá trị, hình thành các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, VietGAP để bảo đảm chất lượng đồng đều và truy xuất nguồn gốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Thanh Nam, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một trong những giải pháp để xây dựng thương hiệu gạo Việt. Việc đầu tư nghiên cứu phát triển giống, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu cũng là yêu cầu cấp thiết để đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị; hoạt động quảng bá thương hiệu cũng cần được đầu tư bài bản, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam gắn liền với chất lượng. Mặt khác, cần tận dụng thành công của ST25 để quảng bá cho ngành gạo, xây dựng những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn... Song hành, công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần được tăng cường; chủ động đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường quốc tế; xử lý nghiêm hành vi làm giả, làm nhái để bảo vệ uy tín sản phẩm và quyền lợi của doanh nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải triệt tiêu sự thờ ơ và hành động quyết liệt hơn để dần khẳng định vị thế gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/xay-dung-thuong-hieu-gao-viet-nam-con-tho-o-709778.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm