Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ví như tuyến “cao tốc” mở đường cho khu vực kinh tế này bứt phá.

Hà Nội MớiHà Nội Mới28/07/2025

Trước thời cơ mới, các chuyên gia đã cùng nhìn nhận thực trạng của khu vực kinh tế này đồng thời kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo bệ phóng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ:
Cần chính sách mới, tư duy mới

yk-tran-dinh-thien.jpg

Chúng ta đã từng quá dè dặt với kinh tế tư nhân. Phải mất 40 năm kể từ công cuộc Đổi mới, khu vực này mới được chính thức thừa nhận là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Trên thực tế, đã có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân như Nghị quyết số 09-NQ/TW (năm 2011) và Nghị quyết số 10-NQ/TW (năm 2017). Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng như tín dụng, đất đai, tài nguyên và đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và tài chính.

Nhìn chung, kinh tế tư nhân vẫn đang hoạt động trong một môi trường chưa thực sự bình đẳng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Điều doanh nghiệp tư nhân mong muốn không phải là ưu đãi hay đặc quyền, mà là sự đối xử công bằng trong tiếp cận chính sách và thị trường. Do đó, một trong những đột phá được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng từ Nghị quyết số 68-NQ/TW là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường, đồng thời bảo đảm một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ thực thi và chi phí thấp.

Để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, cần một hệ thống chính sách mới, một tư duy mới: Tái cấu trúc nền tảng thể chế, dỡ bỏ rào cản cũ, khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng phải chuyển mình nếu muốn cạnh tranh ở quy mô khu vực và toàn cầu. Việc thiết kế một hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới là cần thiết, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng một môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch.

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài:
Doanh nghiệp tư nhân rất linh hoạt và sáng tạo

yk-nguyen-mai.jpg

Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí kinh doanh cao, thiếu khả năng tiếp cận đất đai và vốn. Tuy vậy, khu vực này lại cho thấy khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và giàu tính sáng tạo.

Để kinh tế tư nhân phát triển thực chất và bền vững, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách phát triển khu vực này. Trọng tâm là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, ổn định, tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong việc giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group:
Tạo hành lang thể chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá

yk-nguyen-kim-hung-1.jpg

Sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như luồng gió mới, mang theo kỳ vọng về một bước đột phá thể chế. Với nền tảng đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, cải thiện chất lượng sản phẩm - dịch vụ, đồng thời mang đến mức giá phù hợp hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ban hành thể chế, tôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền nội dung của Nghị quyết, mà cần phổ biến rộng rãi các mô hình, kinh nghiệm thành công từ thực tiễn doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ con đường gia nhập “cao tốc” kinh tế tư nhân cần đi như thế nào.

Ngoài Nghị quyết số 68-NQ/TW, có thể cân nhắc ban hành thêm một nghị quyết chuyên đề hoặc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Nếu đã mở “cao tốc” thì cần tạo điều kiện cho số đông doanh nghiệp cùng tham gia, không chỉ dành cho các tập đoàn lớn mà còn phải bao trùm cả cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm họ được bảo vệ, được khích lệ và tiếp sức để phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần sớm cụ thể hóa bằng chính sách, thể chế phù hợp nhằm chuyển đổi khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay sang mô hình doanh nghiệp có tổ chức, có năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Giảm bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện

yk-nguyen-van-phuc.jpg

Nghị quyết số 68-NQ/TW đã tạo ra cú hích, động lực và niềm cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua việc nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đề xuất đầu tư vào các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Cách đây hàng chục năm, tôi cũng đã từng tham gia xây dựng các đạo luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013, chúng tôi đã mạnh dạn kiến nghị đưa vào Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Quan điểm của Đảng về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đã được đề cập từ lâu. Việc có hình sự hóa hay không phụ thuộc vào quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, quan hệ vay mượn, chậm trả nợ là các giao dịch dân sự - kinh tế và đã được pháp luật điều chỉnh rõ ràng. Chỉ khi hành vi vượt ra khỏi bản chất dân sự, vi phạm các quy định pháp luật thì mới bị xử lý hình sự.

Theo tôi, cần nghiên cứu để loại bỏ một số tội danh trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, để hạn chế nguy cơ hình sự hóa, cần giảm bớt số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi chỉ cần bãi bỏ một ngành nghề kinh doanh có điều kiện là có thể giảm được đáng kể các loại giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/xay-dung-moi-truong-canh-tranh-cong-bang-minh-bach-710610.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm