Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vượt lên nỗi đau, tỏa sáng ý chí người thương binh

Trở về sau chiến tranh với cơ thể không còn lành lặn, sức khỏe giảm nhưng ý chí và tinh thần cống hiến của những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên. Họ nỗ lực trong cuộc sống, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”.

Báo Long AnBáo Long An27/07/2025

1. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng (cha là liệt sĩ Võ Văn Bông), anh em ông Võ Văn Xuân (sinh năm 1944, ngụ xã Vĩnh Công, tỉnh Long An, nay là tỉnh Tây Ninh) sớm giác ngộ lý tưởng. Gia đình có 5 anh em trai thì có 3 người tham gia cách mạng.

“Năm 1962, tôi tham gia hoạt động du kích ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Sau đó, tôi lên điện quân rồi chuyển qua phá đặc công. Cuối cùng, tôi được phân công tham gia Tiểu đoàn 1 Long An đến ngày giải phóng” - ông Xuân nhớ lại.

Ở tuổi 81, ông Võ Văn Xuân vẫn nuôi cá để cung cấp thực phẩm cho bữa cơm gia đình

Theo lời kể của ông Xuân, thời chiến tranh hiểm nguy, thiếu thốn trăm bề, sự sống mong manh nhưng mọi người vẫn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giờ đây, ở tuổi 81, trí nhớ có phần giảm nhưng ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của người thương binh hạng 3/4 này.

Ông Xuân cho biết: “Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Long An nhưng năm 1975, tôi được tham gia trận đánh vào Tổng đài quận 4 Sài Gòn, một phần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong quá trình di chuyển về Sài Gòn, chúng tôi đánh và dọn đường cho quân chủ lực. Sau khi tấn công và chiếm được Tổng đài quận 4, cắt đứt liên lạc của địch, chúng tôi cảm nhận hòa bình đang đến rất gần. Đất nước thống nhất, tôi trở về quê. Cả xóm có 36 người đi theo tiếng gọi non sông nhưng chỉ còn một mình tôi trở về. Đau xót lắm!”.

Trở về chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu. Năm 1979, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về nhưng sức khỏe đã giảm nhiều.

Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương thời chiến, những mảnh kim khí ở cổ lại làm ông đau nhức. Dù vậy, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và nhiều nhiệm kỳ làm Trưởng ấp 5 đến năm 2018 thì nghỉ hẳn vì lý do sức khỏe. Nhiều năm nay, ông Xuân nuôi bò, cá để phát triển kinh tế gia đình.

2. 73 tuổi đời, ông Phạm Xuân Dục (quê tỉnh Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên), hiện ngụ xã Phước Vinh, có 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động xã hội ở địa phương. Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi non sông, ông lên đường nhập ngũ và hành quân vào miền Nam.

Năm 1971, ông có mặt tại chiến trường Kon Tum.  5 năm cùng đồng đội vào sinh ra tử, thường xuyên hứng chịu những trận “mưa hóa chất” do địch rải xuống nhưng ông vẫn kiên trung, quyết chiến đấu để giành độc lập cho quê hương, Tổ quốc.

Thương binh Phạm Xuân Dục (thứ 2, từ trái sang) kể lại những năm tháng chiến tranh cùng đồng đội

Tháng 11/1976, ông xuất ngũ, chọn mảnh đất Tây Ninh lập nghiệp. Được lãnh đạo xã Phước Vinh vận động, ông tình nguyện tham gia công tác ở địa phương. Năm 1977, ông tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam.

Từ năm 1984 đến khi về hưu năm 2010, ông Dục đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, công việc khác nhau: Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã kiêm Bí thư Chi bộ ấp 1, Chi bộ ấp Phước Hòa;...

Ông Dục nói: "Làm việc chủ yếu vì trách nhiệm, vì Nhân dân. Còn để có thu nhập lo cho gia đình, tôi khai hoang, vỡ đất để làm nông".

Người thương binh hạng 4/4, bị nhiễm chất độc hóa học 68% ấy ngoài giờ làm việc ở xã, vẫn ruộng sớm đồng trưa để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Khi con trai thứ 3 chào đời, bị di chứng do chất độc hóa học đioxin, phát triển không bình thường, ông vô cùng đau xót.

Bản lĩnh người lính Cụ Hồ không cho phép ông gục ngã, càng khó khăn phải càng cố gắng vươn lên. Ruộng đất của ông lúc nào cũng phủ màu xanh khi là cây mì, đậu xanh ngắn ngày, lúc lại chuyển sang mía, điều. Từ những công đất đầu tiên, ông và vợ dành dụm, chắt chiu để hôm nay có khoảng 7ha đất.

Một đời vất vả nhưng ông Dục chưa bao giờ quên đồng đội năm xưa. Ông  tìm về chiến trường xưa, liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum trước đây, mong được tìm thấy tên của đồng đội trong nghĩa trang, được thắp cho đồng đội nén hương tưởng nhớ. Nhưng mọi thông tin vẫn còn mờ mịt.

“Từ năm 1990 đến nay, tôi được hưởng trợ cấp xã hội dành cho thương binh và người bị nhiễm chất độc hóa học. Con trai của tôi cũng được hưởng trợ cấp. Mỗi tháng, 2 cha con nhận trợ cấp khoảng 10 triệu đồng. Con trai út hiện công tác tại một đồn biên phòng. Tôi thấy như vậy là may mắn và hạnh phúc lắm rồi! Bởi sau chiến tranh,  nhiều đồng đội của tôi đã ngã  xuống và đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy" - ông Dục bùi ngùi chia sẻ.

Trở về với cơ thể không lành lặn sau chiến tranh nhưng vượt lên nỗi đau, ông Võ Văn Xuân, ông Phạm Văn Dục vẫn tỏa sáng ý chí của người thương binh./.

Ngọc Diêu - Thanh Dung

Nguồn: https://baolongan.vn/vuot-len-noi-dau-toa-sang-y-chi-nguoi-thuong-binh-a199443.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm