Tham tán Công Phạm Quang Huy (đứng giữa) cùng đại diện của Quỹ St. Gallen. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Tham tán Công sứ Phạm Quang Huy - Phó Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva - mới đây đã có buổi làm việc với đại diện của Quỹ St. Gallen và tham dự hội thảo về “Mức độ rủi ro và phản ứng thương mại của các nước đối với việc thuế quan gia tăng.”

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện phái đoàn các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với các diễn giả, điều phối viên là các chuyên gia hàng đầu về chính sách thương mại quốc tế, trong đó có ông Simon Evenett - Nhà sáng lập Quỹ St. Gallen và Giáo sư Richard Baldwin (IMD) - chuyên gia về kinh tế toàn cầu.

Sự kiện cũng có sự tham dự của các giáo sư, chuyên gia đến từ trường Thương mại HEC Montreal (Canada), Đại học Geneva (Thụy Sĩ), Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), công ty Trade Data Monitor.

Hội thảo cung cấp các thông tin và dữ liệu thực tế giúp các thành viên WTO đánh giá rủi ro đối với hàng hóa xuất khẩu của nước mình trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới; nắm rõ các yếu tố giúp các công ty và các nước phục hồi do việc bất ngờ mất thị trường xuất khẩu và đánh giá tác động của việc gia tăng thuế quan đối với thương mại.

Bên lề hội thảo, Phái đoàn Việt Nam cũng đã tiếp xúc với các diễn giả để tìm hiểu thêm thông tin, trong đó có trao đổi với Giáo sư Baldwin về cuốn sách mới đây của ông có tên “The Great Trade Hack” (tạm dịch là “Cuộc tấn công thương mại lớn”), tập trung phân tích về chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ.

Ngoài ra, phái đoàn cũng đã có buổi làm việc với Giáo sư Simon Evenett để đề xuất tăng cường các hoạt động phối hợp giữa hai bên.

Được thành lập năm 2020, Quỹ St. Gallen là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên cung cấp dữ liệu và tư vấn chính sách thương mại cho các nền kinh tế đang phát triển.

Tổ chức này có các sáng kiến như Global Trade Alert - chuyên về tổng hợp các chính sách ngành và thương mại của hơn 60 nước về thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lao động; chương trình Digital Policy Alert - chuyên về tổng hợp các quy định và diễn biến về chính sách số liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), quy định về dữ liệu, cạnh tranh, thuế, kiểm duyệt nội dung...; chương trình C4TP - giúp nâng cao năng lực về chính sách thương mại; chương trình NIPO – xây dựng cơ sở dữ liệu thu thập thông tin về các chính sách công nghiệp.../.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/viet-nam-tiep-can-goc-nhin-chuyen-gia-wto-ung-pho-rui-ro-hang-xuat-khau-155644.html