Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao điểm sàn nhiều trường ĐH giảm sâu?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét tuyển. So với năm trước, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều trường giảm sâu vì lo ngại không tuyển đủ thí sinh.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên20/07/2025

CÓ TRƯỜNG GIẢM TỚI 6 ĐIỂM SO VỚI NĂM NGOÁI

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2025. Đáng chú ý, mức điểm xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều trường giảm mạnh, có trường giảm tới 6 điểm so với năm ngoái.

Vì sao điểm sàn nhiều trường ĐH giảm sâu? - Ảnh 1.

Điểm sàn giảm nhưng thí sinh không nên chủ quan vì điểm chuẩn thực tế sẽ chênh lệch rất nhiều, tùy thuộc vào số lượng đăng ký và năng lực thí sinh

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Tài chính-Marketing chính thức công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành ĐH chính quy ở mức 15 điểm. Riêng ngành luật kinh tế, thí sinh cần có thêm điểm môn toán từ 6 điểm trở lên, nếu tổ hợp có môn toán và ngữ văn thì điểm 1 trong 2 môn cần đạt từ 6 trở lên. Mức điểm sàn năm nay được ghi nhận thấp nhất trong vòng 3 năm qua, khi trước đó điểm sàn luôn trong khoảng 16-19.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM xác định ngưỡng xét tuyển chung các ngành căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ở mức 16 điểm (trừ các ngành đào tạo giáo viên theo ngưỡng chung của Bộ GD-ĐT). So với năm 2024, điểm sàn nhiều ngành giảm mạnh, trong đó ngành thú y giảm đến 6 điểm so với năm ngoái (mức điểm sàn ngành này năm ngoái 22 điểm). Trường ĐH Công thương TP.HCM cùng lấy điểm sàn 16 cho tất cả ngành. So với năm ngoái, ngưỡng này giảm 2-4 điểm với các ngành lĩnh vực quản lý, kinh tế, dịch vụ, luật, công nghệ thông tin, ngôn ngữ.

Trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng giảm mức điểm sàn xét tuyển. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn xét tuyển các ngành từ 16-24. Đây cũng là mức giảm sâu với một số ngành "nóng" của trường như: khoa học dữ liệu giảm 6 điểm, từ 24 năm ngoái xuống 18 điểm năm nay. Một số ngành khác cũng giảm 4 điểm như: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính… Chỉ 2 ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn lấy điểm sàn mức 24 và có quy định riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm nay điểm sàn xét tuyển các ngành của trường giảm so với năm 2024 từ 1-2 điểm. Trường ĐH Đà Lạt cũng sẽ giảm 1 điểm so với năm trước.

Tại Trường ĐH Văn Lang, tất cả các ngành đều có mức điểm sàn là 15, giảm 1 điểm so với năm 2024. Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm sàn cũng giảm từ 650 xuống 600. Nhiều ngành của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn giảm từ 1-2 điểm. Nếu như năm 2024, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM lấy điểm sàn từ 16-19 điểm thì năm nay tất cả các ngành đều có chung mức điểm sàn là 15, giảm từ 1-4 điểm. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng giảm từ 1-4 điểm khi điểm sàn năm nay là 15 cho tất cả các ngành học.

ĐIỂM SÀN CĂN CỨ TRÊN PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT

Chia sẻ về mức điểm sàn này, đại diện các trường ĐH cho biết căn cứ trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết năm nay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT có nhiều biến động, đặc biệt ở các môn toán, tiếng Anh, hóa, sinh - là các môn cốt lõi trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường. Do đó, việc điều chỉnh điểm sàn là cần thiết để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung. Tuy nhiên, thạc sĩ Tú lưu ý: "Điểm sàn là điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển, không phải điểm chuẩn trúng tuyển. Thí sinh (TS) không nên chủ quan trước xu hướng giảm điểm sàn. Điểm chuẩn thực tế sẽ chênh lệch rất nhiều tùy thuộc vào số lượng đăng ký và năng lực TS. Những ngành học xu hướng vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các TS top đầu".

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, điểm sàn của các trường giảm sâu là điều dễ hiểu khi điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm, mức phổ biến trong khoảng 16-20, thậm chí nhiều trường nhận hồ sơ ở mức 15 điểm. Điều này xuất phát từ thực trạng lo lắng việc đặt điểm sàn cao thì có khả năng không tuyển đủ chỉ tiêu. "Riêng với Trường ĐH Công thương TP.HCM, ban đầu trường dự kiến lấy điểm sàn từ mức 17 nhưng sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, trường quyết định điều chỉnh xuống còn 16. Bởi lẽ, đặt mức điểm sàn cao sẽ tự giới hạn chính mình", thạc sĩ Sơn lý giải.

Vì sao điểm sàn nhiều trường ĐH giảm sâu? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Năm nay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT có nhiều biến động, đặc biệt ở các môn toán, tiếng Anh

ảnh: Nhật Thịnh


NHỮNG NGÀNH DỰ KIẾN ĐIỂM CHUẨN GIẢM

Dự báo về điểm chuẩn, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho hay: "Do điểm sàn giảm nên điểm chuẩn đa số cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, dự đoán chỉ giảm ở những ngành mà vài năm gần đây có điểm chuẩn cao vừa phải. Cụ thể là các ngành có điểm chuẩn ở phân khúc từ 23-26 điểm. Lý do vì số lượng TS điểm 3 môn từ 23-26 điểm năm nay không nhiều bằng năm trước. Đối với những ngành "hot" mọi năm có mức điểm chuẩn trên 26 thì có khả năng năm nay sẽ tương đương chứ không giảm. Tương tự, những ngành mọi năm có điểm chuẩn dưới 23 dự đoán cũng sẽ ổn định như năm 2024".

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng nhận định điểm chuẩn một số ngành của trường sẽ giảm so với năm trước. So với điểm sàn xét tuyển, tiến sĩ Tuấn dự đoán các ngành khối kỹ thuật, công nghệ sẽ có mức điểm chuẩn bằng điểm sàn, trong khi các ngành như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, thiết kế đồ họa, marketing, công nghệ thông tin sẽ có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn từ 2-4 điểm. "Phổ điểm tổ hợp môn khối B năm nay thấp nên nếu Bộ GD-ĐT hạ điểm chuẩn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe, có thể điểm chuẩn các ngành sức khỏe cũng giảm theo", tiến sĩ Tuấn thông tin.

Đ TS TRÚNG TUYỂN KHÔNG DỒN VÀO MỘT PHƯƠNG THỨC

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhận định năm nay Bộ GD-ĐT quy định các phương thức phải quy đổi về một thang điểm, các trường phải dựa trên dữ liệu điểm xét tuyển của TS đăng ký vào trường mình để tính toán công thức quy đổi. Nếu không khéo, TS trúng tuyển có thể sẽ dồn vào một phương thức nào đó hoặc một ngành nào đó, hoặc tuyển không đủ. "Quy đổi sao để vừa tuyển đủ chỉ tiêu, vừa tuyển được sinh viên có chất lượng là một khó khăn đối với các trường ĐH", tiến sĩ Nhân cho hay.

Theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Trường ĐH Văn Lang sẽ xây dựng nguyên tắc quy đổi theo kết quả TS đăng ký vào trường, đảm bảo không dồn TS trúng tuyển vào một phương thức.

"Chắc chắn Bộ GD-ĐT đang tính toán và sẽ có hướng dẫn cho các trường để lập bảng quy đổi tương đương cho chính xác và thống nhất chung. Ngày 23.7 là hạn chót các trường công bố công thức quy đổi. Trường ĐH Văn Lang cũng đợi ngày 23.7 sẽ chốt khung quy đổi phù hợp dựa vào dữ liệu TS đăng ký trên hệ thống chung của Bộ đến thời điểm đó", tiến sĩ Tuấn thông tin.

Điểm sàn khối ngành sức khỏe, sư phạm năm nay ra sao ?

Vào 14 giờ hôm nay 21.7, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Trường công bố điểm sàn, lựa chọn nào cho thí sinh?". Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, tuyển sinh năm nay có điểm khác biệt so với mọi năm là điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi giữa các tổ hợp để đảm bảo sự công bằng tối đa cho thí sinh. Một ngành đào tạo có thể xét bằng 2 hoặc 3 tổ hợp, điểm chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ được điều chỉnh theo bách phân vị. Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm bách phân vị của 5 tổ hợp truyền thống (A00, A01, B00, C00, D01) trên cơ sở dữ liệu điểm thi của 1 triệu thí sinh, vào thứ hai hoặc thứ ba tuần này. Dự kiến sẽ công bố cùng với việc công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên và khối ngành khoa học sức khỏe.

Thí sinh cần lưu ý gì sau khi có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của 2 khối ngành này?

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến hôm nay, chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH có những lưu ý cho thí sinh.

Chương trình diễn ra từ 14 - 15 giờ, gồm các chuyên gia: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; cô Nguyễn Thị Hoàng Nga, phụ trách truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Bảo Hân - Quý Hiên

Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-diem-san-nhieu-truong-dh-giam-sau-185250720220933245.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm