Một nghiên cứu đột phá vừa công bố đã vén màn bí ẩn về những gò cát khổng lồ nằm sâu dưới đáy Biển Bắc, ngoài khơi Na Uy.
Dữ liệu địa chấn và mẫu đá cho thấy các cấu trúc rộng hàng ki-lô-mét vuông này đã chìm xuống hàng triệu năm trước, đẩy lớp "bùn" cổ xưa, ít đặc hơn lên trên.
Phát hiện này không chỉ thách thức hiểu biết hiện tại về địa chất mà còn mở ra triển vọng mới cho các phương án lưu trữ carbon trong tương lai.

Giải mã nguồn gốc bí ẩn
Từ lâu, các nhà khoa học đã biết về sự tồn tại của những gò đất chôn vùi này nhưng vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của chúng. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, từ trầm tích lở đất, đá sa thạch bị đẩy lên, đến bùn bị ép xuyên qua lớp đá giòn.
Giờ đây, bằng cách sử dụng bộ dữ liệu địa chấn ba chiều tiên tiến và các mẫu đá thu thập từ khu vực phía bắc Biển Bắc, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra chi tiết các gò đất và vùng lân cận.
Kết quả cho thấy các cấu trúc này được bao quanh bởi một lớp bùn cổ hơn, có mật độ thấp, chủ yếu được hình thành từ hóa thạch của các vi sinh vật cổ đại.
Điều đáng chú ý là thành phần hóa học của các gò đất tương tự như các loại cát gần đó xuất hiện muộn hơn trong hồ sơ địa chất.
Ở một số vị trí, các gò đất còn liên kết với các loại cát này thông qua các vết nứt trong đá. Điều này cho thấy chúng được tạo thành từ các loại cát trẻ hơn đã chìm xuống dưới lớp bùn cũ hơn, nhẹ hơn.
"Cát lún" đảo lộn quy luật địa chất
Hiện tượng "cát lún" này đã làm xáo trộn các mô hình dự kiến trong hồ sơ địa chất. Thông thường, các lớp đá cũ hơn sẽ bị chôn vùi sâu hơn các lớp trầm tích trẻ hơn, tạo thành một trình tự thời gian rõ ràng về quá trình hình thành cảnh quan.
Ông Mads Huuse, nhà địa vật lý học tại Đại học Manchester (Anh) và đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: "Khám phá này hé lộ một quá trình địa chất mà chúng ta chưa từng thấy trước đây ở quy mô này.
Những gì chúng tôi tìm thấy là các cấu trúc mà cát đặc chìm xuống các trầm tích nhẹ hơn nổi lên trên bề mặt cát, làm đảo lộn các lớp thông thường và tạo ra những gò đất khổng lồ dưới biển".
Các nhà nghiên cứu cho rằng động đất hoặc sự thay đổi áp suất có thể đã khiến cát hoạt động như chất lỏng, cho phép chúng chảy qua các vết nứt dưới đáy biển và trượt xuống dưới các phần cứng của bùn. Những ụ đất lớn, chìm này được gọi là "sinkite", trong khi các bè bùn được nâng lên trên được gọi là "floatite".
Theo ông Huuse, nghiên cứu này chứng minh rằng chất lỏng và trầm tích có thể di chuyển trong lớp vỏ Trái Đất theo những cách không ngờ.
Tiềm năng cho lưu trữ carbon
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đã khảo sát những gò đất này như một địa điểm tiềm năng để lưu trữ carbon dioxide. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bất kỳ nỗ lực lưu trữ carbon nào trong khu vực, việc hiểu rõ cấu trúc địa chất là vô cùng quan trọng.
Việc hiểu được cách các sinkite này hình thành có thể thay đổi đáng kể cách chúng ta đánh giá các bể chứa ngầm, quá trình bịt kín và quá trình di chuyển của chất lỏng.
Đây là những yếu tố then chốt đối với công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, mở ra hy vọng về các giải pháp hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/ven-man-bi-an-cau-truc-thach-thuc-hieu-biet-ve-dia-chat-duoi-day-bien-bac-20250713160651428.htm
Bình luận (0)