Tình huống ấy cho thấy rằng, trong khoảnh khắc ấy, em học sinh phần nào có thể đã giảm niềm tin vào giáo dục, không phải vì kiến thức sai mà vì sự lệch pha giữa điều mà các em nghe với điều các em thấy.
“Giáo dục làm gương” từ lâu được xem là nguyên tắc đạo đức cơ bản với việc thầy cô thể hiện hành vi mẫu mực, học sinh sẽ có hình mẫu cụ thể để noi theo. Hành vi chuẩn mực là hành vi phù hợp với các quy định, luật lệ, hoặc đạo đức xã hội như đi đúng làn đường, không vứt rác bừa bãi, lễ phép với người lớn tuổi... Nhưng một hành vi chuẩn mực chưa chắc phản ánh một quá trình chuyển hóa nội tâm. Nội tâm hóa chuẩn mực là quá trình mà trong đó các chuẩn mực xã hội trở thành một phần trong hệ thống giá trị bên trong của cá nhân khi họ tin rằng, hành vi ấy là đúng đắn, cần thiết và tự nguyện thực hiện mà không cần bị giám sát hay đe dọa.
|
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk tặng hoa tri ân giảng viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Thanh Hường |
|
Trong thực tế, có thể có sự tách rời giữa hành vi thể hiện ra bên ngoài và niềm tin nội tâm bên trong. Một người có thể cư xử “chuẩn mực” chỉ vì áp lực xã hội, sợ bị phạt, muốn được khen, hoặc đơn giản là bắt chước người khác chứ không phải vì thực sự tin vào ý nghĩa của hành vi đó. Ví dụ, một học sinh không gian lận trong kỳ thi vì sợ bị đình chỉ học, chứ không phải vì ý thức tôn trọng sự trung thực trong học thuật. Điều đó cho thấy, hành vi đúng chưa chắc phản ánh giá trị nội tại vững vàng.
Vậy thì, thách thức trong giáo dục nằm ở chỗ không chỉ hướng đến việc "bắt" con người cư xử đúng, mà còn phải giúp họ hiểu, tin và tự nguyện hành xử đúng. Đây là lý do vì sao nhiều nền giáo dục tiến bộ nhấn mạnh vai trò của giáo dục khai phóng, giáo dục đạo đức dựa trên phản tư, nơi con người được mời gọi đối thoại, chất vấn và đồng sáng tạo nên hệ giá trị sống thay vì chỉ lặp lại các chuẩn mực được áp đặt từ bên ngoài. Đó là lúc “thân giáo” trở thành khái niệm có chiều sâu hơn so với “giáo dục làm gương”.
Thân giáo không đơn thuần là sự thể hiện lối hành xử đúng mực mà là sự hiện hữu có chiều sâu của người thầy, trong đó có đời sống nội tâm và nhân cách sống. Đối với học sinh, cách mà thầy cô đối diện, xử lý các áp lực, tổn thương và thể hiện sự thấu hiểu người khác có thể trở thành những thông điệp giáo dục ngầm nhưng “ở lại” rất lâu trong nhân cách của người học.
Thân giáo là cách người thầy tái tạo cấu trúc xã hội trong chính mối quan hệ thầy - trò, không bằng áp đặt mà bằng sự cảm hóa. Trong đó, người học không bị dẫn dắt bằng phần thưởng hay sự trừng phạt mà được đánh thức động lực nội tại, tức là nhu cầu tự thân cá nhân muốn sống tốt, muốn học để hiểu đời, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Khác với giáo dục làm gương - vốn thường được “thể hiện” bên ngoài, thân giáo là quá trình sống thực và sống thật, đòi hỏi sự thống nhất giữa giá trị nội tâm và hành vi xã hội. Đó là một dạng vốn xã hội đặc biệt (niềm tin) mà người thầy tích lũy mỗi ngày, không phải bằng uy quyền, mà bằng sự hiện diện có tính người, có khuyết điểm nhưng tử tế và đáng tin.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, học sinh có nhiều kênh tiếp cận tri thức nhưng lại thiếu nơi học cách sống thì người thầy không còn là người “truyền đạt”, mà là người tạo cảm hứng sống có ý nghĩa. Đó là con đường từ “giáo dục làm gương” tới “thân giáo”.
Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202507/tu-giao-duc-lam-guong-toi-than-giao-6e215ac/
Bình luận (0)