Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tự chủ cáp quang biển: Chiến lược để Việt Nam định vị trên bản đồ số toàn cầu

Trong cuộc đua toàn cầu về chủ quyền số, việc tự chủ cáp quang biển chính là chìa khóa để đảm bảo một vị thế độc lập, một kết nối phẳng với thế giới.

VTC NewsVTC News16/07/2025

Tự chủ hạ tầng cáp biển - sứ mệnh bắt buộc của mọi quốc gia

Hơn 98% lưu lượng Internet quốc tế trên toàn cầu, từ email, giao dịch tài chính, đến các cuộc gọi video đều đang được truyền tải qua một mạng lưới khoảng hơn 600 tuyến cáp quang biển đang hoạt động, với tổng chiều dài lên tới 1,3 triệu km. Một sự thật không thể phủ nhận rằng cáp biển là hạ tầng không thể thay thế, là xương sống vật lý của thế giới số. Trong tương lai, dù công nghệ có phát triển đến đâu, cáp biển vẫn sẽ là hạ tầng kết nối quốc tế chính của thế giới.

Viettel Solutions đã xây dựng một kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối quốc tế với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.

Viettel Solutions đã xây dựng một kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối quốc tế với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.

Tuy nhiên, hạ tầng quan trọng này đang ngày càng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các vấn đề địa chính trị. Cuộc chiến công nghệ giữa các cường quốc đã biến các tuyến cáp biển thành một mặt trận chiến lược.

Sự phụ thuộc vào hạ tầng của bên thứ ba mang đến những rủi ro hiện hữu như sự ổn định kết nối, khi các quyết định về nâng cấp, sửa chữa hay thậm chí là cắt kết nối có thể bị chi phối bởi yếu tố địa chính trị.

Cuối cùng, đó là rủi ro về kinh tế, khi phải chấp nhận mức giá thuê băng thông cao hơn và mất đi cơ hội kinh doanh trên chính hạ tầng mà mình đang sử dụng. Vì vậy, tự chủ hạ tầng cáp biển đã trở thành một mệnh đề bắt buộc đối với mọi quốc gia mong muốn một tương lai số độc lập và thịnh vượng.

Hiện nay, các trung tâm dữ liệu (Hub) trên thế giới tập trung ở một số quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... trên 3 châu lục chính Mỹ, Âu, Á. Singapore là Hub lớn nhất tại châu Á với hơn 39 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối tới, đây cũng tập trung nhiều Data Center lớn với sự hiện diện của nhiều nhà mạng viễn thông, nhiều tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

Hành động của Viettel

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng số, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những định hướng và mục tiêu hết sức rõ ràng. Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ đưa ra kế hoạch hành động, cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, đã nhấn mạnh nhiệm vụ phải tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, Internet.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống đáp ứng được các tiêu chí dự phòng, kết nối, an toàn và bền vững, từ mạng 5G, 6G đến hệ thống cáp quang băng thông rộng tốc độ cao.

Cụ thể hóa tầm nhìn này, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, Việt Nam sẽ triển khai tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển lên tối thiểu 15 tuyến, với tổng dung lượng tối thiểu 350 Tbps.

Đặc biệt, phải tự chủ hệ thống cáp quang bằng cách đưa vào hoạt động tối thiểu 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.

Chiến lược này nhằm đảm bảo dung lượng kết nối quốc gia đủ lớn, đa dạng về hướng và đủ sức chống chịu trước các sự cố. Mục tiêu lớn hơn là đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu (Data Hub) của khu vực, cạnh tranh với các Hub lớn hiện nay.

Đi đầu trong việc hiện thực hóa chiến lược quốc gia, Tập đoàn Viettel với đại diện là thành viên Viettel Solutions đã xây dựng một kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối quốc tế bài bản với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 và kế hoạch triển khai chi tiết đến năm 2030.

Sự khác biệt mang tính bước ngoặt trong chiến lược của Viettel Solutions lần này nằm ở việc chuyển đổi mô hình đầu tư. Trước đây, các nhà mạng Việt Nam, bao gồm cả Viettel, chủ yếu tham gia vào các dự án cáp biển dưới hình thức là thành viên trong một Consortium (liên minh). Trong mô hình này, nhiều nhà mạng từ các quốc gia khác nhau sẽ cùng góp vốn để xây dựng một tuyến cáp chung. Mô hình này giúp chia sẻ chi phí đầu tư nhưng cũng đi kèm với sự phụ thuộc vào các quyết định chung của liên minh.

Viettel Solutions ký kết biên bản ghi nhớ với Singtel hợp tác triển khai tuyến cáp biển Vietnam - Singapore

Viettel Solutions ký kết biên bản ghi nhớ với Singtel hợp tác triển khai tuyến cáp biển Vietnam - Singapore

Giờ đây, Tập đoàn Viettel đang đặt ra một mục tiêu thách thức hơn nhiều. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Viettel sẽ triển khai thêm 5 tuyến cáp biển mới. Trong đó, sẽ có ít nhất 1 tuyến cáp do chính Viettel đứng ra làm chủ hoàn toàn, từ ý tưởng, thiết kế lộ trình, lựa chọn công nghệ cho đến quản lý, vận hành. Đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam tự chủ triển khai một dự án cáp biển quốc tế.

Đây là một bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm trong tư duy chiến lược, năng lực quản trị và vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông quốc tế. Việc từng bước làm chủ hạ tầng kết nối cho phép Viettel chủ động hơn trong lựa chọn các hướng tuyến, điểm kết nối, từ đó đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật về băng thông, độ trễ, đồng thời tăng cường độ ổn định và an toàn cho hạ tầng Internet quốc gia.

Với chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, Viettel đang củng cố vai trò tiên phong, khẳng định vị thế dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng cáp biển quốc tế và góp mặt vào nhóm các nhà mạng hàng đầu khu vực về năng lực kết nối xuyên biên giới.

Việc tự chủ hạ tầng kết nối không chỉ đảm bảo hiệu quả truyền dẫn trong nước mà còn mở ra cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế. Hạ tầng cáp biển - từ chỗ chỉ được coi là khoản đầu tư kỹ thuật - đang dần trở thành tài sản chiến lược, giúp Viettel hướng tới mô hình cung cấp dịch vụ kết nối quốc tế cho các nhà mạng và tập đoàn công nghệ toàn cầu, góp phần tạo ra nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Trong kỷ nguyên số, dòng chảy dữ liệu chính là huyết mạch của kinh tế. Việc làm chủ hạ tầng cáp biển chính là làm chủ dòng chảy huyết mạch này. Chiến lược của Viettel không chỉ là một kế hoạch kinh doanh đơn thuần mà là một phần không thể thiếu trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của quốc gia về một Việt Nam tự chủ về công nghệ và có vị thế xứng đáng trên bản đồ số toàn cầu.

Hà An

Nguồn: https://vtcnews.vn/tu-chu-cap-quang-bien-chien-luoc-de-viet-nam-dinh-vi-tren-ban-do-so-toan-cau-ar954602.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm