Chiều 15/7, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn Thống đốc Trung tâm Tài chính Astana, Kazakhstan tại TP.HCM, UBND TP.HCM tổ chức bàn tròn Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM và ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana, Kazakhstan (AIFC) cùng các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà, sự kiện là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác không ngừng được mở rộng giữa TP.HCM với AIFC nói riêng và Kazakhstan nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà.
Nền tảng cho hoạt động hợp tác này được xây dựng vững chắc từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan vào tháng 5 vừa qua. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên nâng cấp quan hệ Việt Nam – Kazakhstan lên Đối tác Chiến lược. TP.HCM được giao nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan, trong đó có Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC) về xây dựng và phát triển tài chính quốc tế.
Tại sự kiện, Sở Tài chính TP.HCM chính thức công bố không gian Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Theo ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM có tổng diện tích 793 ha, trong đó phường Bến Thành 20ha, phường Sài Gòn 146ha, phường Thủ Thiêm 563 ha và 64 ha sông Sài Gòn.
Khu lõi của trung tâm tài chính có diện tích 9,2 ha đặt tại Thủ Thiêm, bao gồm xây dựng trụ sở cơ quan quản lý, giám sát, tài phán.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trải rộng tại 3 phường trung tâm và sông Sài Gòn với diện tích 793 ha. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)
Sở dĩ Trung tâm tài chính TP.HCM trải rộng tại nhiều khu vực trung tâm TP.HCM, theo ông Đinh Khắc Huy, phường Sài Gòn và phường Bến Thành đang là khu vực trung tâm tài chính hiện hữu, các hoạt động ngoại hối, fintech, giao dịch số, tài chính, logistics đang diễn ra sôi nổi.
Phần diện tích mở rộng thêm tại khu vực này gồm các tòa nhà đang có trụ sở các công ty bảo hiểm, tài chính và ngân hàng như Tòa nhà Saigon Trade Center, Prudentail Headquarter, tòa nhà Mplaza, Tòa nhà Techcombank, Saigon Tower.
Không gian Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM được công bố cũng tính đến các phương án kết nối với các vùng kinh tế trong khu vực. Trong đó, Thủ Thiêm là trung tâm kinh tế mới của TP.HCM, được phê duyệt Khu tài chính quốc tế. Hướng tuyến hàng không (TP.HCM, Thái Lan, Nhật Bản) có kết nối thuận lợi, giảm thời gian giao dịch quốc tế.
Đường bộ kết nối gồm 4 cầu lớn nối trực tiếp khu vực trung tâm; đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây (Quốc lộ 51 mới). Riêng đường thủy rất lợi thế về ngay trên sông Sài Gòn, gần cảng Cát Lái.

Kết nối Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực rất thuận lợi. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)
Từ Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đến các khu công nghiệp, cụm cảng, sân bay lân cận cũng hết sức thuận lợi khi cách khu công nghiệp Hiệp Phước, VSIP chỉ 20 cây số; cách cụm công nghiệp lớn (Long Hậu, Tân Đô - Tây Ninh (Long An cũ) chỉ khoảng 30 cây số và cách cảng Cần Giờ, các khu công nghiệp Trảng Bàng, Phước Đông (Tây Ninh), cụm công nghiệp Đồng Nai, khu thương mại tự do Cái Mép cũng chỉ 55-65 cây số.
Hạ tầng số cũng thuận lợi nhất vì đây là khu vực kết nối cáp quang tốc độ cao tại TP.HCM.
Định hướng phát triển trọng tâm của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là tài chính kỹ thuật số (Digital Finance), bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng fintech.
Phát triển dịch vụ tài chính quốc tế với thị trường giao dịch chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối quốc tế; dịch vụ tư vấn, kiểm toán, quản lý tài sản, pháp lý quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn tài chính quốc tế đặt trụ sở hoạt động lâu dài.
Mục tiêu cụ thể là thu hút vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là dòng vốn tài chính dài hạn, các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện: ngân hàng quốc tế, thị trường chứng khoán, fintech, quản lý tài sản quốc tế.

Khu lõi Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đặt tại Thủ Thiêm đối diện phường Bến Thành qua sông Sài Gòn. (Ảnh: Lương Ý)
Phát triển nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua liên kết đào tạo với các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
Ông Huy cho biết, TP.HCM sẽ quy hoạch quỹ đất ưu tiên cho Trung tâm tài chính, trong đó rà soát và tái cấu trúc công năng sử dụng đất trung tâm hiện hữu, để ưu tiên cao ốc văn phòng hạng A, trụ sở ngân hàng, công ty chứng khoán, fintech.
Tăng tầng cao cho các dự án có chức năng tài chính, hạn chế chức năng khác (căn hộ, lưu trú du lịch).
Dự kiến sơ bộ đầu tư cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Trước mắt cần chuẩn bị khoảng 16.000 tỷ đồng (tương đương 658 triệu USD) để hoàn thiện hạ tầng khu lõi, bao gồm 11 lô tại Thủ Thiêm trong giai đoạn đầu (khoảng 2-3 năm), trong đó chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở các cơ quan Trung tâm hành chính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh, Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC) tọa lạc tại thủ đô Kazakhstan, là trung tâm tài chính hàng đầu ở Đông Âu và Trung Á, thu hút hơn 16,9 tỷ USD vốn đầu tư, tạo ra gần 10.000 việc làm và là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ 80 quốc gia.
Ông nhấn mạnh Chính phủ hai nước đang hướng tới nhiệm vụ triển khai các thỏa thuận, trong đó có mở rộng hợp tác với AIFC. Để hiện thực hóa các thỏa thuận này, hai bên tiến hành các ký kết quan trọng, bao gồm Bản ghi nhớ Hợp tác giữa AIFC và UBND TP.HCM.
Đại sứ quán Kazakhstan khẳng định hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến chung giữa AIFC và các đối tác Việt Nam.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, mô hình thành công của AIFC là bài học cho TP.HCM, đặc biệt là cơ chế tài chính – pháp lý linh hoạt; quản trị độc lập, minh bạch; hạ tầng số, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech; kết nối vùng và hợp tác xuyên biên giới.
Sở Tài chính mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và lĩnh vực có thế mạnh chung, như fintech, quản lý tài sản, AI và dữ liệu tài chính; mời gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đến đầu tư vào Trung tâm Tài chính tại Thủ Thiêm. Đồng thời đề nghị thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Sở Tài chính TP.HCM và AIFC, để làm nền tảng cho sự phối hợp sâu rộng và hiệu quả hơn.
Nguồn: https://vtcnews.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tp-hcm-dat-o-3-phuong-sai-gon-ben-thanh-thu-thiem-ar954519.html
Bình luận (0)