Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tròn 5 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Nền giáo dục vì học sinh, vì con người: Người trong cuộc nói gì về chương trình và sách giáo khoa? (Bài 1)

Sau tròn 5 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình và sách giáo khoa mới.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh21/07/2025

Bài 1: Người trong cuộc nói gì về chương trình và sách giáo khoa?

Sau tròn 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình và SGK mới. Nhóm phóng viên ghi lại ý kiến, góc nhìn của giáo viên (GV) và HS tại tỉnh Long An (cũ), nay là tỉnh Tây Ninh (mới). Vì lý do riêng, một số nhân vật trong loạt bài này xin không nêu tên cụ thể.

Trong giờ học tại Trường THPT Thạnh Hóa

Mở ra không gian mới cho thầy và trò

“Em thấy nội dung của một số môn học kiến thức trình bày mạch lạc, rõ ràng, thuận lợi cho việc tiếp cận của HS. Tuy nhiên, một số đầu SGK có các khái niệm và mạch kiến thức diễn đạt khá dài, khó ghi nhớ. Em mong muốn nội dung được điều chỉnh tinh gọn, dễ hiểu hơn để HS dễ nắm bắt. Nếu có thể chia thành từng ý và thiết lập sơ đồ tư duy, việc tiếp thu bài học sẽ thuận lợi hơn” - em T.T.N. - HS Trường THCS Trần Phú, phường Tân An, phát biểu.

Một GV đang giảng dạy tại một trường THPT thuộc phường Long An đánh giá, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và thay SGK mới mở ra cơ hội lớn cho GV và HS. Nhiều đầu SGK và tổ hợp môn giúp HS có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, phát triển kỹ năng định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cấp học. Chương trình phong phú, gần gũi với cuộc sống, rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết, phát huy tính tích cực, chủ động của các em. “Các em tự tin và năng động hơn. Đó là điểm đáng ghi nhận nhất trong chương trình đổi mới” - GV này nói.

Vẫn theo ý kiến nêu trên, việc mỗi trường có thể chọn bộ SGK khác nhau dẫn đến sự thiếu đồng nhất về tài liệu, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và cả tâm lý phụ huynh, HS. Nhiều nội dung chưa thống nhất giữa các tài liệu khiến GV gặp khó trong tiếp cận và triển khai bài học. Việc thay đổi tổ hợp môn, môn thi cuối cấp khiến HS không đủ thời gian chuẩn bị, đặc biệt là những em chưa từng học các môn thuộc tổ hợp lựa chọn.

Một áp lực đáng kể khác là việc bố trí nhân sự. Một số môn học thiếu GV, trong khi một số môn khác lại thừa tiết, ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy chung. Nhiều văn bản hướng dẫn mới liên tục được ban hành nhưng chưa thật sự rõ ràng, cụ thể, khiến đội ngũ cán bộ quản lý, GV còn lúng túng trong quá trình triển khai.

Sách cần tinh gọn hơn

Cô K.A.N. - GV một trường THPT tại xã Nhựt Tảo, nhận định: “Chương trình GDPT 2018 đã chuyển hướng tích cực từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất HS, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại”. Theo cô, SGK mới linh hoạt, cập nhật kiến thức và kỹ năng sống gần gũi cuộc sống, giúp HS phát triển tư duy, khả năng làm việc nhóm, sáng tạo. Đặc biệt, nhiều bộ SGK giúp nhà trường và GV có thể chọn lựa phù hợp với đặc điểm HS, không còn bị ràng buộc bởi khuôn mẫu cứng nhắc như trước.

Tuy nhiên, theo cô, nhiều vấn đề tồn tại vẫn cần sớm khắc phục. Trong đó, đáng lưu ý là khối lượng kiến thức một số môn còn nặng, đặc biệt ở các lớp chuyển cấp như lớp 6, lớp 10. Ngôn ngữ trong SGK của một số môn học vẫn còn mang tính hàn lâm, trừu tượng, gây khó khăn cho cả HS và phụ huynh khi hỗ trợ học tập. Việc mỗi địa phương tự chọn SGK khiến HS gặp khó khăn khi chuyển trường, GV cũng chịu áp lực liên tục thay đổi nhưng thời gian tập huấn lại chưa đủ sâu. Cô giáo đề xuất “cần giảm tải hợp lý nội dung, tập trung vào năng lực cốt lõi, tránh dàn trải lý thuyết nặng nề, đồng thời có cơ chế đánh giá, chọn lọc, tinh gọn lại các bộ SGK để đồng đều chất lượng, hạn chế tình trạng quá nhiều bộ.

Tỉnh Long An (cũ) đồng thuận rằng nên sử dụng chung một bộ SGK trên toàn quốc để tránh gây xáo trộn trong quá trình học tập, lãng phí và giảm áp lực tâm lý cho HS, phụ huynh và GV. Chương trình đối với HS THPT cũng nên cân nhắc để các em được học đầy đủ các môn, có kiến thức nền tảng toàn diện trước khi chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp.

Giảm số môn học, giờ học

Theo thiết kế của chương trình mới, cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5), Khoa học (lớp 4, 5), Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2). Thời lượng 2 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút.

Cấp THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút.

Ở cấp THPT gồm có 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài các môn học bắt buộc, HS cấp THPT phải chọn 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn). Cụ thể như sau: Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.

Như vậy, Chương trình GDPT 2018 được thiết kế khác hoàn toàn so với Chương trình GDPT 2000 và 2006. Đây chính là minh chứng cho sự đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương./.

(còn tiếp)

Việt Đông - Ngọc Mận

Bài 2: Ưu điểm chiếm ưu thế

Nguồn: https://baotayninh.vn/tron-5-nam-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-nen-giao-duc-vi-hoc-sinh-vi-con-nguoi-n-a192325.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm