Thắp lên nghị lực sống cho người đồng cảnh
Giờ đây, chị Đỗ Thị Thành (sinh năm 1969, xã Tây Phương, TP Hà Nội) đã tự tin giao tiếp, có thu nhập ổn định từ công việc kinh doanh và tìm được một nửa đồng hành sau nhiều năm sống thu mình vì mặc cảm khuyết tật. Nhắc đến bước ngoặt cuộc đời, chị luôn dành sự biết ơn cho chị Lê Thị Hà (sinh năm 1976, tại phường Hà Đông, TP Hà Nội) vì đã truyền cảm hứng cho chị.
“Năm 1992, tôi bị ngã khi đang làm việc nhà. Tai nạn khiến đốt sống thắt lưng số 1 đến số 4 của tôi bị tổn thương nặng. Những cơn đau kéo dài, cùng cảm giác tuyệt vọng khiến tôi từng muốn buông xuôi”, chị Thành nhớ lại.
|
Bước ngoặt đến vào năm 2018, khi chị Thành tham gia buổi tham vấn dành cho người chấn thương cột sống do Câu lạc bộ (CLB) Chấn thương cột sống Việt Nam tổ chức. Tại chương trình đó, chị Lê Thị Hà (khi ấy là Phó chủ nhiệm CLB) đã chia sẻ hành trình vượt qua biến cố của mình với sự và lắng nghe từng câu chuyện, thấu hiểu từng hoàn cảnh của những người tham gia. Với chị Thành, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm chị cảm thấy mình được nhìn nhận một cách bình đẳng, được khơi dậy nghị lực để thay đổi cuộc sống.
“Buổi gặp gỡ với Hà hôm ấy khiến tôi nhận ra mình cần thay đổi. Tôi bắt đầu mở lòng, tự học hỏi và tìm việc làm để có thu nhập. Dần dần, tôi tin rằng mình xứng đáng với một cuộc sống hạnh phúc như bao người”, chị Thành chia sẻ.
Không chỉ chị Thành, buổi tham vấn năm ấy còn trở thành bước ngoặt với chị Hoàng Thị Hậu (sinh năm 1965, tại phường Hà Đông, TP Hà Nội). Bị khuyết tật chân bẩm sinh, chị Hậu từng sống khép kín vì luôn mang trong mình mặc cảm.
“Hình ảnh Hà ngồi xe lăn nhưng vẫn điều phối chương trình, trò chuyện mạch lạc và đón tiếp mọi người bằng sự tự tin đã thôi thúc tôi nhìn lại chính mình và dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn”, chị Hậu nhớ lại.
|
Sau buổi tham vấn, qua sự giới thiệu của chị Hà, chị Hậu học nghề tại Hợp tác xã (HTX) Vụn Art (nơi trao cơ hội làm việc cho người khuyết tật) và trở thành người hướng dẫn trải nghiệm cho khách trong và ngoài nước. Từng sợ đám đông, nay chị tự tin thuyết trình và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Có thu nhập ổn định và công việc yêu thích, chị bảo điều quý nhất là đã tìm lại được giá trị của chính mình.
Không riêng chị Thành hay chị Hậu, đã có hàng nghìn người khuyết tật tìm thấy động lực sống nhờ các buổi tham vấn đồng cảnh của chị Lê Thị Hà. Nhưng để có thể tiếp thêm sức mạnh cho người khác, chính chị Hà cũng đã đi qua một hành trình nhiều đau đớn và thử thách.
Biến cố ập tới
22 năm trước, chị Hà là người phụ nữ có tương lai rộng mở với 2 tấm bằng đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) và Học viện Ngoại giao, một công việc tốt tại Bảo Việt Nhân Thọ và một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng tất cả khép lại sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
|
Thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” sau nhiều ngày hôn mê, chị Hà vẫn tin rằng, chỉ cần thời gian, mọi thứ sẽ hồi phục. Nhưng 2 tháng sau, hy vọng ấy sụp đổ. “Tôi được bác sĩ thông báo là bị liệt nửa thân dưới, phải ngồi xe lăn suốt đời. Mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Khi ấy, tôi như rơi xuống vực thẳm. Tâm lý suy sụp kéo dài khiến tôi từng nghĩ đến cái chết để giải thoát”, chị nghẹn lời.
Trong những tháng ngày tăm tối, điểm tựa lớn nhất của chị Hà là gia đình. Con nhỏ ngày ngày đòi mẹ kể chuyện. Bố mẹ đã ngoài 70 tuổi, lặng lẽ chăm sóc cho chị từng bữa thuốc, giấc ngủ. “Tôi nhìn con, nhìn bố mẹ mà không cho phép mình nghĩ đến cái chết nữa. Dù vẫn rất chán nản, nhưng tôi biết mình phải sống”, chị chia sẻ.
Năm 2007, biết tin học trò cũ gặp nạn, thầy giáo của chị là Nhà giáo Ưu tú Đặng Hiển đã đến thăm. Trong buổi trò chuyện, thầy động viên: “Không cần phải là hoa hồng hay hướng dương, em hãy sống như cỏ dại. Dù bị giẫm đạp, chỉ cần còn một chút rễ cũng vẫn có thể sống được”.
|
Chị Lê Thị Hà (ngoài cùng bên phải) làm việc với các đối tác nước ngoài. Ảnh: NVCC |
Câu nói ấy thôi thúc chị Hà vực dậy. Năm 2007, truyện ngắn đầu tay của chị được đăng trên Báo Hà Nội mới. Đồng nhuận bút ít ỏi khi đó trở thành nguồn động viên lớn, giúp chị tin rằng bản thân vẫn có thể lao động và sống có ích.
Mạnh mẽ như loài cỏ dại
Từ việc viết truyện, chị dần tìm lại được nhịp sống. Năm 2010, khi tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội, nhờ khả năng giao tiếp linh hoạt và tư duy tích cực, chị trở thành tham vấn viên trong các buổi tham vấn đồng cảnh. Từ đó, hành trình lan tỏa nghị lực sống của chị mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,...
Quá trình đi nhiều, tiếp xúc nhiều giúp chị nhận ra: Trong cộng đồng người khuyết tật, những người bị chấn thương cột sống là nhóm đặc biệt. Họ hầu hết đều ở độ tuổi lao động, sau tai nạn phải đối diện đồng thời với mất mát thể chất và cú sốc tinh thần nặng nề.
|
Chị Lê Thị Hà (hàng trên, ngoài cùng bên phải) hiện là Phó chủ nhiệm CLB Chấn thương cột sống Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Từ trăn trở ấy, năm 2018, chị cùng những người bạn đồng cảnh thành lập CLB Chấn thương cột sống Việt Nam, trực thuộc Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Đến nay, câu lạc bộ đã quy tụ hơn 2.000 thành viên trên khắp cả nước, chia thành 17 khu vực với các nhóm trưởng phụ trách theo địa bàn.
“Câu lạc bộ là nơi để mọi người kết nối, chia sẻ với nhau từ kiến thức, kỹ năng sống đến những vấn đề tâm lý hay nhu cầu rất cụ thể. Trong các buổi tham vấn đồng cảnh, chúng tôi cùng trao đổi cách chăm sóc vết thương, sử dụng phương tiện hỗ trợ cho phù hợp, hay đơn giản là làm sao để xuất hiện chỉn chu, gây thiện cảm khi đi ra ngoài”, chị Hà nhấn mạnh.
Không dừng lại ở tư vấn, chị Hà cùng các cộng sự còn nỗ lực huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thành viên câu lạc bộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm qua, chị và anh Phạm Thanh Sơn - Phó chủ nhiệm CLB khu vực phía Nam, đã vận động được gần 3 tỷ đồng để trao tặng phương tiện học tập, lao động như: Máy tính xách tay, máy may, loa kéo,... cho người bị chấn thương cột sống trên toàn quốc.
|
Nhiều người khuyết tật khó khăn đã được chị Hà kết nối, nhận hỗ trợ tiền mặt từ các nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, chị Hà trực tiếp kết nối CLB với nhóm thiện nguyện “Lớp học Cầu vồng” để hỗ trợ viện phí cho người chấn thương cột sống có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các trường hợp được trưởng nhóm khu vực xác minh, gửi đề xuất lên. Mức hỗ trợ dao động từ 10 đến 30 triệu đồng mỗi người, trải dài khắp cả nước.
“Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tôi cùng các cộng sự đã phối hợp triển khai nhiều đợt hỗ trợ gồm lương thực, nhu yếu phẩm và tiền mặt (500 nghìn đồng/người) cho khoảng 100 người khuyết tật tại các tỉnh phía Nam”, chị Hà cho biết.
Câu lạc bộ cũng thành lập quỹ thuốc dành cho những hội viên không đủ điều kiện điều trị tại bệnh viện. Khi nhận được thông tin, câu lạc bộ sẽ tham vấn ý kiến bác sĩ, sau đó gửi thuốc đến tận tay người cần hỗ trợ.
|
Tỏa hương cho đời
Song hành với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, chị Hà vẫn duy trì cuộc sống độc lập và chủ động về kinh tế. Công việc chính của chị là phụ trách công tác truyền thông cho HTX Vụn Art (nơi tạo sinh kế cho người khuyết tật thông qua nghệ thuật tranh vải vụn). Ngoài ra chị bán vé máy bay trực tuyến và dạy học cho một số em nhỏ tại khu dân cư để có thêm thu nhập. Công việc đều đặn, các mối quan hệ tích cực và những đóng góp ý nghĩa khiến chị không còn thời gian cho những nghĩ suy tiêu cực.
|
Thời gian tới, chị Hà cho biết sẽ tiếp tục kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, chị cùng anh Lê Việt Cường (người sáng lập HTX Vụn Art) đang ấp ủ mở quán cà phê, nhằm tạo thêm việc làm cho những người khuyết tật không thể tham gia vào các công đoạn thêu thủ công.
|
Ngồi xe lăn, sống chung với những tổn thương không thể lành, nhưng chị Hà chưa từng để điều đó trở thành giới hạn. Chị không nói nhiều về những gì mình đã trải qua, cũng không xem những việc mình làm là điều gì lớn lao; nhưng từ chính cách chị sống, người ta có thể cảm nhận rõ một nghị lực âm thầm mà bền bỉ. Mỗi công việc chị đang theo đuổi, mỗi chương trình chị kết nối, mỗi phần quà được gửi đến đúng lúc… đều là minh chứng cho một cuộc đời không dừng lại trước nghịch cảnh. Và chính nhờ những con người như thế, cuộc sống này vẫn luôn có lý do để hy vọng: Ngay cả khi không lành lặn, con người ta vẫn có thể sống trọn vẹn, sẻ chia và nâng đỡ người khác bằng tất cả những gì mình có.
Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/toa-sang-vang-trang-khuyet-836955
Bình luận (0)