|
Tàu Pháp tại cửa Thuận An ngày 18/8/1883, nguồn Chiến tranh Bắc Kỳ của tác giả L. Huard, Paris 1887 |
Từ khi nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp luôn gặp phải sự chống trả quyết liệt của toàn thể Nhân dân cũng như lực lượng quân đội Triều Nguyễn. Với mưu đồ xâm lược, thực dân Pháp từng bước đánh chiếm nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta và cuối cùng quyết định thực hiện cuộc tấn công quan trọng vào trung tâm “đầu não” của đất nước là Kinh đô Huế trong khoảng thời gian từ năm 1883 - 1885.
Trong kế hoạch của thực dân Pháp tấn công Kinh đô Huế vào năm 1883, pháo đài Thuận An được xác định là mục tiêu quân sự ưu tiên cần đánh chiếm để mở đường tiến công vào nội đô. Đúng thời điểm Pháp ráo riết chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch này, thì ngày 19/7/1883 vua Tự Đức băng hà. Điều này đã để lại khoảng trống quyền lực lớn trong triều đình, nội bộ bộc lộ sự phân hóa, tranh chấp gay gắt.
Theo sử sách, ngày 18/8/1883, Pháp phái nhiều tàu chiến cùng hàng trăm lính đến đậu ngoài khơi cửa biển Thuận An; sau đó gửi thông điệp buộc triều đình Huế giải giáp tất cả các đồn lũy. Lúc đó, vị vua mới nối ngôi Hiệp Hòa sai người đi thương thuyết để hoãn binh nhưng bất thành. Không lâu sau, Pháp nổ súng tấn công, quân ta chống trả quyết liệt nhưng phần nhiều không trúng đích, đồn Trấn Hải thất thủ, hầu hết những người giữ thành đều hy sinh.
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Nhân vật lịch sử trong cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước tại cửa biển Thuận An và Kinh đô Huế (1883 - 1885)" do Hội Khoa học Lịch sử TP. Huế tổ chức diễn ra vào cuối tháng vừa qua, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sử học đã đánh giá tinh thần quả cảm, hy sinh để bảo vệ đất nước của quan binh giai đoạn này.
Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Khiêm (TP. Huế), trong trận chiến Thuận An, quân dân triều đình nhà Nguyễn đã ngoan cường chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất nơi cửa ngõ Kinh thành Huế. Nhưng với trang bị mạnh mẽ, hiện đại, cuối cùng thực dân Pháp cũng giành được lợi thế.
“Thuận An thất thủ, các đồn Trấn Hải và Hòa Duân rơi vào tay giặc, mở đầu cho một thời kỳ tăm tối và đau thương của lịch sử đất nước, dẫn đến hàng loạt các sự kiện tiếp theo như biến cố thất thủ Kinh đô và phong trào Cần Vương. Quân và dân hy sinh để bảo vệ Thuận An luôn được người đời sau nhớ đến. Những hành động anh hùng của các tướng tá như: Lê Sĩ, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhẫn… đã được Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Hồ Văn Hiến tiếp nối trong trận chiến Kinh thành Huế năm 1885 để bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước”, ông Khiêm nhận định.
Nói về sự kiện này, ông Khiêm cho hay, trong dân gian về sau đã lưu truyền bài vè “Thất thủ Thuận An” thuộc loại khuyết danh, nhưng chắc là người đương thời đã chứng kiến trực tiếp nên cung cấp những hình ảnh rất hiện thực, sống động của một tấn thảm sử bi hùng. Gần đây, các nhà sưu tầm đã ghi lại thành văn bản để lưu truyền, hình thức thơ lục bát có sai khác nhau từng từ hoặc từng vế.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế), những chiến sĩ trong trận đánh ở Thuận An đã nằm xuống trong giờ phút cuối cùng của nền độc lập dân tộc, trong tư thế của những người anh hùng chống Pháp. Dù không thể chống lại sức tấn công của kẻ thù nhưng họ đã thành nhân, bởi đã xả thân vì đại nghĩa, vì chính nghĩa.
Chính lòng quả cảm của người Việt Nam đã làm quân Pháp cảm phục. Điều này được ông Thắng dẫn chứng từ hồi ký của sĩ quan chỉ huy chiến hạm Pháp có tên Destelan đã ca ngợi tinh thần chiến đấu tuyệt vời và tấm lòng hy sinh cao cả của quân ta như sau: “Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm. Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất ở sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên tuyệt vời…”.
“Chính sự dũng cảm vì chính nghĩa, vì đất nước cho nên sau khi họ hy sinh, vào tháng 1/1884, triều đình Huế dưới sự trị vì của vua Kiến Phúc đã nghĩ ngay đến công lao của họ, cấp tiền tuất và ấm nhiêu cho những gia đình có thân nhân chết trận ở trận chiến Thuận An”, PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng nói.
NHẬT MINH
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-than-yeu-nuoc-tu-cuoc-chien-bao-ve-cua-bien-thuan-an-cuoi-the-ky-xix-155769.html
Bình luận (0)