Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay.
Ngân hàng “bơm vốn” mạnh mẽ vào nền kinh tế
Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: Những tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Ngay đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1-8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới.
Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường hàng hoá toàn cầu là rất lớn…
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã nâng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính đến cuối tháng 6, doanh số luỹ kế cho vay của Chương trình đạt khoảng 5.200 tỷ đồng.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội; cho người trẻ dưới 35 tuổi vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách,... cũng đang được triển khai.
Với những giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.
Tiến tới xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng
Trả lời câu hỏi liên quan đến tiến tới xóa bỏ hạn mức room tín dụng theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, cơ chế điều hành hạn mức tín dụng được NHNN áp dụng từ năm 2012, nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, lãi suất thị trường tăng cao và đảm bảo an toàn hệ thống. Công cụ này đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đặc biệt là kiểm soát sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, NHNN cũng nhận thấy, đây là một trong những giải pháp hành chính và có tính thời điểm và NHNN đã có lộ trình hướng tới việc gỡ bỏ công cụ hành chính này. Ông Phạm Chí Quang cho biết, vừa qua, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Hạn mức tín dụng hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Đây là một giai đoạn trong lộ trình gỡ bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng.
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ giúp tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng trong việc quyết sách và điều hành lãi suất. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện cẩn trọng vì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Do đó, để tiến tới gỡ bỏ room tín dụng, NHNN sẽ có giải pháp sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, làm sao để đồng thời ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá các tác động chính sách rất kỹ để có báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về lộ trình triển khai việc bãi bỏ công cụ này”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn, ông Vũ Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, huy động vốn so với cùng kỳ hiện nay hệ thống tăng 6,57%, trong đó tăng trưởng huy động vốn khu vực dân cư là 4,44%, đây là mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cho vay.
Nguyên nhân là do gần đây, nền kinh tế đang tăng trưởng khá nên tốc độ cho vay tăng ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đây là hoạt động bình thường của ngành ngân hàng.
Về lãi suất cho vay, trong những tháng còn lại của năm, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất định.
Đơn cử, ngay đầu giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Bên cạnh đó, dù lạm phát đã giảm về gần mục tiêu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại...
Trước bối cảnh này, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trong đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tỷ giá linh hoạt và kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
NHNN cũng sẽ điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực trọng điểm và động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng cường biện pháp phòng ngừa phát sinh nợ xấu mới.
Nguồn: https://baolamdong.vn/tin-dung-tang-truong-dot-pha-tap-trung-vao-cac-linh-vuc-uu-tien-san-xuat-kinh-doanh-381607.html
Bình luận (0)