Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, yêu cầu huy động, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, theo đó, việc nghiên cứu bỏ room tín dụng là bước đi cần thiết, góp phần giải phóng nguồn lực, tăng tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng.
Từ siết chặt sang linh hoạt
Ở giai đoạn trước, việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) là một công cụ điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét bỏ room tín dụng để tháo gỡ nguồn lực cho phát triển.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, việc áp dụng trần tín dụng là giải pháp mang tính tình thế trong thời kỳ lạm phát cao và nền tài chính chưa phát triển đầy đủ. “Tuy nhiên, về lâu dài, cần thay thế bằng các công cụ hiện đại hơn như bộ chỉ số an toàn vốn, kiểm soát rủi ro tín dụng và minh bạch hóa thông tin thị trường.”
Theo đó, chuyện bỏ room tín dụng đã được đưa lên bàn nghị sự nhiều lần. Đến nay, dù đã có phần linh hoạt hơn, song cơ chế room tín dụng vẫn chưa được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ như hiện nay, có lẽ hành trình bỏ room tín dụng đang đến gần hơn.
Xét ở bình diện tổng thể, việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” sẽ mở ra một bước ngoặt quan trọng, giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng. Khi không còn bị giới hạn bởi các hạn mức tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, các tổ chức tín dụng có thể linh hoạt hơn trong việc cung ứng vốn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Không chỉ góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, việc xóa bỏ room tín dụng còn tiệm cận với thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống tài chính, tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và củng cố uy tín quốc gia.
Bên cạnh đó, việc giới hạn room tín dụng sẽ làm suy yếu động lực cải cách nội tại. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính nhận định: “Khi ngân hàng chỉ cần xin room thay vì phải cải thiện năng lực quản trị rủi ro để tăng trưởng bền vững, thì chính sách lại vô tình triệt tiêu động lực nâng cao chất lượng hoạt động.”
Để giải phóng nguồn lực
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: “Room tín dụng là công cụ hành chính tạm thời. Nếu dùng lâu dài sẽ gây méo mó dòng chảy tín dụng, hạn chế tính thị trường và động lực cạnh tranh giữa các ngân hàng.” Tuy nhiên, việc thực hiện Bỏ room tín dụng không có nghĩa là “thả nổi” dòng tín dụng mà là chuyển sang một cơ chế điều hành hiện đại hơn – dựa trên nguyên tắc thị trường và kiểm soát rủi ro nội tại của từng ngân hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2025, toàn hệ thống đã có trên 80% ngân hàng đạt chuẩn Basel II, trong đó 10 ngân hàng áp dụng Basel III, đủ năng lực để tự chịu trách nhiệm với tốc độ tăng trưởng tín dụng của mình. Cùng với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kiểm soát chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản... việc cho phép các ngân hàng tự quyết định dư nợ là hoàn toàn có thể.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – cho rằng: “Việc bỏ room tín dụng sẽ giúp ngân hàng chủ động kế hoạch kinh doanh, cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo.”
Mặc dù vậy theo một số chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc bỏ room tín dụng cũng sẽ có những thách thức và hạn chế cần hết sức quan tâm. Dù bỏ room tín dụng là bước đi cần thiết, nhưng cần thực hiện cẩn trọng để tránh “bùng nổ tín dụng nóng” gây rủi ro cho hệ thống. Đồng thời, tránh đổ dồn tín dụng vào bất động sản và lĩnh vực rủi ro cao
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – nhấn mạnh: “Giám sát thông minh, liên thông dữ liệu và cảnh báo sớm rủi ro là nền tảng để thay thế room tín dụng một cách hiệu quả.”
Do đó, việc bỏ room cần đi kèm với khung chính sách hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, hạ tầng, chuyển đổi xanh. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong Quý II/2025 cho thấy, tín dụng vào bất động sản hiện chiếm khoảng 21,7% tổng dư nợ.
Theo đó việc bỏ room tín dụng là bước đi cần thiết, thể hiện sự chuyển đổi trong điều hành chính sách tiền tệ từ hành chính sang thị trường, minh bạch và hiện đại hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế cần dòng vốn dồi dào cho phục hồi và chuyển đổi xanh, việc gỡ bỏ rào cản cơ học sẽ góp phần giải phóng nguồn lực, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, bỏ room tín dụng phải đi kèm với nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo rủi ro, phân loại ngân hàng theo năng lực và xây dựng cơ chế xử lý vi phạm kịp thời. Đây không chỉ là cải cách kỹ thuật mà còn là bước tiến lớn trong đổi mới thể chế tài chính ngân hàng hiện nay ở nước ta./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/bo-room-tin-dung-nen-hay-khong-381616.html
Bình luận (0)