Nguồn: Internet |
Mưa vừa dứt, cả cánh đồng bừng tỉnh, hân hoan rũ bỏ giấc ngủ dài. Những giọt nước còn đọng trên lá lúa, lấp lánh như những viên ngọc trai li ti giữa nắng ban mai. Gió lướt qua, đồng quê khoan khoái hít thở. Mùi đất sau mưa hóa thành một thứ hương âm ẩm, ấm nồng, như hơi thở tri ân của đất gửi ngàn mây. Giữa tiếng gió xào xạc, có nhịp điệu ồm ộp gọi bầy của đàn ễnh ương, tiếng cá rô đồng quẫy râm ran, dệt nên khúc ca mùa hạ đầy sinh khí.
Mưa như người bạn cũ lâu ngày ghé thăm, vừa chạm ngõ đã rủ rê những ký ức ngủ quên bừng dậy trong tôi. Lặng bên hiên nhà mẹ, tôi hòa mình với tiếng cười khúc khích thời thơ bé trong những trận tắm mưa năm nào. Bỗng nôn nao nhớ những buổi chiều trên cánh đồng quê xưa, nơi bàn chân bé xíu từng nghịch bùn, nô đùa cùng lũ bạn đuổi bắt châu chấu dưới mưa.
Ký ức còn in trong tôi những ngày hè còn bé, trời sắp mưa là cả nhà lại nháo nhác lao ra sân không phải để tắm, mà để… chạy thóc. Những hạt thóc óng vàng mới phơi phải được thu gọn thật nhanh trước khi mưa làm ướt. Có khi, cơn mưa ào đến bất chợt, mọi người chỉ kịp cuống quýt thu đống thóc vào và lấy bạt phủ vội vàng.
Hồi ấy, trưa nào tôi cũng lén trốn mẹ đi chơi cùng chúng bạn. Lúc thì mải miết đánh khăng, chơi trò pháo nổ pháo nang, khi lại hì hục chơi quay, hay rủ nhau ra đồng bắt tép. Nhưng chỉ duy nhất những ngày mùa nhà phơi thóc, việc tôi bỏ giấc ngủ trưa không bị mẹ mắng. Tôi được giao trọng trách canh chừng trời đất, khi nào thấy mây đen kéo tới là hô hào mọi người chạy thóc.
Háo hức với nhiệm vụ này, tôi ngồi ở hiên nhà, ánh mắt mơ màng ngước lên bầu trời nắng chói chang, rồi lại chăm chăm nhìn sân thóc, trong lòng đầy thắc mắc, nắng thế này thì làm gì có mưa? Vậy mà, chỉ chợt lơ là vài phút đảo mắt ra cây ổi góc vườn, tôi đã giật thót mình khi thấy gió thốc đến. Một lát sau, tiếng sấm ầm ì từ xa vọng lại, bầu trời phút chốc mây đen ùn ùn kéo tới. "Mẹ ơi, chị ơi, sắp mưa rồi!".
Nghe giọng tôi thất thanh, mẹ và chị tôi lao như bay ra sân, người cầm cào chang, người cầm chổi quét thu thóc nhanh thoăn thoắt. Còn tôi cũng hăm hở cầm chiếc chổi tí hon bà bện cho, khua liên hồi cùng mẹ quét thóc. Cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn không quên được tiếng bước chân lạch bạch, vội vã, cùng nhịp chổi khua sồn sột trên nền sân lẫn tiếng mưa rào mỗi đợt chạy thóc. Âm thanh rộn ràng, dồn dập ấy, chẳng hề chứa đựng sự mệt nhọc, mà như một bản hòa ca, có cả sự lo lắng và hạnh phúc khi bảo vệ “hạt ngọc” quý giá của cả gia đình.
Cũng có năm, những cơn mưa mùa hạ cứ dai dẳng không dứt, mẹ và chị tôi ra đồng oằn mình gặt lúa, chạy đua từng chút thời gian với ông trời. Trong khi người lớn hối hả gặt, tụi trẻ con chúng tôi chẳng hề vướng bận lo toan, nháo nhác rủ nhau đi bắt châu chấu. Mỗi đứa cầm một chiếc que nhỏ, buộc túi bóng để xua châu chấu cho chúng chạy vào túi rồi chao nghiêng chao ngửa cho chúng ngất, sau đó đổ vào cái chai to đeo bên sườn. Cái cảm giác hò hét trên cánh đồng khi đuổi bắt châu chấu, nghe tiếng chúng nhảy lộp bộp trong chai rất vui tai và hạnh phúc.
Khi châu chấu đã đầy chai, chúng tôi tập trung ở một gò đất cao, hớn hở khoe nhau “chiến lợi phẩm” đầy tự hào. Rồi cãi nhau chí chóe xem ai bắt được nhiều. Tiếng cười trong trẻo, ngân vang dưới cơn mưa trắng xóa. Cầm chiếc chai chứa đầy châu chấu, đứa nào cũng hý hửng, tối nay sẽ có món châu chấu rang lá chanh béo ngậy, thơm lừng góc bếp. Thêm đĩa rau muống luộc cùng sấu non và bát cà pháo thì bữa cơm ngày mùa thật tròn vị.
Những ngày mưa dầm dề còn khiến thóc của người nông dân sau khi tuốt, chẳng có nắng để phơi, chỉ để ở ngoài hiên và phủ kín cả trong nhà. Ngôi nhà cấp bốn của gia đình tôi khi ấy trải đầy thóc ẩm, phả ra mùi ngai ngái. Đó là những ngày tôi thấy mẹ thao thức không ngủ, lặng lẽ nhìn mưa ngoài trời không dứt. Mẹ thở dài, với tay bật quạt quay đều khắp nhà, đôi bàn tay thô ráp cẩn trọng lật giở từng lớp thóc cho ráo. Tôi lặng lẽ dõi theo từng giọt mồ hôi của mẹ rơi thấm vào thóc mà như đang ủ vào đó vị mặn mòi của đất, của mưa, của cả cuộc đời lam lũ. Ngày đó còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết sự lo toan của mẹ, nhưng đến bây giờ, nghĩ lại ánh mắt của mẹ, tôi biết mưa, với mẹ và người nông dân chính là phép thử của sự nhẫn nại và lòng yêu thương.
Có đợt mưa trắng trời dồn dập mấy ngày, con đường nhỏ từ ngoài bờ sông vào nhà tôi ngập tận đầu gối. Chẳng hề nghĩ đến sự lo lắng của người lớn vì sợ thóc mọc mậm, tụi trẻ con chúng tôi đầu trần thỏa thuê ra tắm mưa và lội nước bì bõm. Đoạn đường ngập nước đầy tiếng cười trong veo. Anh họ tôi cầm theo chiếc cần dính sẵn mồi nhái để câu ếch. Mỗi lần anh câu được con ếch to béo múp, chúng tôi lại sung sướng hò reo:“Ếch kêu uôm uôm/Ao chuôm đầy nước”.
Giờ đây, mưa hạ vẫn về, nhưng tụi trẻ năm xưa chẳng còn ai tắm mưa, cũng chẳng còn ai hét “Mẹ ơi, mưa tới rồi!”. Chỉ còn tôi, mỗi khi mưa đổ lại đứng bên hiên nhà xưa, lặng nhìn mưa và thầm thì với ký ức hồn nhiên, vô lo. Tôi nhận ra, âm thanh rộn rã nhất của tuổi thơ không phải tiếng cười trong những trận tắm mưa, mà là tiếng chổi của mẹ, của chị hối hả lùa từng “hạt ngọc” vào nơi khô ráo. Âm thanh ấy, vội vã, dồn dập, lo toan mà sao ấm áp lạ. Trong tiếng ào ào của cơn mưa, tôi nghe được cả tiếng thở dài của mẹ chìm vào tiếng sấm năm nào, thấy rõ từng giọt mồ hôi của mẹ lặng lẽ rơi xuống những hạt thóc đang lên mầm.
Cơn mưa nào rồi cũng sẽ tạnh, nhưng tiếng chổi quét thóc trong mưa của mẹ còn vọng mãi trong tôi. Tiếng chổi sồn sột năm xưa giờ đây không chỉ khuấy động ký ức, mà còn ghim sâu vào tâm hồn tôi một sự thật giản dị mà thiêng liêng: Mùa gặt lớn nhất của đời người không phải trên đồng, mà là những yêu thương được nảy mầm từ lo toan, và óng vàng lên bởi những vất vả lặng thinh suốt cuộc đời của mẹ. Chính những âm thanh trong cơn bão dông ấy đã dạy tôi rằng, có những vất vả đi qua không phải để tàn phá, mà là để chở che và vun đắp cho những gì quý giá nhất mãi tươi xanh…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/tieng-choi-trong-mua-4bb278c/
Bình luận (0)