Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hoàn thành khả thi các mục tiêu nhằm góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành nhằm đóng góp vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, sáng 16/7.
Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2025, Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tính toán và xây dựng kịch bản tăng trưởng, chỉ tiêu chủ yếu của ngành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên. Theo ước tính của Bộ Xây dựng thì để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% trở lên thì ngành xây dựng cần tăng trưởng từ 9,0% trở lên; các ngành kinh tế thuộc quản lý của Bộ Xây dựng ước đạt tỷ trọng khoảng 17,23% giá trị GDP cả nước (tăng thêm khoảng 0,17% so với năm 2024), qua đó đóng góp khoảng 1,96 điểm % tăng trưởng vào tăng trưởng GDP.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành xây dựng tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-20252, đóng góp vào 0,63 điểm % tăng trưởng và cùng với ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 36,96% cơ cấu nền kinh tế quốc gia.
Về công tác triển khai các Dự án kết cấu hạ tầng, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia vượt tiến độ đề ra 6-9 tháng, đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác là 2.268 km; cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1, một trong những dự án hạ tầng hàng không quan trọng nhất của quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc sớm hoàn thành các dự án này sẽ góp phần giảm chi phí Logistics, tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương sau sáp nhập, tạo lập kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Thu hút tư nhân và đầu tư nước ngoài trong phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục duy trì tích cực, tính 6 tháng đầu năm 2025, số vốn nước ngoài cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trên cả nước.
Phát triển hạ tầng giao thông đô thị thường xuyên được Bộ quan tâm chỉ đạo. Tính đến hết tháng 06/2025, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam ước đạt 44,3%. Nhiều dự án hạ tầng đô thị, cải tạo các chung cư cũ, hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, xử lý rác thải được quan tâm, triển khai bảo đảm an sinh xã hội.
Về quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại 27 địa phương. Tính đến 30/6/2025 đã hoàn thành 35.631/100.000 căn, khởi công 26 dự án với quy mô 23.561 căn. Đã tổ chức rà soát và tháo gỡ 136/788 dự án bất động sản có khó khăn vướng mắc và tổng hợp các dự án khác chuyển Bộ Tài chính để nghiên cứu, xử lý theo quy định.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của Bộ Xây dựng dự kiến 6 tháng cuối năm vẫn bám sát yêu cầu của ngành đề ra như: Giải ngân toàn bộ Kế hoạch đầu tư công năm 2025; Hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản; Duy trì tăng trưởng hoạt động vận tải khoảng 13%; Sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3%.
"Với tính toán của Bộ Xây dựng, việc hoàn thành các mục tiêu trên là khả thi nhằm góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%, nhất là trong bối cảnh Bộ Xây dựng đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường xây dựng, ứng dụng các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hơn nữa, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân Kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia còn lan tỏa qua nhiều ngành khác như vật liệu xây dựng, bất động sản, tài chính, vận tải-kho bãi (logistics), sản xuất máy móc, và cả tiêu dùng dân cư" – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cùng các địa phương rà soát các yếu tố mới phát sinh sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để chủ động có giải pháp hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp nhằm bảo đảm đạt chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đã đề ra.
Bộ Xây dựng cũng đã thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng đồng hành cùng địa phương trong quá trình triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ, giải đáp, hướng dẫn kịp thời; trong trường hợp cần thiết sẽ phân công cán bộ để hỗ trợ trực tiếp cho địa phương.
Ngoài ra, sau sáp nhập, nhu cầu di chuyển nội tỉnh (đặc biệt giữa các trung tâm đô thị cũ) sẽ tăng, gây áp lực lớn một số hệ thống giao thông hiện hữu đã có mật độ tương đối cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương lưu ý quan tâm nâng cấp, bảo trì hoặc mở rộng các tuyến đường kết nối hiện hữu, huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm hành chính cấp tỉnh theo quy hoạch và thẩm quyền của tỉnh; bố trí nguồn lực (bao gồm cả kinh phí bảo trì) để thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì trên các tuyến quốc lộ được phân cấp…
Để bảo đảm mục tiêu giải ngân Kế hoạch đầu tư công và hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương gấp rút hoàn thiện các khối lượng công tác giải phóng mặt bằng còn tồn tại để bảo đảm công địa thi công các dự án đường bộ cao tốc. Các địa phương được giao thực hiện dự án do Bộ Xây dựng chủ quản cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương để tập trung quyết liệt, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng…
Để hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 20308 tạo cơ sở các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội tại địa phương.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN nhất trí với Kịch bản tăng trưởng năm 2025 mà Bộ Tài chính đề xuất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới hạ nhiệt nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 so với dự báo được đưa ra trước đó… thì công tác điều hành chính sách tiền tệ trong nước luôn chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Theo đó, NHNN duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với khối lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng, đa dạng hoá và kéo dài kỳ hạn chào mua để hỗ trợ nguồn vốn dài hạn hơn cho hệ thống, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay… Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; trong tháng 6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Do đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời…
Về định hướng, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Thống đốc NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giang Oanh – Phương Liên
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thuc-day-nhieu-giai-phap-gop-phan-thuc-hien-muc-tieu-tang-truong-83-85-102250716111833727.htm
Bình luận (0)