Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thiên tai không ai là “khán giả”

Mùa mưa bão năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp. Tại Thái Nguyên, mưa dông kéo dài đã gây sạt lở, ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực. Đặc biệt, bão Wipha đang tiến vào vịnh Bắc Bộ tiếp tục đặt ra nguy cơ gây thiệt hại lớn về sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh ấy, nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống và ứng phó với thiên tai không còn là khuyến nghị mà là yêu cầu cấp thiết.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên22/07/2025

Lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để phục vụ ứng cứu kịp thời các tình huống do thiên tai gây ra. ảnh: TL
Lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để phục vụ ứng cứu kịp thời các tình huống do thiên tai gây ra. Ảnh: T.L

Biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ các hiện tượng cực đoan như lũ quét, dông lốc, nắng hạn hay mưa đá diễn ra ngày một dày đặc, khốc liệt. Theo thống kê của ngành chức năng, riêng trong năm 2024, Thái Nguyên đã ghi nhận 5 đợt thiên tai lớn, gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và công trình hạ tầng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Có một nghịch lý là dù thiệt hại hiện hữu, nhiều người dân vẫn chưa thực sự chủ động trong công tác ứng phó. Còn không ít trường hợp coiứng phó với rủi ro thiên nhiên là việc của chính quyền và cơ quan chuyên môn. Vấn đề chằng chống nhà cửa, kiểm tra mái tôn, dọn vệ sinh kênh mương trước mùa mưa bão vẫn bị lơi lỏng; việc cắt tỉa cây xanh, rà soát điểm xung yếu cũng chưa được quan tâm đúng mức ở cấp độ hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Thực tế cho thấy, các địa phương như Thái Nguyên đã và đang làm tốt công tác cảnh báo sớm, tuyên truyền và diễn tập phòng, chống thiên tai hằng năm. Các bản tin dự báo khí tượng được cập nhật liên tục trên nền tảng số, hệ thống truyền thanh cơ sở và mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu thông tin không đến được tai người dân, hoặc có đến mà không đi vào hành động cụ thể, thì công tác phòng, chống sẽ vẫn trở nên bị động và thiếu hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là làm sao để mỗi người dân thực sự “nhập cuộc”, chuyển từ tư duy bị động sang chủ động ứng phó trong mùa mưa bão?. Đây không chỉ là chuyện kỹ thuật hay tổ chức, mà là câu chuyện của nhận thức, của giáo dục cộng đồng và sự đồng hành cụ thể, sát thực từ chính quyền đến người dân.

Thời gian qua, nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Cụ thể là việc thành lập tổ xung kích phòng, chống thiên tai tại thôn bản, xây dựng kịch bản ứng phó với mưa lũ, có phân công cụ thể từng hộ dân trong việc di dời người, tài sản khi có tình huống xấu. Các mô hình “nhà an toàn”, “trường học an toàn”, “cộng đồng an toàn”… từng bước phát huy hiệu quả.

Để các mô hình này thực chất, bền vững thì cần chiến lược dài hơi trong nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra không thể chỉ dừng ở các khẩu hiệu hay kế hoạch mà phải là việc làm thường xuyên, cụ thể, gắn với đời sống. Từ việc trồng cây chắn gió, nạo vét cống rãnh, gia cố nhà cửa đến việc tham gia các buổi tập huấn, diễn tập ứng phó, tất cả đều cần sự tham gia thực chất của người dân.

Không thể ngăn thiên tai, nhưng hoàn toàn có thể giảm rủi ro nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chủ động ứng phó từ mỗi cá nhân và cộng đồng là cách hiệu quả nhất để hạn chế thiệt hại do mưa bão. Bởi an toàn không nằm ở may rủi, mà nằm ở ý thức và hành động kịp thời.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/thien-tai-khong-ai-la-khan-gia-a0a0dfa/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm