Ảnh: Đỗ Anh Tuấn |
Trong ngăn tủ gỗ cũ của bà nội, có một chiếc khăn tay đã úa màu thời gian, nhẹ nhàng bọc lấy một bức thư mỏng manh, nét chữ tím nhòe run run của bác tôi đang viết giữa rừng sâu. “Mẹ à, con vẫn ổn. Ở rừng thiếu thốn đủ bề, nhưng đồng đội thương nhau lắm. Con nhớ nhà, nhớ cơm cá rô kho mẹ nấu...”. Lá thư dừng lại ở đó, không lời kết. Ở cuối trang, một vệt mờ loang nhòe, có thể là nước mắt của bà, cũng có thể là giọt mưa năm ấy, khi người ta đến báo tin bác đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Chỉ một mảnh giấy nhỏ, một dòng thư dang dở, nhưng chứa cả nỗi nhớ, cả tình thương và cả một thời hào hùng đã lặng lẽ trôi qua trong nước mắt.
Bà nội tôi từng bảo: “Mỗi người hy sinh là một ngọn nến được thắp để đất nước được sáng mãi”. Hồi nhỏ, tôi không hiểu hết những lời của nội. Với tôi khi ấy, chiến tranh chỉ là những thước phim cũ trên tivi, là vài trang sách sử khô khan nơi lớp học. Nhưng rồi khi tôi lớn lên, chiến tranh dần hiện ra, không phải bằng tiếng súng, mà bằng những lặng im. Là ánh mắt xa xăm của bà mỗi lần giỗ bác, là tấm ảnh đen trắng đã úa màu thời gian nhưng vẫn được treo trang trọng trong phòng khách, là những câu chuyện dang dở về một thế hệ đã lặng lẽ sống, lặng lẽ hy sinh để giữ lấy hình hài đất nước. Lúc ấy, tôi mới hiểu: Có những nỗi đau không còn hiện hình bằng máu, mà bằng ký ức.
Một lần, trường tôi tổ chức cho học sinh đi thăm nghĩa trang liệt sĩ. Những hàng mộ xếp thẳng tắp, lặng lẽ như một bản nhạc buồn không lời. Tên người nằm im trên những phiến đá lạnh. Có ngôi mộ chỉ vỏn vẹn ba chữ: “Chưa rõ tên”.
Tôi đứng thật lâu trước bia mộ ấy. Tự hỏi: Người đó là ai? Có mẹ già chờ ở quê nhà? Có từng ôm em thơ ngủ yên trong vòng tay? Có từng nắm tay người yêu bên giếng làng một chiều đầy gió? Chiến tranh không chừa một ai, không phân biệt tuổi tác, tên gọi hay quê quán. Nhưng chính họ, những cái tên vô danh, những số phận không còn ai nhớ mặt lại hy sinh âm thầm để thế hệ chúng tôi được lớn lên trong hòa bình. Không phải ai cũng được ghi vào sử sách, nhưng trong lòng đất này, mỗi nấm mộ đều là một trang sử, lặng thầm mà bất tử.
Không phải bằng băng rôn rực rỡ hay những bài diễn văn dài mà đơn thuần chỉ là một bó hoa đặt nhẹ trên mộ, một phút mặc niệm giữa nắng sớm, một đứa trẻ đứng nghiêm, tay chào không chệch một ly. Chính những điều nhỏ bé ấy lại là cách sâu sắc nhất để chúng ta giữ lời hứa với quá khứ: Không ai bị lãng quên. Không điều gì bị lãng quên. Tôi vẫn tin, ở đâu đó rất xa, nơi không còn chiến tranh, không còn đạn bom những người lính năm xưa vẫn đang âm thầm dõi theo từng mùa tháng Bảy trôi qua trong hòa bình.
Tháng Bảy trong tôi cũng là tháng của những buổi chiều gió hun hút, khi tiếng loa phường vọng về từ xa văng vẳng đọc tên những anh hùng liệt sĩ trong một chương trình tưởng niệm. Giữa bộn bề lo toan, những cái tên xa lạ ấy lại khiến lòng tôi lặng đi vài nhịp. Bởi cái tên nào cũng từng là một người hùng, từng có tuổi thơ, từng có mẹ ngóng đợi ngoài thềm, từng có giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.
Có lần, tôi đọc được bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của nhà thơ Nguyễn Duy, viết từ những ngày bom đạn đã xa. Mà lạ thay, đọc giữa tháng Bảy, lại thấy như được ai đó chạm nhẹ vào tim:
“Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng…”
Thơ không nói về chiến tranh, nhưng vẫn khiến ta nghĩ đến những người mẹ ở lại, ru con trong lặng lẽ, những người vợ trẻ không kịp đón chồng trở về, và cả những đứa trẻ lớn lên bên bàn thờ, chỉ biết gọi cha qua một tấm hình đen trắng.
Tháng Bảy, hình như đất trời cũng chậm hơn. Không phải vì mưa, không phải vì gió, mà bởi lòng người đang lặng lại, để nhớ và tri ân những bước chân không bao giờ trở lại.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/thang-bay-nhung-buoc-chan-khong-tro-lai-658229c/
Bình luận (0)